Nếu Việt Nam còn xem quần đảo Hoàng Sa là của mình

Một phần đảo Hoàng Sa. Photo courtesy of hoangsa.org

Một phần đảo Hoàng Sa. Photo courtesy of hoangsa.org

Báo SGTT Media ngày 05/01/2011 đưa tin Khi thuyền trưởng Mai Phụng Lưu bỏ biển. Đây là một bài báo ngắn, chỉ riêng nhan đề của bài, tôi tin rằng sẽ làm cho nhiều người Việt Nam đang nặng lòng với Tổ quốc, với chủ quyền đất nước không khỏi trăn trở và suy tư, thậm chí là xót xa, cay đắng!

Đây là bài báo ngắn, có thể trích lại nguyên nhân anh phải bỏ biển như sau:

“Mai Phụng Lưu phải giao chiếc tàu cho đầu nậu vì ông mắc nợ đến 600 triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản nợ sau ba lần bị Trung Quốc phạt tiền trước đó, mỗi lần 7 vạn nhân dân tệ, đã đẩy Mai Phụng Lưu vào con đường cùng kiệt. Đời người đi biển, con thuyền còn quan trọng hơn nhà vì còn thuyền thì có thể làm ra nhà. Mai Phụng Lưu không có thuyền đi biển, giống như người mất chân”.

Nói về tài nghệ của “sói biển” Mai Phụng Lưu, bài báo cho biết:

“Ngư dân Nguyễn Đảng, gần 70 tuổi, là một trong chín thuyền viên đi trên tàu của Mai Phụng Lưu, trách: “Thằng cha Lưu đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà. Anh em đi với nó rất khoái. Nhưng cũng không có thằng cha nào can đảm như cha này, bị Trung Quốc bắt nhiều lần mà vẫn không ngán, vẫn ra khơi”.

Mai Phụng Lưu giờ ở tuổi 44, có thâm niên 30 năm sóng gió biển khơi, nhưng giờ như chim gãy cánh, khi ba tháng nay, không dám ra khỏi nhà”.

Sói biển" Mai Phụng Lưu - khí phách can trường của người Việt, dân tộc Việt đưa anh trở lại biển là tiếng gọi của hôm nay, của thời đại...

Sói biển" Mai Phụng Lưu - khí phách can trường của người Việt, dân tộc Việt đưa anh trở lại biển là tiếng gọi của hôm nay, của thời đại...

(SGTT: Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (áo sọc, giữa) trong ngày trở về đất liền (26.10.2010) sau 44 ngày đêm bị Trung Quốc bắt giữ và bị kẹt trên đảo vì gió bão. Ảnh: Minh Đức)

“Sói biển” đã bỏ biển, đồng nghĩa với việc, trong tương lai gần, ngư dân Lý Sơn có thể bỏ khu vực quần đảo Hoàng Sa; và có thể cả một dải biển mênh mông từ Hoàng Sa đến Trường Sa sẽ bị bỏ trống, lâu ngày, đương nhiên sẽ thuộc về Trung Quốc.

Việc “Sói biển” đã bỏ biển, có thể sẽ là một cú đòn tâm lý vô cùng to lớn đánh mạnh vào ý chí giữ biển của toàn bộ ngư dân Việt Nam, cũng là của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, nếu không có một giải pháp mang tầm quốc gia, thì truyền thống ngư dân Lý Sơn giữ biển, mà ông cha họ đã từng thực hiện chủ quyền mấy trăm năm nay sẽ trúng mưu kế người Tàu ngay giữa thời hiện đại này, là nỗi nhục, là sự hổ thẹn của thế hệ hôm nay.

Nguy cơ mất Biển Đông có khi được bắt đầu từ sự kiện này, nếu như người Việt Nam hôm nay thờ ơ với nó!

Tôi mong rằng, sẽ có nhiều bài báo viết về vấn đề này, nhưng quan trọng nhất, phải tìm được giải pháp để anh Lưu trở lại biển.

Trước mắt, theo tôi, chính quyền địa phương huyện đảo Lý Sơn có trách nhiệm giúp anh vượt qua những khó khăn trước mắt, động viên anh trở lại biển để nối tiếp truyền thống cha ông. Vì đó là chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.

 Một lần nữa, tôi mong rằng sẽ có nhiều bài báo viết về vấn đề này.

Và rõ ràng, nếu Việt Nam còn xem quần đảo Hoàng Sa là của mình, thì tất yếu phải có một thái độ và giải pháp đúng đắn trong vấn đề này.

N. H. Q.

05.01.2011

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Biển Đông, Khoa Học. Bookmark the permalink.