Công ty Innov Green (IG) đã bắt đầu áp đặt… chủ quyền?

Sự kiện các tỉnh biên giới nước ta cho các công ty IG thuộc các quốc tịch Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê đất để trồng rừng trong thời hạn 50 năm, được báo Vietnamnet làm thành “thiên phóng sự” dài kỳ, bắt đầu từ ngày 01/3/2010 đến 01/4/2010 còn chưa hết tranh cãi ngay tại nghị trường Quốc hội, thì hôm 16/11/2010 báo Vietnamnet đã trở lại đề tài này, điểm bắt đầu là Công ty Innov Green Nghệ An (http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/innovGreen-dang-lam-gi-tren-bien-gioi-Viet-Nam-947654/).

Theo đó, báo Vietnamnet trong bài “

Con đường Innov Green đào bới, san lấp, chạy xuyên qua những quả núi, nương rẫy vốn trước kia là rừng, đều thuộc 3 bản Cắm

Con đường Innov Green đào bới, san lấp, chạy xuyên qua những quả núi, nương rẫy vốn trước kia là rừng, đều thuộc 3 bản Cắm

đang làm gì trên biên giới Việt Nam” nhấn mạnh: “Sau gần nửa năm kể từ khi Công ty Innov Green Nghệ An triển khai trồng rừng trên diện tích đất rừng được tỉnh Nghệ An cho thuê, vùng đất vốn im lìm, nằm sâu trong núi rừng Cắm Muộn có sự thay đổi lớn”.

Theo nội dung của bài báo, những “sự thay đổi lớn” được tóm tắt như sau:

1. Khi được hỏi về tiến trình trồng rừng của IG, ông Lô Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết: “Đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, họ vẫn tiếp tục trồng cây, đường mở rộng hơn”.

2. “Công ty đó vẫn không có sự liên hệ nào với địa phương. Cấp trên cũng không có một văn bản nào hướng dẫn, chỉ đạo đối với chính quyền xã”, ông Vinh nói.

3. Vị chủ tịch xã tiếp tục cho hay: “Từ cái lần trước các anh đến thăm với bà con nơi đây, đến tận bây giờ về phía Công ty Innov Green đem dự án vào trồng rừng đưa ra nhiều lời hứa sẽ đầu tư cho xã, tạo công ăn việc làm cho bà con dân bản… nhưng tất cả đến nay chỉ là lời hứa suông”.

4. Bất ngờ năm 2007, Cty IG “đổ bộ” về bản làng, họ thuê đất, đốt rừng đầu nguồn và trồng rừng mới. Đến thời điểm hiện nay IG đã cơ bản đốt xong rừng ở 3 bản Cắm và chủ yếu là trồng cây keo đơn thuần.

5. Người dân cả 3 bản Cắm “hết đường” lên rừng sản xuất nay phải xuống suối làm vàng: “Cán bộ coi, bây giờ không còn đất sản xuất nữa, lên rừng hái lượm thì công ty nước ngoài họ đuổi. Ngày trước mùa này thì lên rừng đi hái quả Cà, cây Măng, cây Mây, lá rừng kiếm tiền chứ không đi làm vàng đâu, vàng mùa này ít lắm. Ta không muốn chết đói nên phải xuống sông làm vàng thôi”, anh Vi Văn Thái một người dân làm vàng ở 3 bản Cắm nói.

6. Trở lại đây sau hơn 4 tháng, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi sự thay đổi nhanh chóng. Con đường mòn xuyên rừng đã được Innov Green đào bới, làm thành một con đường lớn có chiều rộng khoảng 5 m.

Nhìn dấu vết của sự tác động bằng cơ giới, ai cũng có thể hình dung ra cả một quá trình miệt mài và phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc để có được con đường mới này. Có những đoạn vách núi cheo leo, hiểm trở mà con đường mòn trước đây chỉ vắt qua đủ cho một người đi bộ, nay đã bị máy móc đào sâu, khoét vào lòng núi để mở rộng cho xe ô tô chạy dễ dàng.

7. “Chỉ còn mùa này nữa thôi, Công ty nước ngoài họ không cho vào rừng của họ nữa, họ bảo đây là đất của họ rồi, không cho ta vào đi hái quả Cà nữa đâu. Không biết sau này dân bản ta sống thế nào được, chắc là dân bản ta chết đói cả thôi cán bộ ơi”. Chị Vi Thị Vân vừa đi hái lượm quả Cà từ trên rừng về trăn trở cho biết.

8. Không chỉ mất đất sản xuất, mà diện tích chăn nuôi trâu bò, lợn gà cũng bị bóp nhỏ lại. Khiến người dân khi chăn nuôi thả rông trâu bò cũng bị chính IG “truy sát” cho đến chết khi chăn thả trong rừng.

Khoảng trung tuần 6/2010 đến nay, người dân và chính quyền xã Cắm Muộn đang “nóng” lên vì công nhân công ty này đã đánh cho đến chết một con trâu của ông Vi Văn Dũng ở bản Cắm. Lý do là con trâu đi tìm cỏ, chạy vào vườn ươm cây giống của Cty IG.

9. Chủ tịch xã Cắm Muộn, ông Lô Văn Vinh nói: “Phía Công ty IG không thực hiện đúng hợp đồng ban đầu là xây các công trình phúc lợi cho dân bản như: làm đường, xây nhà văn hóa, tạo điều kiện cho con em đi học và đặc biệt là lấy lao động ở xã chứ không lấy lao động từ ngoài vào để làm việc cho Innov Green.

Nhưng đến hiện nay, họ chỉ lấy người ở các huyện khác Quỳ Châu, Quỳ Hợp và thậm chí là thuê lao động người Mông ở tỉnh Hà Giang vào đây để làm việc. Họ cho 50 người Mông ở tỉnh Hà Giang vào làm mà không có giấy tờ gì hết, khi đưa người vào làm cũng không hề thông qua chính quyền địa phương chi hết”.

Anh Vi Thắng cán bộ tư pháp xã cho biết: “Tổng diện tích trên giấy tờ cho IG thuê là hơn 600 ha, nhưng mới đây xã và huyện đi đo lại thì con số đó đã lên đến 900 ha. Hiện nay cũng chưa thấy cấp trên can thiệp để đòi lại số đất đã bị chiếm”.

[hết trích dẫn].

Những việc làm trên của IG Nghệ An cho thấy:

a. UBND tỉnh Nghệ An là pháp nhân ký cho thuê đất, nhưng đến nay không có một mối liên hệ nào với huyện và xã để quản lý; đây là việc làm vô trách nhiệm, bỏ mặc để cho IG có cơ hội để lộng quyền.

b. Việc Công ty IG Nghệ An chỉ lấy người tỉnh ngoài vào làm việc mà không lấy người địa phương, phải chăng họ đang làm một điều gì mờ ám trên địa bàn? Việc không lấy người địa phương, có phải là họ sợ lộ những việc làm phi pháp của họ, đặc biệt về mặt an ninh lâu dài của đất nước?

c. Ai là người chịu trách nhiệm giao đất mà hôm nay IG đã lấn chiếm vựợt 300 ha, thì ai là người giải quyết số diện tích mà IG đã khai phá vượt hợp đồng nói trên? Liệu rằng có kế hoạch để thu hồi và phạt IG hay không, hay là “sống chết mặc dân, tiền thầy bỏ túi”?

d. Cần phải xem xét một cách tổng thể mối liên hệ giữa địa bàn huyện Quế Phong – Nghệ An, với tình hình di dân của TQ đang thực hiện tại Lào ở khu vực này, đây là mặt trận liên hoàn để TQ bao vây VN từ 3 phía (phía Bắc, phía Tây và Biển Đông); những người có chủ trương và cho thuê rừng có quan tâm đến vấn đề này không?!

e. IG đang thực hiện chủ quyền tại diện tích họ đã thuê; đẩy nhân dân địa phương ra khỏi vùng đất mà ngàn đời nay họ đã sinh sống và bảo vệ chủ quyền đất nước.

g. Đất cho thuê chỉ có 500 đồng/m2; nhưng hậu quả về các trận lũ lụt vừa qua ở địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh là cái giá phải trả cả về mạng người và tài sản quốc gia.

Như vậy, việc cho nước ngoài thuê đất trong thời gian là 50 năm, hậu quả là khôn lường xét trong hiện tại cũng như trong tương lai; vì vậy, đề nghị Quốc hội phải có giải pháp thích hợp để tránh một nguy cơ bị xâm lược mà VN không có cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến này; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của những người đã ban hành chủ trương và ký cho thuê đất như vậy.

N. H. Q.

16.11.2010

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in kinh tế, Môi Trường. Bookmark the permalink.