Tận thấy Nhà máy Bô-xit Alumin Nhân Cơ

(Tamnhin.net) – Là một cựu chiến binh, tôi tham gia đoàn CCB E271 xuyên Việt thăm lại chiến trường xưa, nhưng do công việc nên chỉ thăm KonTum, Đắc Lắc và đến Đắc Nông rồi quay về Hà Nội.

Khu Bô-xit Nhân Cơ

Khu Bô-xit Nhân Cơ

Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Đắc Nông và lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh tiếp đoàn vô cùng nồng nhiệt. Trong buổi tiếp, Phó Chủ tịch tỉnh nói, Đắc Nông xác định đường lối phát triển chính là công nghiệp Alumin. Ông cũng nói Đắc Nông quá nghèo, nên chỉ hy vọng vào ngành công nghiệp đó.

Đoàn CCB viếng nghĩa trang Liệt sĩ...

Đoàn CCB viếng nghĩa trang Liệt sĩ...

Theo đề nghị, tỉnh đưa đoàn chúng tôi đến Nhân Cơ. Các CCB 271 đứng ngẩn trên sân bay Nhân Cơ bỏ hoang, nơi mà ngày xưa họ đã bò tới đây và nổ súng giải phóng vùng đất này. Nhiều đồng đội của họ còn nằm lại quanh đây chưa tìm được hài cốt. Khu khai thác Alumin cách sân bay không xa. Một vùng đất đang được san hạ đỏ au rộng mênh mông, lô nhô những dãy nhà lợp tôn và những chiếc cần cẩu vươn lên trời. Con đường dẫn vào trụ sở của Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV xe lượn dốc êm ro. Cổng của công ty có bốt gác, nhưng khi xe chúng tôi đến thì được đi thẳng vào, chắc đã có lệnh trước.

Giữa sân có ba cột cờ vươn cao, ba lá cờ bay phần phật, đó là cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ của Tập đoàn TKV.

Giữa sân có ba cột cờ vươn cao, ba lá cờ bay phần phật, đó là cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ của Tập đoàn TKV.

Tôi ngạc nhiên khi thấy người ra đón chúng tôi là một Đại tá quân đội. Đó là Đại tá Bùi Quang Tiến, Tổng giám đốc Công ty. Tôi cứ tưởng đây là một công ty của quân đội, nhưng không, anh Tiến cho biết chỉ có mình anh là bộ đội được điều về làm TGĐ ở đây.

TGĐ - Đại tá Bùi Quang Tiến

TGĐ - Đại tá Bùi Quang Tiến

Đại tá Tiến nét mặt hiền lành, gia đình ở Hà Nội, và anh cũng thường có công việc về Hà Nội để kết hợp thăm vợ con. Anh rất vui khi tiếp đoàn CCB, những người đồng đội của anh.

Sau khi thắp hương viếng Bác, đoàn CCB được mời vào phòng họp, và Đại tá Tiến giới thiệu với chúng tôi về quy trình xây dựng nhà máy Alumin Nhân Cơ và khai thác bô-xít. Theo anh thì dự án này  “Hoàn toàn bảo đảm về khoa học, an toàn và môi trường”. Về kinh tế thì dù tính với mức thuế cao nhất vẫn thu được lãi… Khi được hỏi về chất lượng nhà máy mua của nước ngoài, anh Tiến cho biết: Chúng tôi đã mời 14 chuyên gia nước ngoài để kiểm định và lắp đặt. Lương mỗi chuyên gia phải trả đến 27 nghìn USD/tháng. Lương trả cho chuyên gia bằng lương của cả nhà máy!!!

Chúng tôi nói với anh, việc mà cả nước quan tâm nhất là hồ chứa bùn đỏ (được gọi là bom bùn treo trên Tây Nguyên) và người nước ngoài đổ vào đây quá lớn có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Anh Tiến cho biết người Trung Quốc không nhiều, các kỹ sư thì ở khu riêng khang trang hơn khu nhân viên và công nhân. Rồi anh đưa chúng tôi đi thăm nơi các nhân viên TQ làm việc. Những dãy nhà tôn dài san sát kề nhau, họ làm gì trong đó chúng tôi không được biết. Đại tá Tiến cùng chúng tôi đứng ngoài nhìn vào cửa các căn phòng lố nhố bóng người TQ cả nam lẫn nữ.

Nhân viên Trung Quốc trong phòng làm việc

Nhân viên Trung Quốc trong phòng làm việc

Hoàng hôn xuống, xe chúng tôi chạy trên mặt đất mới san bụi đỏ mù mịt về phía được khoanh làm hồ chứa bùn đỏ. Anh Tiến chỉ xuống một thung lũng và cho biết thung lũng đó sẽ chính là hồ chứa. Một thung lũng sâu rộng cây cối xanh tốt. Thung lũng này sẽ được ngăn bằng một cái đập, và bùn đỏ sẽ được thải vào đấy.

Thung lũng này sẽ là hồ chứa bùn đỏ

Thung lũng này sẽ là hồ chứa bùn đỏ

Chúng tôi không hiểu khoa học để phân tích cái “hồ chứa” ấy. Nhưng nghe thấy mọi việc đơn giản thế thì bỗng thấy sờ sợ.

Tạm biệt Đại tá TGĐ Tiến, chúng tôi cũng tạm biệt khu bô-xit Nhân Cơ, tạm biệt vùng đất mà chỉ đào xuống khoảng 1 mét là đã gặp lớp quặng bô-xít dày, tài sản quý của quốc gia.

Trên đường về, các CCB vốn giàu tính hài hước thường đọc vè vui cười.  Một người băn khoăn, tại sao cái công ty của Tổng công ty than và khoáng sản Việt Nam lại mời một Đại tá quân đội làm TGĐ nhỉ? Là vì khai thác bô-xit hiện nay rất “nhạy cảm”, phải có yếu tố quốc phòng bên yếu tố nước ngoài chứ! Những quân nhân ở đây chắc cũng biết đang có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà trí thức và người dân phản đối dự án này? Vậy có phải là quân đội đang giúp dân khai thác bô-xít làm giàu cho dân không?

Đắc Nông sẽ giàu lên nhờ bô-xít? Nước Việt sẽ giàu lên nhờ bô-xít? Mọi sự dễ dàng vậy sao?

Cây lộc vừng của TT Nguyễn Tấn Dũng

Cây lộc vừng của TT Nguyễn Tấn Dũng

Cây trước nhà thờ Bác Hồ

Cây trước nhà thờ Bác Hồ

Sơ đồ nhà máy Alumin

Sơ đồ nhà máy Alumin

Đại tá Bùi Quang Tiến tiếp đoàn CCB 271

Đại tá Bùi Quang Tiến tiếp đoàn CCB 271

Các lớp cắt địa tầng bô-xit

Các lớp cắt địa tầng bô-xit

Một công nhân Trung Quốc

Một công nhân Trung Quốc

Trước lúc chia tay Đại tá Tiến

Trước lúc chia tay Đại tá Tiến

Hà Nội, 22/12/2010

N. T. T.

Nguồn: http://www.webwarper.net/ww/~av/tamnhin.net/tieu-diem/7894/Tan-thay-Nha-may-Boxit-Alumin-Nhan-Co.html

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.