Sự suy thoái toàn diện của xã hội Việt Nam hôm nay đang lao xuống, ầm ầm như thác đổ.
Không thể ngăn cản.
Không thể biện hộ, bằng sự hồ đồ mạ lỵ.
Chân lý không thuộc về kẻ nói to, nói nhiều, nói mạnh. Không ai có thể quản lý được chân lý, vì chân lý không có chủ nhân.
Chân lý thẩm thấu vào kẻ biết lắng nghe với trái tim có sức chứa.
Sự kiện anh Lê Hiếu Đằng – tự nó không phải là sự cố cho hệ thống cầm quyền của Đảng – đang lan tỏa, nhẹ nhàng và đơn giản, đã tạo nên sự cộng hưởng tích cực, rộng lớn cho những ai biết lắng nghe.
Đó là một lời mời đối thoại với tấm lòng chân thật và thiện chí. Nhưng nó được đón nhận cách phản ứng rất “vật lý” từ phía công quyền, từ hệ thống Chuyên-Chính-Vô-Sản, từ não trạng đậm quán tính, từ niềm tin có tính giáo điều về những tiền đề mang màu thần thánh.
Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, sự “suy thoái/thoái hóa về tư tưởng – chính trị” trong Đảng Cộng sản đang diễn ra ở một “bộ phận không nhỏ”. Đúng như thế. Sự suy thoái biểu hiện bằng sự bắt đầu căn bản nhất, nguồn cội nhất, là thái độ không chấp nhận đối thoại và tâm lý không ưa thích đối thoại. Tệ hơn thế, là thái độ vùi dập đối thoại bằng đại bác, như tiếng đại bác của Kim Jong-un nã vào kẻ tử tội. Tiếng hô xung phong phản kích đồng loạt nổ ra từ các phương tiện truyền thông chính thức, từ các tờ báo lớn chính thống, kế tiếp là những cuộc rì rầm trong hệ thống ngầm ở địa phương. Những tay xạ thủ là “Giáo sư”, “Tiến sĩ”, “Viện sĩ” và cả những “khất sĩ” dư luận viên… Như một cơn mưa lớn trút xuống, nặng hạt, nhưng lại qua nhanh, chẳng đọng lại điều chi đáng suy nghĩ, ngoài việc làm rõ thêm những vết nứt loang lổ vốn có. Phài chăng đây là biểu tượng căn cơ về suy thoái trong tư tưởng – chính trị mà Tổng Bí thư muốn nói?!
Trao đổi, hay là đối thoại, phải chăng là hành vi giao tiếp đầu tiên của loài người để khởi đầu sự từ bỏ thế giới mông muội, tiến tới thế giới văn minh? Vì văn minh nên có dân chủ. Dân chủ, chính là đối thoại. Độc tài thì không có đối thoại, chỉ có tiếng kèn xung trận thay lời. Không đối thoại và tự cho là mình có chân lý, thế thì lưng dựa của tư duy là quyền lực?
Mao đưa ra phương châm “Quyền lực ở trên đầu mũi súng”, nhưng Chân lý thì không nằm ở đó! Người ta có thể thừa nhận “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh”, nhưng không ai nói “chân lý là của kẻ mạnh”.
Mặt khác, những người bên kia bờ đại dương, trong số những người yêu nước và yêu sự chống Cộng, thì có một số tạm gọi là “Chống Cộng cực đoan” cũng đã tích cực lên tiếng mạ lỵ Lê Hiếu Đằng, nói rất nhiểu kiểu, nhiều cách, có thể tạm gọi là những cuộc “ném đá”. Phải chăng ném đá đã trở thành một nghề, hay một cách chơi, hay một loại sinh hoạt cần thiết của đời sống tinh thần? Tất nhiên đều được và đều có quyền. Tuy nhiên, một sáng thức dậy, những cục đá ném, phát ra từ bên kia hay bên này, nằm trơ ra đấy mà chẳng thấy ông Lê Hiếu Đằng nằm đâu. Vẫn chỉ là những cục đá lớn nhỏ. Có thể một mai kia, may thay, những cục đá ấy sẽ cựa quậy trong tâm của người ném, vì sự hổ thẹn.
Nói về mất mát đau thương thì ai cũng rõ, là nỗi đau chung, không bản thân thì cũng gia đình, bà con họ hàng, người yêu… chưa chắc “Bên thắng cuộc” đã không nhiều hơn “bên không thắng cuộc”! Bên thắng cuộc tuy đông, nhưng người thắng thì ít lắm. Nói như vị nào đó: Dù bên nào thắng, thì nhân dân vẫn lãnh đủ… Phe “chống Cộng cực đoan” và phe “Cộng sản triệt để” có thể đồng dạng với nhau về mặt tính cách, họ “đối trọng” nhau để sinh thành và tồn tại. Vì thế, nên thôi đi! Cũng bởi vì, thế hệ trẻ hiện nay đang đánh giá khác về các giá trị của thời đại!
Một xã hội công dân mà Lê Hiếu Đằng thay cho hàng vạn con người đã nói lên, tuy không mới nhưng luôn cần thiết cho mọi người, là giải pháp cấp bách, cũng là giải pháp lâu dài của Việt Nam, cho phe “cực đoan” hay phe “triệt để”, và cả cho con cháu họ. Chẳng lẽ con cháu họ sẽ sinh ra và lớn lên cũng đều có máu “triệt để” hay máu “cực đoan” hết cả sao? Nếu thế thì rất khó tưởng tượng về tương lai của đất nước!
Hãy gác lại cuộc mạ lỵ, bôi bẩn, vu khống, hồ đồ, vô bổ… để cùng đối thoại, hướng tới xây dựng một xã hội công dân, bình đẳng, hội nhập, và văn minh, mà ở đó những ông bạn “cực đoan” và những đồng chí “triệt để” sẽ chỉ còn tồn tại, và được trân trọng chăm sóc, trong các bệnh viện tâm thần.
Những ngày tháng đang trong cơn bão đá từ các bên, Lê Hiếu Đằng vẫn đi cà phê buổi sáng như thường lệ. Dù chỉ nhấm nháp qua loa một cách rất “không đáng kể”, anh vẫn rất vui vẻ và hân hoan về những điều mình đang nghĩ đang làm. Có lẽ anh đã ký một hòa ước nào đó với Thần Chết nên rất bình yên, không có vẻ gì là “kẻ bất mãn” hay “tên âm mưu” như những ông kẹ ném đá kết án.
Thân xác thì tạm không cần nói tới, nhưng linh hồn anh thì không ai chạm vào được! Anh đã trung thành với nhiệt huyết tuổi thanh niên của mình, với tính cách “Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình”.
Trước và sau, anh là thống nhất.
Như thế là hạnh phúc, vì còn gì đẹp hơn!
H. Đ. N.
6-9-2013
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN