Ai là người nghèo nhất?
Bố con họ Chử – hai người mặc chung một chiếc khố?
Những người cộng sản – “trên vai chỉ có xiềng xích”?
Chị Dậu – Phải bán chó đợ con?
3067,8 lượt người thiếu đói trong năm 2010?
Những ngày cuối năm, liên tục thấy top người giàu xuất hiện. Nào trả lời phỏng vấn. Nào giao lưu trực tuyến. Nào là “Tiền bạc có lúc trở thành vô nghĩa”… Giàu đương nhiên phải được tôn vinh vì đó là lao động, là mồ hôi nước mắt, là máu và song sắt. Top người giàu nhất có thể xác định được. Top gia đình giàu nhất cũng đã có. Top 50 phụ nữ giàu nhất cũng đã bầu. Nhưng câu hỏi ai là người nghèo nhất sẽ không thể trả lời.
Những chị Dậu giờ nhiều quá, không đếm xuể.
Những bố con họ Chử giờ ngoài việc thiếu mặc, còn đói ăn, đói một cách vật lý.
Còn những người cộng sản? Họ giờ đã là những người lãnh đạo. Và quyền lực, trong thực tế đang là thứ sở hữu đáng giá hơn tiền rất nhiều lần.
Hôm nay, trên SGTT có một bài báo hay và cảm động về một người mà ai đó cũng ít nhiều nghe đến: Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu. Dự cảm của mình có lẽ không tồi. Vào tháng 10–2010, khi ông trở về sau khi bị Trung Quốc giam cầm trong suốt 44 ngày đêm – trong cảnh cờ hoa, đón đưa, được báo chí tung hô như một người hùng, mình đã cảm giác rằng ngay sau đó ông sẽ phá sản. 600 triệu mua tàu là tiền vay. Ba lần bị Trung Quốc bắt; nợ đến lúc làm người hùng cũng vẫn ngập đầu. Họ Mai sẽ sống bằng gì sau đó? Lại vay Ngân hàng – mà ai sẽ cho con nợ Mai Phụng Lưu vay tiếp – để tiếp tục đi biển – và hoàn toàn có thể lại tiếp tục bị bắt – rồi cuối cùng vỡ nợ, phá sản và giải quyết bằng cách trầm mình xuống biển, hoặc cay đắng hơn – tìm một sợi dây chão – hoặc bi thảm hơn – một lọ thuốc diệt chuột, cho rẻ, như thân phận lão Hạc của gần trăm năm trước?!
Nhưng không ngờ, cái ngày ông trắng tay quá sớm. Không ngờ, việc ngã từ trên đỉnh người hùng, xuống thân phận “thằng bần” chỉ sau một giấc ngủ.
Tác giả Phạm Anh đã viết những dòng rớm máu trên SGTT: “Mai Phụng Lưu giờ ở tuổi 44, có thâm niên 30 năm sóng gió biển khơi, nhưng giờ như chim gãy cánh, khi ba tháng nay, không dám ra khỏi nhà. Trước đó, khi con tàu QNg 66 478 TS được thả về, Mai Phụng Lưu phải giao chiếc tàu cho đầu nậu vì ông mắc nợ đến 600 triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản nợ sau ba lần bị Trung Quốc phạt tiền trước đó, mỗi lần 7 vạn nhân dân tệ, đã đẩy Mai Phụng Lưu vào con đường cùng kiệt. Đời người đi biển, con thuyền còn quan trọng hơn nhà vì còn thuyền thì có thể làm ra nhà. Mai Phụng Lưu không có thuyền đi biển, giống như người mất chân. Hôm đến nhà thăm ông Lưu, tôi thấy ông cầm gàu múc nước tưới rau mà mắt không buồn nhìn cây rau“.
Thôi, thế là người anh ngư dân Mai Phụng Lưu đã bị số phận dẫm đạp quá đau đớn. Thôi, thế là vị thuyền trưởng “Đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà” bị giam cầm trên bờ để ngày ngày đi lang thang, liêu xiêu như “say đất”. Và người anh hùng can đảm vô ngần, bị Trung Quốc bắt ba lần vẫn lái thuyền ra khơi giờ đã rơi xuống cái đáy của hố nghèo, và tồi tệ hơn – sự chán nản.
Tàu của ông Mai đã phải giao cho đầu nậu vì mắc nợ nhiều quá. Con trai ông, rể ông giờ “đi bạn” cho người ta. Đứa khác, cũng dân đánh cá, giờ lên cao nguyên hái cà phê thuê. Đứa gái út, bỏ học giữa chừng giờ lang thang phiêu bạt nay Quảng Ngãi, mai Sài Gòn.
Cũng hôm nay, mình lại được đọc, trong một bài báo cũng rất hay, rất thành công, trên Vnexpress – về ông Đặng Thành Tâm – top ba người giàu nhất sàn chứng khoán.
Đại ý là ổng vừa đi làm từ thiện bên Lào về. Lào lạnh có 6 độ, nên ra Hà Nội ông vẫn giỏi chịu rét. Rồi năm qua, ông nhanh tay mua “rẻ như mơ” được có mỗi cái công ty sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ. Và năm nay, ông sẽ xây tòa tháp Lotus thành một công trình thế kỷ với những khoản tiền “tỷ đô”. Ngay cả những thất bại của ông cũng “mang mùi vĩ đại”. Chẳng hạn ông mua hụt một tòa trụ sở ở… Nhật Bản, “chỉ” 10 triệu USD.
Một người tài sản vô số con số, đại gia cá mập cỡ Liên hợp quốc. Một, từng săn cá mập, giờ đóng vai trò nằm thớt. Một người thì có thể leo lên số 1 trong nay mai, người khác thì nghèo thế nghèo nữa nghèo đến tận nghèo cũng mất hút trong vô số những đồng bào nghèo của mình.
Nhưng thật hồ đồ khi đặt họ Mai bên ông Tâm.
Thực ra chỉ là sự xót xa xung quanh chữ “Nhất” trong chuyện giàu nghèo. Sao cái nghèo bao giờ cũng thuộc về số đông, về dân chúng nhỉ?
Thôi, không viết nữa.
Đ. T.