Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam thừa nhận khiếu nại đông người là “lợi ích chính đáng” của người dân, “một thực tế” cần được chấp nhận.
Cạnh đó Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói thêm, “cần hạn chế việc lợi dụng gây rối, kích động,” trong khi bảo vệ lợi ích của người dân.
Chiều ngày 15/11 Quốc hội Việt Nam thảo luận lần đầu tại Hội trường về dự án Luật Khiếu nại.
Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nhắc đến tình trạng khiếu nại đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi, liên quan chủ yếu đến đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền vẫn là thanh tra và xác minh, rồi ra văn bản trả lời. Tuy nhiên do luật chưa hoàn chỉnh, chuyện giải quyết khiếu kiện vẫn còn “gặp nhiều khó khăn và lúng túng,” theo tờ trình của Ủy ban Pháp luật.
Hiện nay Việt Nam đang có Luật Khiếu nại, tố cáo, với điều khoản cấm tập trung đông người để khiếu nại. Quốc hội, trong khi đó, muốn thông qua bộ luật mới, mang tính cập nhật hơn.
Thực tế thay đổi
Một trong các nguyên nhân làm cho khiếu kiện đông người khó giải quyết, theo đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) là “lãnh đạo cơ quan” không tiến hành đối thoại trực tiếp với dân.
“Do cơ quan tham mưu báo cáo sai, dẫn đến lãnh đạo tỉnh ra quyết định của sai, thủ trưởng cơ quan giải quyết khiếu nại không đối thoại trực tiếp với dân để nắm rõ tình hình,” bà Dung nói.
Bà Dung kêu gọi thay đổi nhận thức, chấp nhận thực tiễn mới của cuộc sống khi tìm hướng giải quyết khiếu nại đông người.
Thực tiễn mới là “nhiều vụ việc dân khiếu nại chỉ muốn gặp trực tiếp người đứng đầu để được đối thoại, trong khi thủ trưởng cơ quan lại ủy quyền cho cấp dưới tiếp dân, do vậy người dân càng thêm bức xúc.”
Đa số vụ khiếu nại đông người hiện nay tại Việt Nam liên quan đến đất đai, chính sách bù giá khi thu hồi đất, đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương ) nói thêm.
Người dân phản ứng
Nói chuyện với BBC Việt Ngữ, bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng từ Hà Nội kêu gọi chính quyền giải quyết một lần cho hết các bức xúc của nhóm người viết đơn khiếu nại.
“Người ta đã ký vào đơn thì người ta phải có mặt. Tất cả những người đó cùng chung một nguyện vọng. Giải quyết hết thì hay hơn. Còn hơn là người thì giải quyết, người thì không.
“Tôi phản đối cái Thông tư 04, cấm không cho nhiều người ký cùng một lúc. Cái thứ hai là không cho tập trung đông người. Người ta đã ký thì người ta phải có mặt. Nếu anh giải quyết được, thì tất cả mọi người đều thấy thỏa đáng, thì chỉ làm một lần thôi. Khi anh cấm, nếu có 100 đơn anh phải giải quyết 100 lượt. Một đơn anh chả giải quyết cho đến nơi đến chốn nữa là 100 lá đơn thì làm sao anh giải quyết nổi.
Hướng giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai đông người, theo bà Đức là cần phải có chọn những người trong sạch để chống tham nhũng.
“Đầu tiên là phải lựa chọn, về mặt nhân sự những người làm trong chỉ đạo chống tham nhũng phải là những người hoàn toàn trong sạch. Cái việc đó cần lắm. Rồi mới đến công việc tiếp theo. Phải cho người dân ký đơn tập thể, những người nào cũng một nguyện vọng phải giải quyết một lượt, như vậy gọn cho nhà nước phải không.”
Ông Lê Văn Ba, nông dân tỉnh Tiền Giang từng theo đuổi khiếu nại hơn bốn năm với chính quyền tỉnh khi đất gia đình bị thu hồi bất công. Ông chỉ đi khiếu kiện một mình. Trao đổi với BBC Việt Ngữ, ông cho rằng sở dĩ đơn kiện về đất đai tại Việt Nam còn nhiều là vì tỉnh không làm theo chỉ thị của trung ương.
“Chủ trương nhà nước coi như cái phù hiệu thôi. Thanh tra chính phủ gởi công văn xuống , văn phòng Trung ương Đảng cơ quan đại diện phía Nam gởi công văn xuống, giới chức tỉnh cũng không mời chúng tôi lên giải quyết. Chứng tôi lên hỏi khi nào các ông giải quyết, họ cũng không trả lời.”
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101116_petition_law.shtml