Lời cảnh báo từ cuốn sách về bô-xít Tây Nguyên

(VEF) – Cuốn sách về bô-xít Tây Nguyên do 9 nhà khoa học, nhà nghiên cứu soạn thảo sẽ chính thức phát hành trong 8 ngày nữa, với lời cảnh báo: “Nếu cứ sa đà vào kinh tế bóc lột tài nguyên, Việt Nam sẽ càng nghèo đi”.

Với tựa đề “Khai thác bauxite và phát triển bền vững Tây Nguyên”, gồm 7 chương, dày hơn 200 trang và thuộc thể loại chuyên khảo, cuốn sách mổ xẻ toàn diện các vấn đề về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường… của ngành công nghiệp nhôm nói chung và chủ trương khai thác bô-xít ở Tây Nguyên hiện nay.

Không chỉ động chạm vào vấn đề thời sự đang nóng bỏng nhất trong giới khoa học và dư luận xã hội, cuốn sách được ra mắt ở thời điểm rất đặc biệt.

Đó là chỉ ngay đầu tuần tới, trước kiến nghị dừng dự án bô-xít của gần 2.500 nhà khoa học, nhân sĩ trí thức cả nước, Thủ tướng sẽ quyết thế nào?

Bởi vấn đề bô-xít Tây Nguyên sẽ là tâm điểm ở phiên chất vấn của Quốc hội  đối với các bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ  từ ngày 22 đến 24/11 này.

Phó Viện trưởng CODE Phạm Quang Tú cho biết, cuốn sách sẽ cung cấp thông tin toàn diện khách quan về vấn đề bô-xít Tây Nguyên (ảnh: M.H)

Phó Viện trưởng CODE Phạm Quang Tú cho biết, cuốn sách sẽ cung cấp thông tin toàn diện khách quan về vấn đề bô-xít Tây Nguyên (ảnh: M.H)

Trong nhóm 9 nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín đầu ngành khai khoáng nhôm cùng soạn thảo, có sự góp mặt của nhà văn Nguyên Ngọc. GS.TSKH Lê Văn Khoa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển là Tổng biên tập. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Tri thức phát hành.

Tại buổi giới thiệu sách chiều qua,18/11, GS TSKH Đặng Trung Thuận cho biết, 2 năm trước đây, tháng 5/2008, 16 nhà khoa học đã cùng ký lá thư đầu tiên gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với kiến nghị chủ đạo: không nên triển khai việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên một cách ồ ạt. Cuốn sách này đã truyền tải cơ bản thông điệp của bản kiến nghị đó.

GS Thuận nói: “Đó là tài liệu chưa từng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đến giờ, với những gì đã diễn ra 2 năm qua, chúng tôi thấy có thể công bố được.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung bộc bạch: “Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ mang lại những gợi ý cho những người làm công nghiệp nhôm, những nhà quản lý những điều mà không thể không quan tâm về bô-xít Tây Nguyên”.

“Hãy thử tưởng tượng, để làm 1 tấn nhôm, phải tốn 13.000-14.000 kWh, bằng một hộ gia đình tiêu dùng điện trong cả 20 năm. Thế giới đã coi công nghiệp nhôm là “công nghiệp bẩn”, tiêu tốn năng lượng và đã đưa ra 10 điều kiện cơ bản để một quốc gia có nên đi vào ngành công nghiệp này hay không”, tác giả Trung nói.

Khi đang soạn thảo cuốn sách thì sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari xảy ra. Nhưng theo tác giả Nguyễn Trung, vấn đề bô-xít Tây Nguyên không chỉ là chuyện bùn đỏ, hay công nghệ khai thác.

Và cũng đừng nghĩ, giải quyết được vấn đề công nghệ thì chúng ta có thể đi vào thị trường nhôm thế giới.

“Nếu không tính đúng, tính đủ thì chúng ta sẽ có nguy cơ sa đà vào phát triển kinh tế thượng nguồn và nếu vậy, Việt Nam sẽ càng nghèo đi”, ông Trung nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về quan điểm làm dự án bô-xít , Tổng biên tập cuốn sách, GS Lê Văn Khoa cho rằng: “Xu thế trên thế giới chuyển khai thác bô-xít từ nơi ít nguồn nước sang nơi dồi dào nguồn nước, từ nơi thiếu điện sang nơi nhiều điện.

Nhưng, Việt Nam lại thiếu cả 2 điều kiện đó. Xu thế khai thác khoáng sản là để chế biến sâu, nhằm tiết kiệm tài nguyên, tăng tính hiệu quả thì ở đây, dường như Việt Nam lại không làm thế.”

Dự án bô-xít sẽ chiếm một diện tích đất lớn, trong khi đó là đất đỏ bazan, là vùng đất màu mỡ nhất Việt Nam, là viên ngọc quí. Khi khai thác bô-xít, dù có hoàn thổ thì đất đai hoàn thổ đó cũng không thể còn màu mỡ như cũ. Như vậy, sẽ ảnh hưởng kế sinh nhai của đồng bào dân tộc Tây Nguyên cả về kinh tế, xã hội, chính trị…

“Vì thế, chúng tôi thấy cần phải làm điều gì đó…”, GS Khoa nói.

Mặc dù, đây là sách khoa học nhưng câu chữ trong cuốn sách rất giản dị, lời lẽ chừng mực, chân thành. Ở chương cuối, nhóm tác giả đã viết: “Lấy của trời thì phải trả lại trời, không có cách gì trốn nợ trời được. Kinh tế bóc lột tài nguyên thiên nhiên là như vậy… Công nghiệp bôxít như đang triển khai hứa hẹn là “cái bẫy hay lời nguyền tài nguyên” còn lớn hơn đối với Tây Nguyên và cả nước.”

Nhà máy sản xuất alumina ở Tân Rai sẽ hoạt động năm 2011  (ảnh: Phạm Huyền)

Nhà máy sản xuất alumina ở Tân Rai sẽ hoạt động năm 2011 (ảnh: Phạm Huyền)

Lời kết của cuốn sách cũng đầy tâm tư, day dứt.

Kể về kỷ niệm hồi tháng 8/2010, khi nhóm tác giả đang rong ruổi ở vùng đất Tây Nguyên, lời kết có đoạn: “Đang mải mê với quá khứ, bỗng mây đen kéo đến phủ kín bầu trời, một cơn mưa rừng bất chợt ập đến, những dòng chảy mặt màu đỏ quạnh trên nền đất đỏ bazan, rồi nhanh chóng tràn qua cả mặt đường, cản trở cả lối đi,.

Mọi người chợt nhận ra rằng, thảm rừng Tây Nguyên không còn nữa, nó đã bị tàn phá nặng nề bởi những tổ hợp lâm công nghiệp sau ngày giải phóng miền Nam. Còn chăng chỉ những mảnh rừng nguyên sinh đâu đó nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên… ở độ cao 1.000-2.000m?”

Nhóm tác giả trăn trở: “Giờ đây, nếu khai thác và chế biến quặng bô-xít với qui mô lớn, trên diện rộng, nguy cơ một lần nữa lại tiếp tục làm cho rừng Tây Nguyên – nóc nhà của Đông Dương bị xâm phạm, khó có cơ hội để phục hồi….Vì lẽ đó, họat động của nhà máy alumina thử nghiệm ở Tân Rai cần được tính toán kỹ càng hơn…”

Và chốt lại vấn đề, nhóm tác giả khẳng định: “Điều chắn chắn rằng, trong bối cảnh hiện nay, chuyển sang phát triển bền vững đang trở thành đòi hỏi, thành mệnh lệnh của cuộc sống đối với Tây Nguyên và cả nước. Đương thời Bác Hồ dạy rằng: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

“Chúng tôi đều đã 20, 30 tuổi Đảng, có người đã 50 tuổi Đảng. Chúng tôi viết cuốn sách này là với trách nhiệm của một Đảng viên, nêu lên tâm tư, suy nghĩ có cơ sở khoa học để Nhà nước xem xét quyết định một vấn đề lớn. Xin hãy hiểu, đó là cuốn sách được viết bằng chữ Tâm của các nhà khoa học Việt Nam”, GS Đặng Trung Thuận bày tỏ.

P. H.

Nguồn: http://vef.vn/2010-11-18-loi-canh-bao-tu-cuon-sach-ve-bo-xit-tay-nguyen

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.