Phần 1
(NCTG) Hồi còn đi học, tôi được dạy rằng giai đoạn từ đầu thế kỷ 18 đến hết nửa đầu thế kỷ 19 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn học Việt Nam thời phong kiến. Đó cũng là thời kỳ chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, xã hội rối ren, nhân dân khổ cực, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.
Tôi nhớ thầy giáo khi giảng bài đã viết lên bảng đen hai từ “xã hội” và “văn học”, rồi thầy đánh dấu mũi tên đi xuống vào bên cạnh từ “xã hội”, mũi tên đi lên bên cạnh từ “văn học”. Thầy bảo, như một quy luật, khi nào xã hội càng loạn, lòng người càng mất niềm tin, văn học với tư cách “tấm gương phản ánh hiện thực” càng phát triển. Thế nên thời ấy, chúng ta mới có những Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Gia Văn Phái…
Tôi nghĩ, báo chí – truyền thông có vai trò phản ánh hiện thực còn hơn cả văn học. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Việt Nam chưa có báo chí, chứ nếu không thì chúng ta hẳn đã được chứng kiến một nền truyền thông sôi động như năm 2010 vừa qua. Đấy là còn chưa tính đến hai yếu tố có tác động chi phối bộ mặt truyền thông hiện nay: Internet và chính sách quản lý truyền thông theo hướng kiểm duyệt của Nhà nước.
* Cơn thịnh nộ của dân mạng
Tháng 4, bài viết nhan đề “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của tác giả Đỗ Ngọc Bích đăng trên BBC Việt ngữ (tựa đề dường như do BBC Việt ngữ đặt) đã gây nên một làn sóng phẫn nộ rất lớn.
Bài viết nhận xét về các blogger chính trị Việt Nam, theo đó, những blogger này “không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)”, “họ không thích nghi theo kịp được môi trường ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1990, vẫn tiếp tục sống trong cái “anti-China nationalism” (chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc hay bài Trung) của những năm 1980…”.
Đọc một cách bình thản thì cũng có thể thấy thiện ý của tác giả là phê phán tinh thần dân tộc chủ nghĩa mù quáng dựa trên sự thiếu kiến thức, ít nhất là kiến thức lịch sử: “Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc “Đại Việt Sử Ký” (Lê Văn Hưu), “Đại Việt Sử Lược” (tác giả khuyết danh thời Trần), hay “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” (Ngô Sĩ Liên), hay “Việt Nam Sử Lược” (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa?”.
Tác giả cũng có ý tố cáo một nền khoa học lịch sử bị bóp méo, khiến các thế hệ sau rất khó có cơ hội tiếp cận với sự thật: “Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?”.
Tuy nhiên, những ý này lại được thể hiện với một giọng văn rất dễ gây cảm tưởng là tác giả đang khiêu khích những blogger đấu tranh cho chủ quyền, và chọc tay vào “tổ kiến lửa”: tinh thần dân tộc của cộng đồng mạng Việt Nam.
Không lập luận phân tích, không ví dụ, không dẫn chứng, và nhất là lời khẳng định (mà không chứng minh dù chỉ một câu) “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc” đã khiến đa số người đọc nổi khùng. Cũng có thể đó không phải đa số, nhưng những người ủng hộ tác giả thì không lên tiếng, mà người phẫn nộ với chị thì lại sẵn sàng gửi ngay phản hồi chửi rủa.
Vụ việc cũng kéo theo một vấn đề: Mỗi công dân có quyền thể hiện quan điểm cá nhân tới mức nào? Hay nói chung, việc dư luận phản ứng dữ dội với tác giả và bài viết có phải là xâm phạm tự do ngôn luận?
Với hai câu hỏi này, tôi xin bảo lưu ý kiến cá nhân: Mọi công dân đều có quyền thể hiện quan điểm cá nhân miễn là không xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Bài viết nói trên có xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người hoặc một cộng đồng người nào hay không thì cần giám định pháp lý.
Nhưng cứ giả sử là nó đúng mực đi, thì trên nguyên tắc tôn trọng tự do ngôn luận, tác giả Đỗ Ngọc Bích có quyền nói lên quan điểm của chị, và những người phản đối tác giả cũng đương nhiên có quyền phát biểu ý kiến của họ. Nói cách khác là viết không thuyết phục thì phải nghe chê, vậy thôi. “Chê” chứ không phải “chửi”, nhưng nếu độc giả cứ muốn chửi, thì người viết cũng đành phải chấp nhận để quyền tự do ngôn luận bị vi phạm, bị chửi quá không chịu được thì xin mời đi… kiện.
Trên góc độ người viết, “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” cũng là một bài học kinh nghiệm cho giới cầm bút/ gõ bàn phím: Đừng bao giờ chọc vào những tình cảm thiêng liêng như lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước. Nếu muốn phát biểu những quan điểm có thể động chạm vào những tình cảm này, nên chọn cách viết khoa học, có lập luận, lý lẽ, cơ sở khoa học; đăng tải như công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học. Báo chí phổ thông, đặc biệt Internet, không phải nơi phù hợp.
* “Toán về quê em” (*)
Tháng 8, truyền thông Việt Nam hào hứng với một sự kiện lớn: GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng toán học Fields. Tinh thần chung là cả nước sôi sục tự hào, “thằng nào không tự hào, đánh bỏ mẹ”.
“Tuổi Trẻ” – gương mặt tiêu biểu cho làng báo viết – và VTV – đại diện tự phong và được phong của báo hình ở Việt Nam, đơn vị mà cho đến gần đây vẫn còn hay nói câu “thay mặt cho những người làm truyền hình trên cả nước” – đều đã theo đuổi những chiến dịch lớn tuyên truyền, phổ biến cho mọi người dân biết tin mừng này cũng như hiểu được tầm vóc của sự kiện.
“Tuổi Trẻ” có cả loạt bài về thời thơ ấu của GS Ngô Bảo Châu, con đường học vấn, gia đình, hồi tưởng của các thầy cô về GS. VTV tổ chức truyền hình trực tiếp lễ trao giải Fields (nhưng không truyền được vì không có hình – không được vào tận nơi để quay). Thời sự. Họp mặt. Lễ vinh danh có diễn văn của Thủ tướng và Bộ trưởng Giáo dục, v.v. và v.v. Đa số các chương trình được bắn chữ “trực tiếp” lên màn hình tivi.
Đời tư của GS Ngô Bảo Châu cũng được báo chí nhắc tới nhiều, kiểu như thầy giáo lớp 1 nghĩ về GS như thế nào, bạn bè cấp I đánh giá GS ra sao… Có cả chuyện bà láng giềng nói về GS, “vui và vinh dự được làm hàng xóm của một người nổi tiếng”.
Chẳng ai lại không cảm thấy ít nhất là mừng cho Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng danh giá. Nhiều hơn chút nữa thì là mừng cho Việt Nam đã có một người được lưu danh vào bản đồ toán học thế giới. Nhưng sự rầm rộ của báo chí – khai thác triệt để và phản ánh vượt quá tầm mức của sự kiện – xảy ra tại thời điểm chủ nghĩa thành tích ở Việt Nam đang phát triển tới mức… bềnh bệnh, thật sự là khá có hại.
Thứ nhất là nó làm nặng thêm “hội chứng vơ vào” cố hữu của người Việt Nam – vốn hay tìm đủ cách để được thơm lây chẳng hạn với một nghệ sĩ có… bà ngoại là người Việt, hay một nhà khoa học mà cụ tổ 5 đời từng ở Việt Nam. Thứ hai, nó có thể làm người ta lại sôi lên vì toán mà dễ bỏ quên hoặc coi nhẹ các môn học khác, trong khi thực tế nước ta đào tạo bất kỳ môn gì cũng có vấn đề, cũng cần được đầu tư để tổ chức lại một cách bài bản.
Một điều hiển nhiên là không phải cứ học chăm học nhiều, hô khẩu hiệu duy ý chí thì có thể giỏi toán như Ngô Bảo Châu, mà cũng không phải chỉ cần năng khiếu trời phú là đủ. Việc đưa tin của báo chí có thể dẫn người đọc tới việc cắt nghĩa thành công của Ngô Bảo Châu theo một trong hai cách trên, mà cả hai đều không đủ. Gần như không báo nào nói tới những gian khó, thậm chí mất mát, những cái giá mà Ngô Bảo Châu nói riêng và các nhà khoa học nói chung phải trả khi theo đuổi con đường của họ.
Còn nhân vật chính là GS Ngô Bảo Châu, thì tôi có cảm giác rằng là một nhà khoa học, anh cũng chẳng muốn được nổi tiếng theo kiểu “hot boy”, anh sẽ ngượng nếu phải đọc những tin bài kiểu như “lộ diện bạn gái của Ngô Bảo Châu”, “Ngô Bảo Châu nói gì về hoa hậu Việt Nam 2010”, v.v. Cứ xem cách anh viết trên blog mà thấy tâm trạng: “Trong những chuyện buồn nho nhỏ thì chuyện buồn to nhất liên quan đến hai ông bạn thân… Có bao kỷ niệm riêng thì các bạn đã phơi lên báo nên chúng khô mất hết cả rồi…”.
Điều khó hiểu là không biết cái gì nằm sau cơn lốc báo chí (mà tôi liều gọi một cách hỗn xược là “đại dịch Ngô Bảo Châu”). Không phải mọi nhà báo đều say sưa vào cuộc mà không cảm thấy mình đang đi quá chừng mực sự kiện. Cũng không hề có một chỉ đạo từ trên nào bảo rằng báo chí cần “đưa đậm” về sự kiện Ngô Bảo Châu, theo như tôi được biết. Có thể là báo chí đã làm rầm rộ vì độc giả, khán giả muốn thế. Từ đó suy ra lỗi là do “quần chúng”.
“Đại dịch” cung cấp một ví dụ (case study) rất tốt cho người nào sau này muốn nghiên cứu về truyền thông Việt Nam thời hội nhập.
(*) Tựa một entry của blogger Một Thế Giới Khác viết nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields.
Phần 2
(NCTG) “Giả sử Hương Trà phạm tội này, muốn tiến hành bắt giữ bà Trà, trước hết cần có đơn kiện từ “người bị hại”, “tổ chức bị hại” có tên tuổi địa chỉ cụ thể. Ở đây, không có khái niệm chung chung “lợi ích của Nhà nước”, “quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (tổ chức, công dân nào?)”.
* Blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt giam: bàn về tội phỉ báng
Tháng 10, blogger nổi tiếng Cô Gái Đồ Long (tức nhà báo Hương Trà) bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
“VnExpress” ngày 26-10 đưa tin: “Theo nguồn tin từ cơ quan công an, việc bắt giữ này có liên quan đến một số nội dung bà Trà viết trên trang blog Cô Gái Đồ Long. Trong đó có những thông tin được cho là sai sự thật về gia đình của một cán bộ lãnh đạo cấp bộ, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người liên quan. Cơ quan công an nói rằng bà Trà đã khai nhận hành vi vu khống của mình”.
Theo những gì được phản ánh, có thể hiểu rằng nhà báo Hương Trà bị bắt vì một tội mà tên tiếng Anh là “defamation” hay “libel”, có nghĩa là bôi nhọ, vu khống, phỉ báng, diễn giải ra là tội truyền bá thông tin sai sự thật làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân hoặc tổ chức.
Ở đây tôi xin trích lại một đoạn trong một bài báo tôi đã viết vào tháng 3-2010, theo đó, ở Việt Nam những năm gần đây, đang diễn ra xu hướng cá nhân và tổ chức liên quan đến thông tin báo chí đưa lại lạm dụng việc kiện bôi nhọ danh dự, xâm phạm đời tư để “trừng trị” báo chí. Cụ thể như sau:
“… Những quy định về chống xâm phạm cuối cùng lại biến thành chỗ “náu thân” cho một số người tránh được sự giám sát của công luận, nhất là những người được cho là “người của công chúng”, tức là những chính khách, quan chức Nhà nước hay văn nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng.
Trong khi đó, nếu cầm một tờ báo hàng ngày của phương Tây, nhất là loại báo “lá cải” chỉ nhằm đưa tin về các “sao”, có thể thấy chi chít tin về đời tư, ảnh “sao xấu”, chuyện “tình non” của Demi Moore hay biểu hiện ngoại tình của Brad Pitt. Tin đời tư các quan chức hoặc nhân vật chính trị cũng bị phơi lên mặt báo. Gần đây nhất, báo chí Đông Âu kể chuyện vợ chồng Ceaucescu lúc bị thi hành án đã “nhục nhã” như thế nào, đưa tin đao phủ xử tử hai vợ chồng Ceaucescu vừa trúng xổ số độc đắc ở Romania, nêu đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của ông này.
Không chỉ xâm phạm đời tư, nhiều thông tin rõ ràng có nguy cơ xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Nhưng chúng vẫn được đăng tải. Giải thích điều này, một nhà báo kỳ cựu của BBC, ông Stephen Whittle, cho biết: “Bởi vì một trong các vai trò của báo chí là công khai những việc làm sai trái trong xã hội. Nhiệm vụ quan trọng của các tờ báo là cởi bỏ mặt nạ của những kẻ làm sai, lừa đảo và xì-căng-đan. Đó là lợi ích công để làm như vậy”.
Ông Stephen Whittle giải thích đơn giản: “Báo chí phục vụ lợi ích công khi nó đưa tin nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của cộng đồng; khi nó phát hiện và vạch trần tham nhũng; khi nó chỉ ra sự yếu kém năng lực, đạo đức giả, dối trá của những quan chức trong chính quyền dân cử; khi nó giúp công chúng hiểu biết về xã hội và thế giới mà họ đang sống để họ có thể đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng đắn, như bỏ phiếu cho ai chẳng hạn”.
Như vậy, vì lợi ích công, báo chí có thể cung cấp thông tin về một cá nhân bị nghi tham nhũng, trốn thuế, hoạt động gây ô nhiễm môi trường của một doanh nghiệp, hay kết quả thanh tra chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, mà không sợ mắc tội “xâm phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức”. (Hết trích dẫn)
Trong trường hợp này, tôi thấy tiếc là chị Hương Trà đã chỉ viết bài trên blog với tư cách một blogger, thay vì trên báo chính thống với tư cách nhà báo. Giả sử chị Trà viết bài này trên báo, với tư cách nhà báo, thì chúng ta sẽ có ngay một case study điển hình về báo chí và cán cân “quyền riêng tư – lợi ích công”.
Ở một khía cạnh khác, nếu những gì blogger Cô Gái Đồ Long đăng tải là sai sự thật, như thế cũng chưa đủ chứng tỏ blogger này đã phạm tội bôi nhọ, vu khống, bởi trước hết cần định nghĩa các khái niệm “nhân phẩm”, “danh dự”, “uy tín”. Tôi xin trích tiếp một đoạn khác cũng trong bài viết hồi tháng 3 vừa qua:
“Bản thân những khái niệm nhân phẩm, uy tín, danh dự… cũng cần được định nghĩa và có phép thử rõ ràng. Luật báo chí của Anh quy định: “Các từ ngữ không xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nếu chỉ có ảnh hưởng xấu tới danh dự, uy tín của một người dưới con mắt của một thành phần cộng đồng, trừ khi những từ ngữ này cũng làm ô danh người đó dưới con mắt của những người bình thường có tư duy đúng đắn”.
Ví dụ báo chí đưa tin một quan chức hay mặc áo vest màu hồng thì không được coi là làm tổn hại uy tín, vì những người bình thường có tư duy đúng đắn sẽ không đánh giá ông thấp đi chỉ vì ông mặc áo vest hồng”. (hết trích)
Và điều quan trọng nhất, tội “libel” trong hệ thống luật pháp của đại đa số nước trên thế giới không phải là tội hình sự mà là tội dân sự. Tương tự, nguyên đơn trong các vụ kiện xâm phạm lợi ích không phải là Nhà nước mà chỉ có thể là cá nhân, tổ chức, có địa chỉ cụ thể.
Như vậy có nghĩa là, giả sử Hương Trà phạm tội này, muốn tiến hành bắt giữ bà Trà, trước hết cần có đơn kiện từ “người bị hại”, “tổ chức bị hại” có tên tuổi địa chỉ cụ thể. Ở đây, không có khái niệm chung chung “lợi ích của Nhà nước”, “quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (tổ chức, công dân nào?).
Tất nhiên, có thể “người bị hại” trong trường hợp này đã có đơn kiện blogger Cô Gái Đồ Long rồi mà tôi và chúng ta không biết, vì có được cho biết đâu.
Phần 3
(NCTG) “Nhưng ở ta khác. Thế độc quyền của VTV khiến cho họ và cả anh Sâm đều có thể tỉnh bơ lờ sự cố đi mà không một lời xin lỗi. Khinh khán giả đến thế là cùng!”.
Liên hoan phim (LHP) Quốc tế tại Việt Nam lần đầu tiên đã “kết thúc thành công” như bất kỳ sự kiện mang tính quốc tế nào khác do Việt Nam tổ chức. Nhưng một sự cố của nó vẫn còn gây chú ý trong dư luận, đặc biệt là cộng đồng mạng.
* “Và anh nói rằng anh đã chứng kiến…”
Đó là việc nhà báo, MC Lại Văn Sâm “chuyển ngữ” phát biểu tiếng Anh của diễn viên Ngô Ngạn Tổ sang một nội dung tiếng Việt khác biệt.
– Ngô Ngạn Tổ: “Tôi nghĩ mục tiêu của bất kỳ LHP nào cũng không chỉ là đưa điện ảnh thế giới đến với công chúng địa phương mà còn là đưa nền điện ảnh của một quốc gia đến với khán giả thế giới. Và tôi nghĩ điều này chắc chắn đã được thực hiện ở đây (LHP Quốc tế tại Việt Nam)”.
– Nhà báo, MC Lại Văn Sâm: “Và anh nói rằng ở Hà Nội trong những ngày qua thì anh cũng đã được chứng kiến những dòng người đổ đến các rạp để xem các phim trình chiếu trong LHP quốc tế như thế nào. Xin cảm ơn. Xanh kiu ve ri mật”.
– Ngô Ngạn Tổ: “Thank you”.
(Có vẻ như Ngô Ngạn Tổ còn muốn nói nữa.)
– Nhà báo, MC Lại Văn Sâm: “Dé? À, à, đu du oăn to xây xăm xinh mo? Ô kê, ô kê, pờ lít…”.
Mặc dù biết ngoại ngữ là lợi thế, nhưng MC không bị đòi hỏi phải nghe-nói-đọc-hiểu được tất cả các thứ tiếng trên thế giới. Trong trường hợp MC họ không nói thạo thứ tiếng của một nhân vật nào đó, sự thật thà luôn dễ được tha thứ. Thậm chí nếu MC khéo léo còn có thể biến tình huống thành một dịp để tự trào một cách đáng yêu. Tiếc thay, MC Lại Văn Sâm đã xử lý câu chuyện bằng cách tự bịa lời.
Cũng có thể nhà báo Lại Văn Sâm ứng khẩu vì muốn “cứu” chương trình, nếu vậy thì anh chỉ đáng trách vì đã xử lý tình huống không tốt. Cái đáng trách hơn ở đây là những ý kiến bênh vực, coi đó là sự thể hiện của một MC lão luyện với những lý do bào chữa kiểu “khán giả có hiểu gì đâu mà sợ”, “dịch thế nào chả được”.
Một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc đối với MC khi tác nghiệp là phải tôn trọng khán giả. Nếu quan niệm “khán giả có hiểu gì đâu mà sợ”, nghĩa là chúng ta mặc nhiên cho rằng họ là một đám đông thấp kém, và lừa dối khán giả là điều bình thường.
Một điển hình bao biện là phát biểu của ông Lê Ngọc Minh – Cục phó Cục Điện ảnh, đại diện Ban tổ chức: “Ứng xử của anh Sâm hôm đó về cơ bản là cũng được, đặc biệt là với khán giả xem truyền hình, những người am hiểu tiếng Anh sâu”.
Chẳng biết ông căn cứ vào chuẩn nào để đánh giá ứng xử của Lại Văn Sâm là “cũng được”, trong khi mở bất kỳ cuốn “cẩm nang” cho nghề làm MC nào cũng có thể thấy ngay một loạt nguyên tắc: hãy trung thực, cẩn thận, tôn trọng nhân vật, tôn trọng khán giả…
Một cái đáng trách nữa là luồng ý kiến ngụy biện kiểu “có giỏi thì đọ tiếng Nga với anh Sâm đi”. Thật không khác gì việc A vào nhà hàng, chê: “Hôm nay phở nhà mình nước nhạt quá”, và B – fan của chủ nhà hàng – to giọng: “Có giỏi thì đọ món salad mùa xuân với người ta đi”.
Một kiểu ngụy biện nữa là “kể khổ”: “Mọi người không biết đấy thôi chứ làm MC vất vả lắm, cực lắm. Anh Lại Văn Sâm xử lý được như thế là giỏi lắm rồi, thông cảm cho anh ấy”. MC vất vả, cực nhọc hay không thì khán giả không biết, nhưng những lúc MC được báo chí tung hô ca ngợi, được khán giả hâm mộ điên cuồng, được bao nhiêu mối quan hệ “màu mỡ”, bao nhiêu lợi ích vật chất đi kèm… hình như không thấy MC nào xin được thông cảm.
Kiểu ngụy biện trọng nhân trọng nghĩa hơn cả có lẽ là: “Anh Sâm là người có công lớn đối với truyền hình ở Việt Nam. Lúc anh ấy có công thì không ai nhắc, anh ấy vừa vấp một cái thì cả làng làm ầm ĩ lên. Tệ thế là cùng”.
Những khán giả từng biết Lại Văn Sâm từ thời “SV 96”, và trước đó là “VKT”, “KCT” v.v. không ai quên những gì anh đã làm cho VTV nói riêng và ngành truyền hình ở Việt Nam nói chung. Lại Văn Sâm được xem như người đi đầu, người mở ra nghề dẫn chương trình, MC truyền hình ở Việt Nam.
Kể từ anh, người ta mới thấy các phát thanh viên, biên tập viên truyền hình không còn là cái máy đọc, mỗi lần lên hình là cắm mặt đọc giấy hoặc giương mắt nhìn cue (máy nhắc). Với tư cách một khán giả, tôi cũng không quên những ấn tượng rất tốt đẹp về Lại Văn Sâm thời anh còn làm “VKT”, “KCT” – những chương trình truyền hình đầu tiên ở Việt Nam mang lại cho người xem cảm giác “mình đang được thưởng thức chứ không phải nghe giáo huấn”.
Nhưng tất cả những điều ấy không bao biện nổi cho chuyện Lại Văn Sâm dịch… xuyên tạc. Cách xử lý tình huống của anh, với khán giả biết tiếng Anh thì là coi thường họ, với khán giả không biết tiếng Anh thì là lừa dối họ. Ở một nước khác, nơi có nhiều đài truyền hình, nhiều công ty truyền thông cạnh tranh nhau, sự cố tương tự có thể làm cho MC tiêu tan sự nghiệp – cái nghề nó bạc thế đấy!
Nhưng ở ta khác. Thế độc quyền của VTV khiến cho họ và cả anh Sâm đều có thể tỉnh bơ lờ sự cố đi mà không một lời xin lỗi. Khinh khán giả đến thế là cùng!
Phần 4
(NCTG) “Sự kiện Wikileaks, với tôi, là một biểu hiện cụ thể của “cuộc chiến vô hình” giữa chính quyền và nhân dân.”
Sự việc Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, bị bắt cũng vì một tội có liên quan tới chiếc bao cao su lập tức trở thành tin nóng trên mặt báo. Tin này đặc biệt có giá trị đối với một bộ phận dư luận, nhất là sau những tranh cãi về “tính đàng hoàng” trong vụ bắt TS Cù Huy Hà Vũ.
Wikileaks và chiếc bao cao su của “A Sáng”
Số dư luận này nhấn mạnh, trường hợp của Assange là một ví dụ cho “cái gọi là dân chủ kiểu Mỹ”. Hàm ý của họ là chính quyền Việt Nam, hay phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng, đều như nhau cả, về mức độ tôn trọng nhân quyền, tự do, dân chủ. “Thấy chưa, cảnh sát Tây cũng bắt người xuất phát từ cái bao cao su nhé”, “Ở đâu cũng thế thôi, chống chính quyền thì đi tù”.
Chúng ta thử nhìn lại vụ việc một cách khái quát. Ngay khi câu chuyện Wikileaks vừa được nhắc tới ở Việt Nam, trên mạng Internet đã có những trang thông tin mô tả, giải thích “Wikileaks là cái gì, như thế nào, v.v.” để bất kỳ ai quan tâm đều có thể tìm đọc được. Theo “The Gurdian” (Anh), sự cố Wikileaks là việc trang web Wikileaks tiết lộ 251.287 công điện ngoại giao được chuyển đi từ hơn 250 đại sứ quán và tòa lãnh sự Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong đó nhiều nhất là từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC với 8.017 bức điện được đánh đi, kế đó là Đại sứ quán Mỹ ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) với 7.918 bức điện, rồi từ Baghdad 6.677 bức, và từ Tokyo 5.697 bức. Thống kê của “The Gurdian” cho thấy các vấn đề được đề cập tới nhiều nhất là “chính quyền”, “Mỹ”, “quân đội”, “an ninh”, “Nga”, “tổng thống”…
Nhiều bức điện ghi lại những lời nói xấu của quan chức/ nhân viên ngoại giao Mỹ về các nhân vật khác hoặc kể lại những điều nhiều người có thể không muốn nghe/tin. Vì thế “The Guardian” đánh giá vụ Wikileaks là đã dựng nên một bức tranh toàn cảnh về hoạt động đối ngoại và ngôn ngữ ngoại giao của chính quyền Mỹ.
Tôi cũng đọc thử vài bức điện tín (đã giải mã) để “xem thế nào”, thì thấy ấn tượng chung chung ban đầu là nhiều chuyện được Wikileaks vạch trần – tức là những chuyện mà các nhà ngoại giao Mỹ trao đổi – thực tình cũng không gây sốc lắm. Chẳng hạn, một điện tín báo cáo rằng Giáo hoàng muốn EU tránh xa nước Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo.
Một bức điện khác mô tả cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng In (qua lời kể của Đới Bỉnh Quốc): “Đối với Trung Quốc, Kim Châng In vốn nổi tiếng là một tay ‘tửu lượng khá’, và họ Đới kể lại rằng ông ta đã hỏi Kim Châng In còn uống được rượu không. Kim bảo có”. Hoặc có nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh báo cáo về “tổng hành dinh” rằng Trung Quốc đã “chán ngấy sự ì ạch của Thống tướng Myanmar Than Shwe trong cải cách chính trị và các loại cải cách khác”…
Thật ra nếu đây không phải là chuyện giữa các quốc gia, mà là giữa các cá nhân chẳng hạn, thì chẳng có gì chấn động. Bản tính của con người là quan tâm tới chuyện của người khác và hay nói về người khác, cả tốt lẫn xấu, nên nếu ông A bảo “thằng B uống rượu, đ.mẹ, thế mà khá” bằng một ngôn ngữ dân dã, thì đâu có gì lạ?
Các nhà chính trị – ngoại giao hay quân sự – tóm lại các quan chức, cũng vậy cả. Họ cũng là người, họ cũng ưa nói về nhau, nhận xét, bình phẩm. Chưa kể, có những vị mà nhiệm vụ là thu thập tin tức, báo cáo tình hình cho chính quyền, và đó là công việc, là bổn phận của họ đối với quốc gia, diễn giải nôm na là: “hóng” được chuyện gì, phải báo ngay về nhà.
Thế nhưng vấn đề ở đây là chẳng chính quyền nào, cụ thể là chẳng quan chức nào, muốn người dân biết họ đã, đang và sẽ nghĩ gì, nói gì, làm gì. Không chứng minh được điều này, nhưng tôi chắc chắn rằng tất cả các chính quyền trên thế giới, từ cổ chí kim, đều có xu hướng để dân biết về mình càng ít càng tốt, mà muốn thế thì phải dựng nên một bức màn thiêng liêng, bí ẩn, tạo bởi các giai thoại và huyền thoại, bởi sự thiếu minh bạch, bởi những nghi lễ ngoại giao phức tạp và… khó bắt chước.
Tóm lại, phải “thiêng liêng hóa” chính quyền để giữ oai với dân, chống lại cái thói xấu của mọi tên dân đen là cứ thích “biết những chuyện không cần biết”, dễ… sinh loạn. Trong khi đó thì phía dân chúng lại có xu hướng ngược lại: luôn muốn biết chuyện của mọi người khác, đặc biệt của các nhân vật nổi tiếng: chính khách, văn nghệ sĩ… Quan chức chính quyền hẳn nhiên là đối tượng được dân quan tâm đặc biệt.
Đó là chưa kể, thông tin ngày nay còn có giá trị quý như vàng nữa. Thời phong kiến, ở xứ Anh Cát Lợi, chàng Robin Hood huyền thoại chính thực là một tên cướp, “cướp nhưng mà tốt”, bởi chàng lấy (tiền) của người giàu chia cho người nghèo. Nếu sống vào thời đại Internet bây giờ, tôi nghĩ có khi chàng sẽ lấy thông tin, cơ sở dữ liệu của người giàu chia cho người nghèo cũng nên. (Ở một vài quốc gia lạc hậu về chính trị , chuyện người giàu sở hữu thông tin hơn hẳn người nghèo, quan chức sở hữu thông tin hơn hẳn dân thường, là quá rõ rồi).
Hai xu hướng – một bên giấu, bưng bít, một bên tò mò, “tọc mạch”, “thù địch chống phá” – luôn luôn cọ sát, đối đầu. Nó là một phần của mâu thuẫn tồn tại muôn đời giữa Nhà nước và nhân dân. Chừng nào còn tồn tại Nhà nước, chừng đó còn tồn tại mâu thuẫn giữa chính quyền với người dân, cũng như tồn tại hai xu hướng “thiêng liêng hóa” vs. “giải thiêng”.
Và như thế, tội lớn của Julian Assange là anh đã “giải thiêng” giới chính khách, ngoại giao Mỹ. Một điều chắc chắn là, với tội ấy, ở bất kỳ nước nào, kẻ phạm tội cũng sẽ bị chính quyền trừng phạt, cho dù có là quốc gia dân chủ nhất thế giới cũng vậy. Làm mất mặt (nghĩa là mất thiêng) chính quyền sẽ luôn luôn là trọng tội của một người dân, chừng nào và ở đâu còn tồn tại Nhà nước. Dân chủ tuyệt đối, tức dân làm chủ hoàn toàn, là một trạng thái hoàn hảo mà mọi xã hội chỉ có thể tiệm cận đến, chứ không thể đạt được.
Tuy vậy, lẽ tất nhiên là có sự khác biệt về mức độ dân chủ ở các nước. Tôi muốn nói rằng, ở bất kỳ quốc gia, lãnh thổ nào thì Julian Assange – kẻ đã dám “giải thiêng” lãnh đạo – đều bị chính quyền trừng phạt; tuy thế, độ nghiêm khắc (và cả độ… bẩn) của hình phạt hẳn là sẽ khác nhau. Thử tưởng tượng Julian Assange là là một công dân… Trung Hoa hay Bắc Triều Tiên xem, chuyện gì đã, hay sẽ xảy ra với anh ta?
Sự kiện Wikileaks, với tôi, là một biểu hiện cụ thể của “cuộc chiến vô hình” giữa chính quyền và nhân dân.
Phần 5
(NCTG) “Và, trong khi có những bài báo cố gắng đạt tới sự trung thực, công bằng, khách quan, thì cũng có hàng loạt bài trên nhiều tờ báo khác vi phạm những nguyên tắc đạo đức báo chí, kể cả nguyên tắc luật pháp căn bản: chừng nào chưa có phán quyết cuối cùng của một tòa án hợp lệ, chừng đó không thể coi ai đó là có tội”.
Đầu tháng 11, TS Cù Huy Hà Vũ bị bắt trong một “vụ án bao cao su” bí ẩn, sau đó bị khởi tố về tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước”.
TS Luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt và khởi tố
Cần nói rõ rằng tôi không có bất kỳ lợi ích hoặc tình cảm cá nhân nào liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ. Tôi cũng không đủ độ “liều” và thời gian để tranh luận về tính hợp pháp, hợp lệ trong vụ việc này. Tuy nhiên, vụ bắt ông Cù Huy Hà Vũ làm nổi lên một số điều đáng chú ý liên quan tới truyền thông và dư luận xã hội tại Việt Nam.
Thứ nhất là thói ngụy biện của rất nhiều người Việt, với một lỗi ngụy biện rất phổ biến: tấn công cá nhân. Ông Cù Huy Hà Vũ đã phát ngôn những gì, chính kiến của ông sai ở đâu, lập luận sơ hở ở điểm nào, cơ sở pháp lý của vụ bắt giữ ông, thì không thấy ai phân tích cụ thể.
Người ta chỉ ồn lên chuyện “tay này từng kiện cả bố đẻ”, “thằng hoang tưởng, tự tranh cử Bộ trưởng, kiện Thủ tướng”, v.v. Ngay việc ông Vũ bị bắt trong phòng cùng một phụ nữ cũng dẫn đến những lời bình phẩm như “chết vì gái”, hoặc tấn công cá nhân một cách tầm thường, kiểu “tưởng đi với ai, hóa ra chơi cái con xấu bỏ mẹ”.
Với cách nhìn nhận như thế, họ không thấy được những vấn đề xa hơn. Vì sao việc một công dân kiện Thủ tướng (cũng là công dân) lại bị coi là hoang tưởng? Vì sao cơ quan an ninh bắt giữ Cù Huy Hà Vũ ở TP HCM vì “có hành vi đồi bại” mà lại kiểm tra máy tính và tư gia của ông ở Hà Nội?
Có cái gì đó như dấu hiệu lạm quyền, mà ít nhất cũng là sự không minh bạch ở đây, và một việc làm như thế của cơ quan công quyền mà không bị đặt dấu hỏi, không bị phản ứng, thì rồi chuyện gì sẽ xảy ra nữa?
Nghe ra thì có vẻ như cơ quan công quyền phải chịu cái nhìn đầy khắt khe và định kiến từ dư luận xã hội… nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là nguyên tắc; nguyên tắc ấy nói rằng công an – cảnh sát – an ninh điều tra bao giờ cũng phải là lực lượng gương mẫu, lực lượng đi đầu tuân thủ luật pháp trong xã hội, và luôn phải nhận phần khó phần thiệt về mình trong quan hệ với nhân dân.
Thứ hai là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của báo chí. Một trong các nguyên tắc mà bất kỳ nhà báo nào cũng phải thấu triệt và thực hiện nghiêm ngặt là: trung thực, công bằng, khách quan.
“Trung thực” có nghĩa là viết đúng sự thật. “Công bằng, khách quan” nghĩa là phản ánh đầy đủ ý kiến các bên (nhà báo thực hiện “đúng sự thật” bằng cách sử dụng nguyên vẹn, chính xác thông tin từ một bên nào đó, là chưa đủ, vì như thế là đưa tin một chiều, không khách quan). Ở điểm này, cả báo chí “lề trái” lẫn “lề phải” đều không phải lúc nào cũng giữ được đạo đức.
Trung thực, công bằng, khách quan đòi hỏi nhà báo dùng những từ ngữ đúng mực khi phản ánh thực tế, không dùng ngôn từ có tính miệt thị, hạ thấp nhân phẩm; không gọi nhân vật là “y, thị, hắn” hoặc trống không.
Trung thực, công bằng, khách quan còn đòi hỏi nhà báo tuân thủ luật pháp: chừng nào chưa có phán quyết cuối cùng của một tòa án hợp lệ, chừng đó không thể coi ai đó là có tội. Mọi thông tin do cơ quan điều tra cung cấp theo hướng bất lợi, hay nhằm chống lại “đối tượng” đều chỉ có tính tham khảo.
Không nên nghĩ hoặc viện cớ rằng cơ quan an ninh điều tra có thể đã có những lời nói, hành vi áp đặt đối với báo chí để buộc báo chí phải đưa tin theo hướng chống lại ông Vũ và ủng hộ công an. Nếu không, đã chẳng có bài báo sau đây của “VnExpress”, mà theo tôi là tờ báo thường đưa tin rất đúng mực về các vụ việc liên quan tới tòa án.
Có thể thấy, trong bài này, “VnExpress” giữ thái độ khách quan, khi đưa bất kỳ thông tin nào chống lại ông Vũ họ đều nêu rõ: “theo cáo trạng”, “cơ quan an ninh điều tra cho rằng”… “VnExpress” cũng không làm cái việc “đá cố” thêm một phát vào cuối bài như nhiều báo khác, chẳng hạn nói Cù Huy Hà Vũ không phải luật sư, từng có tiền sự về tội hành hung, từng kiện bố đẻ hay làm việc gì có tính “tiêu cực” khác.
Thay vì thế, “VnExpress” lại viết một cách… trọng thị: “Ông Cù Huy Hà Vũ, 53 tuổi, là con trai của nhà thơ Huy Cận, con nuôi thi sĩ Xuân Diệu. Ông có bằng thạc sĩ văn chương, tiến sĩ luật tại Pháp; đồng thời tốt nghiệp Học viện Quốc tế Hành chính công của Pháp. Chưa được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng ông Vũ từng tham gia bào chữa nhiều vụ án”.
Và trong khi có những bài báo cố gắng đạt tới sự trung thực, công bằng, khách quan như thế trên “VnExpress”, thì cũng có hàng loạt bài trên nhiều tờ báo khác vi phạm những nguyên tắc đạo đức báo chí, kể cả nguyên tắc luật pháp căn bản đã nhắc tới ở trên: chừng nào chưa có phán quyết cuối cùng của một tòa án hợp lệ, chừng đó không thể coi ai đó là phạm tội.
Phần cuối
(NCTG) “Mai sau này nhìn lại, liệu có bài báo nào trong đời sẽ được độc giả nhớ đến? Được nhớ đến như những ví dụ tốt, hay sẽ bị đem ra làm “case study” cho sự dốt nát về nghiệp vụ, tồi tệ về đạo đức? Liệu có bài báo nào sẽ khiến chúng tôi không thể tha thứ cho chính mình không?”.
Nhìn trở lại năm 2010 qua báo chí Việt Nam, tôi nghĩ đến lời thầy giáo năm xưa: như một quy luật, khi nào xã hội càng nhiều xáo động, lòng người càng mất niềm tin, văn học với chức năng “phản ánh hiện thực” càng phát triển.
“Thư ký của thời đại”
Ở khía cạnh ấy, báo chí còn hơn cả văn học, nó quả đúng là tấm gương phản ánh hiện thực, ngay cả khi nó bị chi phối đáng kể từ các lực lượng khác nhau: chính quyền, doanh nghiệp, các phần tử cơ hội chính trị, v.v. Nói cách khác, ngay cả trong vòng kiềm tỏa ấy, báo chí Việt Nam vẫn dựng lên được một bức tranh mô tả đúng hiện trạng xã hội nước nhà: méo mó.
Tôi cũng nhớ tới một câu chuyện của mình, như thế này: Vào năm 1985, NXB Công an Nhân dân ấn hành một cuốn sách, nhan đề “Mùa xuân có bão”. Đó là một tuyển tập những truyện ngắn mang tính chất “kể chuyện cảnh giác”, ghi lại những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ công an trên mặt trận chống tiêu cực.
(Đây không phải hiện tượng lạ trong ngành xuất bản. Có lẽ nhiều bạn đọc thế hệ 6x, 7x bây giờ vẫn nhớ tới hàng loạt tác phẩm văn học chống tội phạm tương tự, cùng thời như “Vụ án đêm cuối năm”, “Chiếc khăn thêu bông huệ trắng”, v.v.).
Với trí óc của một đứa bé 7 tuổi, tôi đã đọc và nhớ như in nhiều chi tiết trong cuốn sách, tất nhiên là nhớ cả tên tác giả. Một truyện ngắn mô tả lại tỉ mỉ cuộc sống của một tội phạm – ở đây là một tên buôn lậu, chuyên đánh hàng từ TP HCM mang ra Chợ Giời (Hà Nội) bán, ăn chênh lệch, lấy tiền tiêu xài:
“Trong thành phố của chúng ta bây giờ có những kẻ sống phè phỡn như vậy. (…) Chúng đập trứng gà vào phở, ấp giò lụa lên xôi (…), bô bô chê bỉ những cán bộ vác cặp lồng, ôm bí đỏ đi làm mỗi sáng qua mặt chúng:
– Đấy mới là người “có lập trường”. Còn như bọn ta đây là loại “không thương yêu giai cấp”! (…)”.
Việc gì phải đến đã đến. Sau một thời gian buôn bán, ăn chênh lệch, kẻ xấu bị sa lưới pháp luật.
Còn có những truyện khác kể về các loại tội phạm khác trong xã hội: ăn cắp, móc túi, vượt biên, móc ngoặc, buôn lậu. Truyện nào cũng khắc họa các chiến sĩ công an nhân ái và lịch thiệp trong cư xử với người dân, can đảm và quyết liệt trong đấu tranh chống tội phạm.
Đối đầu với kẻ sống xa hoa, giò chả “ngập răng ngập lợi” kia là một chiến sĩ công an thanh bạch: “Mình – tôi cười – buổi sáng làm bát cơm rang không mỡ”. Một tình tiết khác tôi cũng rất nhớ, ở tuyển tập “Vụ án đêm cuối năm”: “Loan (tên một bác sĩ định vượt biên, bị bắt lại) xấu hổ quá. Với kẻ vượt biên, phản quốc, có chửi mắng cũng là bình thường, mà anh (công an) vẫn giữ thái độ ôn tồn, nho nhã”.
Nhưng, cũng với trí óc của một đứa trẻ lên 7, ngay từ thời đó, rất kỳ lạ là… không hiểu sao tôi lại cứ ủng hộ những nhân vật bị coi là “xấu” trong truyện. Ví dụ, tôi thấy thương và cứ thấp thỏm lo cho cô gái tên Chi, sợ cô ta bị công an bắt (trong truyện, cô ta có nghề móc túi và trấn lột, được gọi là “thị Chi”).
Bây giờ mà đọc lại thì có thể thấy ngay là nếu không đi móc túi, Chi sẽ chết đói – không nhà cửa, không gia đình, không nghề nghiệp, không tương lai. Còn anh chàng đi buôn hàng từ Sài Gòn ra Hà Nội kiếm chênh lệch kia thì giỏi quá đi chứ, và cuộc sống “đập trứng gà vào phở, ấp giò lụa lên xôi” của anh ta là cuộc sống mà tất cả lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy đều ao ước.
…Nhiều năm sau, mỗi lần nhớ tới cuốn sách này, ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi luôn là muốn tìm gặp các tác giả, nhất là mấy vị mà tôi vẫn nhớ tên ấy, túm lấy cổ áo họ và lắc thật mạnh, cho chừa cái tội “đầu độc trẻ em” đi. May mà với cái cách viết của các vị, đến trẻ em cũng không tiêu hóa nổi.
*
Trong cuốn sách nổi tiếng “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989”, cố GS. Đặng Phong trích dẫn một loạt bài báo đăng trên các báo lớn ngày ấy nói về chiến dịch Z30 (điều tra, khám xét và tịch thu những ngôi nhà mới xây cao từ hai tầng trở lên). Bài “Những kẻ có tài sản bất minh” của tác giả Quang Cát (“Hà Nội Mới”, số ra ngày 14/5/1983) viết:
“Gần 8 giờ sáng, chủ nhân vẫn chưa dậy, trong khi ngày làm việc của thành phố đã bắt đầu… Đoàn kiểm tra đến khám xét, hắn đã dậy và ra mở cửa phòng ngoài. Đây là loại cửa gỗ lát dày, có đánh xi bóng nhoáng, phía trên gắn kính mờ hoa dâu… Phòng khách lộng lẫy, có salon, máy quay đĩa… Trong khi Hà Nội ta có bao nhiêu gia đình ở chật chội, mỗi đầu người chỉ có 1m2, thì nhiều tên làm ăn bất chính lại xây nhà, mua nhà sống xa hoa như vậy (…).
Hắn còn thuê người chuyên quét dọn ao vườn, nhà cửa. Chúng ta công phẫn lên án bọn người buôn bán đầu cơ, thoái hóa mất chất bằng con đường bất chính. Cho nên nhân dân rất hoan nghênh những Chỉ thị và Quyết định của UBND TP ra lệnh kiểm tra những đối tượng có nguồn tài sản bất minh”.
Bài “Những ngôi nhà phi pháp” của Nguyễn Đức Thà (đăng trên Hà Nội Mới ngày 17/5/1983) viết: “Bước vào nhà đã có cảm giác mát dịu, nền gạch tráng men, nhà dưới, tầng trên đều có công trình vệ sinh riêng, có đèn néon, có gương soi (…). Khi kiểm tra nhà hắn ngày 12 tháng 5 vừa rồi, thấy có cả máy giặt, máy hút bụi, hơn 100 m vải, một số tấm gỗ…
Đó là sự vô đạo đức, nỗi bất công không thể kéo dài…”.
Bây giờ, đọc lại những bài báo ấy, tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta sẽ bật cười, hoặc sẽ điên tiết, hoặc kinh sợ trước cái ấu trĩ của một thời. Nhưng, tôi không dám chắc số đông trong chúng ta sẽ có mảy may cảm thông với tác giả. Những gì họ đã viết ra đó, tiếc thay, sẽ chỉ được lưu lại, được nhớ đến (nếu có) như những ví dụ về cái sai, cái xấu, thậm chí cái ác của báo chí.
Và đó là những “tấm gương” để chúng tôi nhìn vào mà tự nghĩ đến mình: Mai sau này nhìn lại, liệu có bài báo nào trong đời sẽ được độc giả nhớ đến? (Khả năng là ít lắm, độc giả vốn dễ quên mà). Được nhớ đến như những ví dụ tốt, hay sẽ bị đem ra làm “case study” cho sự dốt nát về nghiệp vụ, tồi tệ về đạo đức? Liệu có bài báo nào sẽ khiến chúng tôi không thể tha thứ cho chính mình không?
Chúng tôi không biết. Chúng tôi chẳng thể nào biết được. Tuy nhiên, riêng về phần mình, tôi chỉ thấy rõ nhất một điều: Cho dù thế nào, những truyện ngắn, những bài viết tồi dở ngày xưa và bây giờ cũng không chỉ thể hiện trình độ và đạo đức của người viết; mà chúng còn là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội đương thời, chúng soi rọi trình độ phát triển của đất nước, bộc lộ năng lực quản lý của nhà lãnh đạo, và dân trí của nhân dân.
Ước gì… chúng tôi có thể viết làm sao để con cháu sau này sẽ không lục giở lại kho lưu trữ mà cười ngặt nghẽo: “Ngày xưa vào khách sạn mà bị bắt quả tang có bao cao su đã qua sử dụng là có thể bị bắt đấy bọn mày ạ”, “Ngày xx tháng yy năm zz báo ABC đưa tin Việt Nam luôn bảo đảm tự do Internet này, dân Việt Nam ở trong top hạnh phúc nhất thế giới này, hahaha…”.
Đ. T.
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2732