Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 5)

 Dịch giả: Nguyễn Quang A

 PANEL HAI: TRANH ĐUA CHÍNH TRỊ, 1986-89

Zbigniew Bujak

Được đào tạo như một kỹ thuật viên về điện, Zbigniew Bujak (sinh năm 1954) đã làm việc nhiều năm tại nhà máy máy kéo Ursus gần Warsaw. Ông đã đồng tổ chức một cuộc đình công ở đó năm 1980, và trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo trong phong trào Đoàn kết. Từ 1981 đến 1989 ông là người đứng đầu Đoàn kết trong khu vực Mazowsze, và cho đến khi bị bắt năm 1986 ông là nhân vật đối lập nổi bật nhất. Trong năm 1986, Bujak đã được trao Giải Nhân quyền Robert F. Kennedy. Từ 1987 đến 1989 ông là thành viên của Ủy Ban Điều hành Quốc gia của Đoàn kết; từ 1990 đến 1991 là Chủ tịch của Quỹ Stefan Batory (Quỹ Soros). Là Dân biểu trong Hạ Viện từ 1991 đến 1997, ông đại diện cho Phong trào Xã hội Dân chủ (1991-93) và Nghiệp đoàn Lao động (1993-97). Bujak thường xuyên viết về chính trị Ba Lan và hiện tại là thành viên lãnh đạo của Đảng Liên minh Tự do.

… Chúng tôi đã thấy trước đó rằng bất cứ lần nào chúng tôi kéo nhau ra đường phố và thông qua các cuộc biểu tình để thử buộc bên kia làm một cái gì đó, lần nào chúng tôi thực sự cũng bị thua. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi đã cố gắng để thắng phía bên kia bằng đấu tranh vũ trang, đã hóa ra, và ở đây tôi đang nhắc đến thời kỳ sau chiến tranh, đã hóa ra rằng bộ máy đảng đã có thể dễ dàng gán cho những người đối lập như loại tội phạm nào đó, những kẻ tấn công vũ trang. Và chúng tôi vẫn cứ thua. Vì vậy chúng tôi đã hiểu rằng ý tưởng chiến đấu bất bạo động là tốt nhất, và đó là niềm tin của chúng tôi, công cụ thành công hoặc hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh cho dân chủ. Khi điều này được chấp nhận như là một nguyên tắc rằng rốt cuộc ở đây chúng ta hướng tới một thỏa thuận, và nó đã tự bộc lộ trong thời gian thiết quân luật, khi đó ngay cả khi chúng tôi kêu gọi xuống đường biểu tình và hướng tới một cuộc tổng đình công, trong chính tài liệu đó, chúng tôi luôn luôn đề cập đến sự cần thiết phải thỏa thuận và thỏa hiệp, tin rằng đây là cách duy nhất để giải quyết xung đột…

Tôi phải nói rằng nếu giả như dưới thời thiết quân luật một người nào đó, chẳng hạn một vị tướng nào đó, đã liên lạc với tôi và nói cái gì đó như, “sư đoàn của tôi sẵn sàng phục vụ các ông”, thì rất có thể chúng tôi đã suy ngẫm nghiêm túc về khả năng này. Nhưng đã chẳng có gì thuộc loại đó xảy ra…

Tôi muốn nói rằng chúng tôi đã thành công trong việc duy trì sự thống nhất của phong trào Đoàn kết, và hãy nói, tính thống nhất và cố kết tổng thể của tư tưởng đó là ánh sáng dẫn đường cho chúng tôi. Điều đó không có nghĩa là đã không có sự đa dạng trong các chương trình. Có, đã có những chương trình đa dạng, các chương trình nhiều vẻ. Đã có các phong trào chính trị mới đang được sinh ra và họ đã xây dựng cương lĩnh chính trị của họ. Và điều đó hợp với chúng tôi, bởi vì đây là điều mà đa nguyên và dân chủ trong Đoàn kết dự định…

…Ngay bây giờ ở Ba Lan, có một cuộc tranh luận về các cuộc đàm phán Bàn Tròn, nó đã là cần thiết, nó đã có bất kỳ ý nghĩa nào hay không? Trong cuộc xung đột này, một cuộc tranh luận quan trọng là vấn đề của các nạn nhân, vấn đề liệu có công lý, liệu công lý đã được thực hiện tại thời điểm đó, liệu tội ác đã bị trừng phạt, liệu tội ác đã bị loại bỏ hay không. Và theo một cách, những người hỏi những câu hỏi đó nghĩ rằng các cuộc đàm phán Bàn Tròn như một cái gì đó xấu. Tôi muốn nói rằng cách tiếp cận này, phải, cho thấy rất nhiều đức tin sâu xa rằng bạn có thể diệt trừ cái ác và có thể đạt công lý một trăm phần trăm. Tôi nhìn vào nó với sự thờ ơ, và, phải, thậm chí với một liều lượng nhất định của sự hoảng sợ, bởi vì, phải, đó cứ như là ai đó đang cố gắng để sửa chữa những gì Chúa đã tạo ra, để loại bỏ tất cả cái ác và đạt được một trăm phần trăm công lý. Đó không phải là cách thế giới vận hành, và các mối quan hệ con người cũng chẳng theo cách đó, và, hãy để tôi diễn đạt theo cách này, bên trong triết lý này, chúng ta muốn tiếp tục truy tố và trừng phạt tất cả những người đã phạm các tội khác nhau. Theo triết lý đó, chúng ta, những người Ba Lan, một quốc gia tôn giáo, chúng ta đi nhà thờ và cầu nguyện cho công lý. Và đó là một phần lớn của Giáo hội Ba Lan, cái phần mà bạn có thể nghe thấy trong các phương tiện truyền thông, cái phần, phải, cố gắng để đạt được một trăm phần trăm công lý tuyệt đối và chân lý đó… Chúng ta phải làm điều đó thế nào? Để làm điều đó, người ta hiển nhiên phải trả lời câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của sự đau khổ của các nạn nhân. Phải, với tôi, khi đó, rõ ràng là những người đó đã không đấu tranh cho công lý một trăm phần trăm này và việc tiêu diệt cái ác này. Họ đã chiến đấu cho tự do và dân chủ. Và theo ý nghĩa đó, khi chúng tôi tham gia vào các cuộc đàm phán Bàn Tròn dẫn đến tự do và dân chủ tại Ba Lan, theo một cách mà chúng tôi đang hoàn thành sứ mạng, mà họ đã chiến đấu cho và đã hy sinh cuộc sống của họ cho sứ mạng đó. Và tôi phải nói rằng khi nghe các thành viên gia đình của những người đó, tôi nghĩ rằng họ hiểu, và họ nói, cha chúng tôi, chồng tôi đã bị giết vì tự do và dân chủ. Và bên trong triết lý đó, chúng tôi có thể nói, có một loại người cầu nguyện khác trong nhà thờ. Loại này là về lòng biết ơn đối với sự hy sinh của họ, và đó là một phần của Giáo hội Ba Lan. Và theo ý nghĩa đó, sự khác biệt về ý kiến liên quan đến Bàn Tròn thực sự tồn tại và sẽ kéo dài nhiều tháng và có lẽ trong nhiều năm dài nữa, và nó sẽ xác định hai xu hướng trong đời sống kinh tế-xã hội Ba Lan, nhưng cũng là hai xu hướng trong Giáo hội Ba Lan.

Đại sứ Stanisław Ciosek

Là đảng viên của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR) từ 1959 đến 1990, Stanisław Ciosek (sinh năm 1939) đã giữ nhiều chức vụ hành chính khác nhau. Ông có bằng về nghiên cứu đại dương từ Trường Kinh tế học tại Sopot trong năm 1961 và đã phục vụ trong mười bốn năm tiếp theo trong bộ máy hành chính của Hiệp hội Sinh viên Ba Lan. Từ 1972 đến 1985 Ciosek là Dân biểu trong Quốc hội (Sejm); từ 1975 đến 1980 ông là Bí thư Thứ nhất vùng trong PZPR. Ông là ủy viên Ủy ban Trung ương PZPR từ 1980 đến 1981 và 1986 đến 1990; từ 1980 đến 1985 là thành viên Hội đồng Bộ trưởng. Trong các năm dẫn đến các cuộc Đàm phán Bàn Tròn (1986-88), ông là Bí thư Ủy Ban Trung ương PZPR và Tổng Thư ký của Hội đồng Quốc gia Của Phong trào Yêu nước Phục hưng Dân tộc. Từ 1989 đến 1996, Ciosek là Đại sứ Ba Lan ở Moscow.

… Đây là một tư tưởng khá mạo hiểm, nhưng tôi sẽ nói về nó dẫu sao đi nữa. Tôi tin rằng việc cho phép các khái niệm như glasnost (công khai) và perestroika (cải tổ) có nguồn gốc của nó trong tình hình Ba Lan, và trong nhận thức rằng không thể để giải quyết xung đột và bảo đảm tăng trưởng hoặc thông qua vũ lực, như tại Ba Lan trong thời kỳ thiết quân luật, hoặc thông qua các phương pháp hiện hành của việc điều hành chính phủ. Có thể không rõ ràng như đã được thể hiện ở Ba Lan, những vấn đề đó đã xảy ra trong toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa. Có lẽ [nói] điều này là không khiêm tốn, nhưng tôi tin hoàn toàn, sau hơn sáu năm sống ở Moscow và sau nhiều cuộc nói chuyện và thẩm tra, rằng đã nhất thiết phải đối mặt với thách thức đó, thách thức có tên Ba Lan, mà đã gây ra sự tất yếu đối với các nhà lãnh đạo kiểu Gorbachev.

Để phản ứng với việc gọi tên, khi chúng tôi đã được gọi là những con “nhện đỏ,” … đúng, đúng, đã có những thời kỳ chúng tôi được gọi là những con “nhện đỏ,” tôi đã thường nói với các đối tác của mình: “Phải, loại nhện gì mà không còn có khả năng bắt ruồi?” …

Tôi đã được nhìn nhận như một loại quái vật khôi hài nào đó với hai cái đầu, bởi vì, phải, với tiểu sử của mình, tôi vẫn đã là đại sứ của Ba Lan mới. Và đối với những người này điều đó cũng đã có nghĩa rất nhiều, rằng chuyển sang một hệ thống mới, họ không cần phải sợ mất đầu của họ, và ý tôi muốn nói theo nghĩa đen….

Chúng tôi đã biết rằng cần phải thay đổi, rằng đã cần những thay đổi căn bản, nhưng chúng tôi đã không hoàn toàn biết cần thay đổi chính xác cái gì và làm thế nào để đưa ra những thay đổi đó. Vì vậy, chúng tôi đã trông cậy vào Đoàn kết về các ý tưởng. Và theo cách chúng tôi nhìn nhận, tất cả đã là một mê cung của những lời chỉ trích, của sự bất mãn, của các ý tưởng, các đề án khác nhau, mà đã không là các khái niệm chính trị và kinh tế được kết tinh một cách rõ ràng. Chúng tôi vẫn có thể nhớ kỹ các cuộc tham vấn nổi tiếng về giá thuốc lá trong thời gian Hội nghị Công đoàn Đoàn kết ở Gdansk. Điều này nghe có vẻ hoàn toàn phi lý hôm nay nhưng đó là sự thật. Như thế trong con mắt chúng tôi, đó cũng đã chẳng phải là ý tưởng thích hợp cho Ba Lan. Đúng, chúng ta đã thống nhất một điều, rằng chúng ta cần một sự thay đổi. Và với tâm trạng này, chúng tôi đã ngồi vào Bàn Tròn. Đây đã không phải là trận đấu tay đôi của hai khái niệm được định nghĩa rõ ràng, chủ nghĩa xã hội giáo điều với nền kinh tế kế hoạch hóa đối lại nền dân chủ và kinh tế thị trường. Đây đã là một sự tìm kiếm, vào lúc đầu đầy sự không tin cậy và sự nghi ngờ, thế nhưng cùng nhau chúng ta đang tìm kiếm cách thức mới để thay đổi Ba Lan.….

Tại lúc nào đó, những người Nga đã yêu cầu tất cả các đại sứ đã trình quốc thư tại Moscow để đặt một cái gì đó mang tính biểu tượng của mỗi quốc vào dưới đá tảng của Đại Thánh đường Chúa Ki Tô Đấng Cứu thế hiện đang được xây dựng lại. Vì vậy, tôi đã đi Warsaw và mang một cuốn sách dày về các thỏa thuận Bàn Tròn. Đó đã là, phải, một thời rất nguy hiểm ở Moscow, với cuộc đối đầu có thể, và tôi đã hình dung rằng họ có thể sử dụng các thỏa thuận của chúng tôi như một biểu tượng của sự đối thoại. Nhưng sau đó tôi đọc cuốn sách, sau nhiều năm, cẩn thận, và quyết định không đặt nó ở đó dưới đá tảng của thánh đường. Như tôi đã nhắc đến, đó đã là những lời hứa, mong muốn, kỳ vọng đẹp. Nó đã không phải là thị trường tự do, nó đã không phải là chủ nghĩa tư bản. Nó đã giống như chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa lãng mạn xã hội với việc chỉ số hóa tiền lương.* Phải, đưa các tầm nhìn như vậy cho hàng xóm, những người đã và thực sự vẫn còn đang đối mặt với sự lựa chọn tàn bạo của các biện pháp kinh tế khó, phải … tôi đã không dám làm điều đó. Bất chấp tất cả các giá trị biểu tượng của Bàn Tròn của chúng tôi, tôi đã không quyết định làm xói mòn các bức tường của thánh đường mới bằng các ý tưởng, được tạo ra tại một thời điểm cụ thể và điều kiện cụ thể ở Ba Lan…

Hãy để tôi nhắc nhở các bạn rằng trong hiệp ước Bàn Tròn chúng ta đã đồng ý rằng các cuộc bầu cử tiếp theo sẽ là hoàn toàn tự do. Giai đoạn này của bốn năm chuyển đổi mang tính hệ thống, chúng tôi gọi đó, phải, là một cơ chế khớp nối hay đúng hơn, cơ chế ly hợp. Bạn nhấn ly hợp để sang số, không để dính vào cùng một số. Tôi kiên quyết khẳng định rằng phần tốt của phe tôi đã có một cảm giác về những thay đổi sâu rộng. Không phải tất cả mọi người đã nhận thức được rằng sự thay đổi cơ bản lớn thực sự sẽ xảy ra, nhưng đã có nhiều người đã có một sự hiểu biết, không ở mức độ như linh cảm, rằng nó sẽ xảy ra. Đó là vì sao… chúng tôi đã nhấn bàn đạp ly hợp đó…

Chúng tôi đã thúc đẩy các cuộc bầu cử để cuối cùng biết được sự thật thực sự. Chúng tôi đã đều sợ rằng chúng ta sẽ phá hủy đất nước bởi nhịp độ nhanh chóng của việc chuyển đổi. Đó là nguồn gốc của tất cả sự kháng cự này, của tất cả các định chế đó, nhấn phanh (thắng) và kiểm soát, bao gồm cả các cuộc bầu cử hợp đồng. Toàn bộ cấu trúc này là về điều này, và không phải là về bàn tay của chúng tôi …, như thường được trưng ra, dán hồ vào máng và biến thành đá.

Đại sứ John R. Davis

Đại sứ Hoa Kỳ ở Ba Lan, John R. Davis (sinh năm 1927) đã phục vụ như một người trung gian trong thời gian các cuộc Đàm phán Bàn Tròn. Vợ ông, Helen Davis, đã đóng vai như người triệu tập các cuộc gặp gỡ phi chính thức giữa những người tham gia Bàn Tròn tại Tư dinh của Đại sứ ở Warsaw trong cuối các năm 1980. Là quan chức ngoại giao từ 1955, Đại sứ Davis đã có học vị từ UCLA và Đại học Harvard. Sự nghiệp ngoại giao của ông gồm các tua công cán ở Washington, Jakarta, và Rome và là Tổng Lãnh sự ở Milan và Sydney. Ông đã được giao bốn công việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Warsaw: Tùy viên Kinh tế (1960-63); Phó Đại sứ (1973-76); Đại biện (1983-88); và Đại sứ (1988-90). Từ 1981 đến 1983, ông là Vụ trưởng Vụ các Vấn đề Đông Âu và Nam Tư ở Bộ Ngoại Giao. Từ 1992 đến 1994, ông là Đại sứ Hoa Kỳ ở Rumania.

Đối với chúng tôi tại Đại sứ quán ở Warsaw, trong giai đoạn từ năm 1983 đến năm 1990, khi tôi là người đứng đầu phái đoàn, Ba Lan đã là một xứ thần tiên tuyệt đối của thử nghiệm chính trị và kinh tế, và đó là nơi đã đạt được, vào cuối Bàn Tròn, cái mà các thế hệ học giả và các chuyên gia Mỹ đã tuyên bố là không thể, và đó là việc chuyển giao quyền lực hòa bình tại một quốc gia cộng sản vào tay của một xã hội dân chủ…

…Theo quan điểm của tôi Đoàn kết đã có tất cả các lý lẽ tốt và đã có sự ủng hộ to lớn của dân chúng, từ Giáo hội, từ xã hội. Nó không thể bị thua, một khi nó đã ngồi vào bàn, và đó chính xác đã là cách nó đã được tiến hành. Giáo sư Reykowski sẽ thừa nhận, ông và giáo sư Geremek đã xuất hiện trên truyền hình mỗi đêm, sau các phiên họp của Bàn Tròn, và đã giống như Thomas Jefferson đang giải thích dân chủ trên truyền hình cho người dân Mỹ vào năm 1790. Họ đã tạo ra một xã hội mới, giải thích nó cho người dân, và vào lúc xong tất cả họ đứng dậy khỏi bàn, đã là rõ ràng rằng một thời điểm vĩ đại trong lịch sử Ba Lan đã đạt được, một thời điểm có ý nghĩa lịch sử trọng đại…

… Đối với Hoa Kỳ, và tôi nghĩ rằng đối với toàn thế giới, những gì xảy ra tại Bàn Tròn và tất cả những người đã tham gia trong đó đã tạo ra một tình huống mang lợi cho tất cả nhân loại. Hàng triệu người có thể còn sống đến ngày nay những người đã có thể chết hoặc đau khổ nếu giả như con đường khác đã được chọn để kết thúc chủ nghĩa cộng sản. Những gì đã đạt được ở đó, mặc dù có những người bây giờ sẽ chỉ trích nó khi nhìn lại, vào lúc đó đã là không thể tưởng tượng nổi. Thực ra, sau khi Bàn Tròn đã thành công, tôi đã trở lại đây để nói chuyện với các nhà phân tích ở Washington, và một nửa trong số họ đã không tin rằng nó đã xảy ra.….

Yếu tố chính mà tôi cố gắng sử dụng để gây ảnh hưởng đến phe đối lập là để thuyết phục họ trong giai đoạn dẫn đến các cuộc đàm phán Bàn Tròn rằng đó là vì lợi ích của họ để nói chuyện với chính phủ, bởi vì tôi cảm thấy rằng họ có thể nhận được những nhượng bộ lớn, rằng họ sẽ nhận được đủ nhượng bộ chính trị, bởi vì nỗ lực cuối cùng của Thủ tướng Rakowski để tiến hành cải cách kinh tế vào năm 1988 đã thất bại vì các cuộc đình công, rằng chính phủ hiện nay ở một vị thế rất yếu, và rằng Đoàn kết ở một vị thế rất mạnh, và rằng họ nhất định thắng bất kỳ cuộc đàm phán nào, vì vậy … chúng tôi đã cố thuyết phục họ.….

…Tôi đã không có chỉ thị từ Washington về cái phải làm. Như thường vậy, tôi đã chỉ làm những gì tôi nghĩ là tốt nhất cho lợi ích của dân tộc Ba Lan.

Giám mục Alojzy Orszulik

Giám mục Giáo phận Łowicz từ 1982, Alojzy Orszulik (sinh năm 1928) đã đồng tổ chức và  tham gia vào các cuộc Đàm phán Bàn Tròn như một nhà quan sát cho Giáo hội Công giáo. Ông  nhận được bằng thạc sỹ về giáo luật từ Đại học Công giáo Lublin năm 1961 và là một giảng viên trong lĩnh vực này cho đến 1989. Giám mục Orszulik giữ nhiều chức vụ trong Hội đồng Giám mục Ba Lan kể cả Giám đốc Cục Thông tin (1968-93) và Phó Tổng thư ký (1989-94). Ông phục vụ như thành viên và Thư ký của Ủy ban Hỗn hợp của Chính phủ và Hội đồng Giám mục Ba Lan từ 1980 và  là nhà tư vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội từ 1974.

…Ngay từ đầu, thưa quý bà quý ông, Ban thư ký của Hội đồng Giám mục, như một số bạn có thể biết, dù văn phòng của nó vẫn ở trong tòa nhà nhỏ ngay cạnh nhà thờ, hoặc dù đã chuyển rồi về địa điểm mới tại Quảng trường Đức Hồng y Wyszyński, Ban thư ký Hội đồng Giám mục luôn tạo thành một loại ốc đảo an toàn nào đó, một loại bảo đảm an toàn nào đó… Ngay từ những buổi đầu của quân luật, chúng tôi đã yêu cầu tiếp cận Ông Lech (Wałęsa) và những nơi giam giữ khác. Rất nhiều linh mục đi đến những nơi đó, và tôi không nghĩ rằng họ đã từng phạm tội, và tôi cũng không, khi họ đã tuồn ra ngoài một số thông điệp được viết. Và những tình huống đôi khi thật khôi hài, bởi vì các tù nhân bỏ những thông điệp được mã hóa đó vào túi áo của các linh mục, và quần áo của các linh mục được may theo cách mà người ta có thể thò vào cả túi và cũng vào cả quần. Vì vậy, đôi khi các ghi chú đã được bỏ không thực sự vào túi mà vào chỗ mở khác, và thông báo rơi xuống ống quần. Các linh mục đã dũng cảm, tuy nhiên, và đã đưa các thông báo đó ra ngoài và đã chuyển chúng cho các gia đình. Rồi, các gia đình, đến lượt, yêu cầu giúp đỡ về nhiều thứ khác nhau, đã đòi can thiệp. Và chúng tôi đã có nhiều can thiệp thuộc loại đó…

Ban Thư ký của Hội đồng Giám mục, nơi tôi từng làm việc, hỗ trợ các nhà lãnh đạo Đoàn kết, bởi vì một mình Giáo hội đã hành động cho cùng các giá trị trong nhiều thập kỷ trước. Và ở đây tôi chỉ muốn nhắc đến rằng ngay từ ngày đầu của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, trước hết Đức Hồng Y Hlond và sau đó Đức Hồng y Wyszyński đã phản đối việc Soviet hóa Ba Lan, việc xây dựng một hệ thống toàn trị. Thực tế, tại thời điểm đó, ngài đã phải trả giá cho nó bằng ba năm tù; tại thời điểm đó, Giáo hội de facto (về thực tế) đã là đối lập chính trị, mặc dù đã chưa bao giờ là ý định của Giáo hội, mà đã được bày tỏ nhiều lần trong các tuyên bố công khai. Nhưng chính phủ Cộng hòa Nhân dân Ba Lan đã đẩy Giáo hội vào vai của đối lập chính trị…

Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Ba Lan luôn luôn đã mong Giáo hội trở thành một đối tác, mà họ có thể dễ dàng đối xử như công cụ, một loại đối tác mà sẽ có khả năng để làm dịu phe đối lập đi và để làm bớt những căng thẳng trong xã hội. Phải, chúng tôi đã không chỉ nói chuyện với họ; trong khi đã có nguyên tắc được thừa nhận rồi bởi Đức Hồng y Wyszyński rằng chúng tôi sẽ luôn luôn nói chuyện bất cứ khi nào chính quyền muốn nói chuyện, nhưng chúng tôi cũng đã tiến hành hội đàm với các lãnh đạo của phe đối lập. Chúng tôi sẽ luôn luôn khuyến khích cuộc thương lượng với xã hội, thông qua các đại biểu được bầu.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN


* Theo chỉ số lạm phát, lạm phát tăng thì lương tăng theo. Một chính sách rất ấu trĩ.

 

Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 5)

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.