Những nghịch lý của ngành điện Việt Nam

Đợt tăng giá điện ngày 01/08/2013 vừa qua đổ gánh quá nặng lên đầu dân và doanh nghiệp. Dân ta, đông nhất là nông dân, tiếp theo là người làm công ăn lương, vô cùng cực khổ. Với nông dân, giá đầu vào liên tục tăng như giống, phân bón, xăng dầu, điện… nhưng đầu ra không những không tăng mà có lúc có nơi giảm và nghịch cảnh được mùa rớt giá liên tục xảy ra khiến nhiều nông dân lâm cảnh bần cùng. Người làm công ăn lương tại các doanh nghiệp mấy năm qua kinh tế suy thoái, công ăn việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định; từ tháng 4/2012 đến 7/2013 điều chỉnh tăng lương 9,5%, nhưng sau 15 tháng giá cả sinh hoạt đã tăng rất nhiều (giá điện tăng 3 lần: 01/07/2012, 22/12/2012, 01/08/2013).

Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2013, Người Phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Có một loạt giá đang tiến dần đến cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Nhà nước là nhất quán giá thành tiến tới theo cơ chế thị trường”.

Bộ trưởng cho biết: Đầu vào giá điện có than, nhưng giá than bán cho điện hiện nay thấp hơn giá than bán cho xã hội và các ngành khác. Từ đó, có tình trạng buôn lậu than bán cho nước ngoài. Nếu giá điện của Việt Nam thấp, tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện. Như vậy dẫn đến nước ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi sẽ không thu hút được đầu tư.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói nền kinh tế thị trường đương nhiên giá cả phải theo thị trường, nhưng có rất nhiều hàng hóa của ta hiện nay đắt hơn thế giới và khu vực, liệu đó có phải kinh tế thị trường? Hơn nữa, có một số hàng hóa quan trọng như đất đai thu hồi của dân sao cơ quan công quyền áp đặt giá rẻ mạt? Giá hàng hóa đặc biệt “sức lao động” cũng không thấy quan chức có trách nhiệm đề cập phải theo thị trường mà đang bị khống chế bởi lương tối thiểu? Ở các nước có nền kinh tế thị trường người ta có luật chống bán phá giá, còn ở ta ngược lạ giá cả liên tục tăng.

Ông Đam nói bán than cho điện giá thấp nên có tình trạng buôn lậu than. Lý giải này của ông Vũ Đức Đam thiếu thuyết phục. Người dân đóng thuế để nuôi cả bộ máy chống buôn lậu từ trung ương đến địa phương làm gì?

Ông Đam nói giá điện thấp không khuyến khích đầu tư công nghệ tiết kiệm điện, đây là giải thích mang tính bao biện. Trong kinh tế thị trường, nếu không có công nghệ tiên tiến, sản phẩm làm ra chất lượng kém, giá thành cao, liệu những doanh nghiệp đó có tồn tại? Mặt khác ta có rất nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho phát triển khoa học và công nghệ.

Cuối cùng ông Đam cho rằng giá điện thấp không thu hút vốn đầu tư cho ngành điện. Đánh giá này của ông Vũ Đức Đam hoàn toàn trái ngược với thực tế vì một số nhà máy sản suất điện cho hay ngành điện không mua hết lượng điện của họ hoặc mua với giá rất thấp. Nhà máy điện Phả Lại cho biết công suất thiết kế của nhà máy 3,9 tỷ KW/năm, nhưng năm 2012 ngành điện chỉ mua 3,2 tỷ khiến họ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Báo Đất Việt ngày 05/06/2013 đưa tin với tiêu đề

“Nghịch lý khi EVN vẫn mua điện tối đa từ Trung Quốc”

“Năm 2012 được đánh giá là năm “thừa điện” nhưng nhập khẩu điện từ Trung Quốc vượt mốc 2,5-2,8 tỷ KWh. EVN còn dự kiến mua khoảng 3,6 tỷ KWh điện từ Trung Quốc trong năm 2013.

Trong khi các nhà máy thủy điện đua nhau mọc lên, sản lượng điện tăng khá mạnh thì điện Trung Quốc vẫn “làm mưa làm gió” ngay tại sân nhà Việt Nam. Đáng lưu ý hơn, EVN mua điện nội địa với mức giá thấp còn điện Trung Quốc bán cho Việt Nam với mức giá cao, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2011, giá điện nhập khẩu từ Trung Quốc là 5,8 cent/KWh, tăng lên 6,08 cent/KWh (khoảng 1.300 đồng/KWh) trong năm “thừa điện” 2012.

Trái lại, giá điện nội địa từ các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chỉ ở mức khoảng 800 – 900 đồng/KWh, có khi xuống mức 500 – 600 đồng/KWh. Giá nhiệt điện than có phần nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ khoảng 1.280 – 1.300 đồng/KWh.

Chính cơ chế mua bằng hình thức bao tiêu, ký hợp đồng từ đầu năm với Trung Quốc, trong khi lượng cung điện trong nước chưa có dự báo tốt khiến lượng điện nội địa thất thường đã khiến điện Việt Nam “thừa vẫn mua” và chua xót hơn là phải mua điện với giá cao hơn điện tự sản xuất”.

Như vậy đã rõ hai lý do chính đưa ra để tăng giá điện lần này hoàn toàn áp đặt, không thuyết phục. Một là tăng giá để bù chi phí kinh doanh tăng? Ta thấy rằng giá điện lần này tăng lên 1.508,85 đ/KW; với giá này ngành điện thu siêu lợi nhuận vì lúc này các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất với giá thành rất rẻ và giá mua rất thấp ( 500 – 600 đồng/KWh), EVN mua với giá này mà các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chịu đựng được thì với những nhà máy thủy điện cực lớn của EVN như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Đồng Nai… giá thành còn rẻ hơn, như vậy không thể có chuyện phải bù chi phí kinh doanh tăng. Lý do thứ hai để thu hút vốn đầu tư thì cũng không có cơ sở, bởi ngành điện chưa mua hết số điện do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Nghịch lý tiếp theo của ngành điện Việt Nam: Trong khi tất cả các hàng hóa mua càng nhiều giá càng giảm, thì điện sinh hoạt của dân sinh mua càng nhiều giá càng cao, một hộ dùng điện thành phố dùng khoảng 500kw/tháng giá phải mua điện trên 2000đ/1kw. Điều đáng chú ý là những hộ sử dụng điện khoảng 500kw/tháng trở lên chủ yếu sử dụng điều hòa nhiệt độ vào giờ thấp điểm từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.

Nghịch lý tiếp theo nữa: Tất cả hàng hóa có tăng có giảm giá, nhưng riêng ngành điện lâu lắm rối chỉ có tăng không giảm.

Làm sao xoá bỏ những nghịch lý trên của ngành điện Việt Nam? Chỉ có một con đường: xóa bỏ độc quyền của EVN.

Hà Nội Ngày 04/08/2013

T.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.