Mưa lũ và hiểm hoạ bùn đỏ Bô Xít trên Tây Nguyên

Kính chào bác Nguyễn Đình To,

Trân trọng cám ơn bài viết của bác Nguyễn Đình To đã tính toán và báo động số lượng nước mưa tích luỹ vào cái hồ chứa bùn đỏ trong tương lai.

Tôi xin phép Trang Nhà BVN cho tôi được chia sẻ ý kiến với bác, trên hai điểm:

Nhà máy Chế biến bauxite Tân Rai đang được xây dựng ở Tây Nguyên - Ảnh: Lê Quang Nhật.

Nhà máy Chế biến bauxite Tân Rai đang được xây dựng ở Tây Nguyên - Ảnh: Lê Quang Nhật.

1)- Điểm 2: Hiện tượng thẩm thấu sẽ bị ba lớp vải kỹ thuật và HPDE ngăn chận [xin lưu ý theo báo cáo kết quả thẩm định thiết kế của chính Bộ Công thương, lớp màng chống thấm HDPE có tuổi thọ chỉ 30 năm, trong khi hồ bùn đỏ tồn tại vĩnh viễn – BVN]. Tôi hy vọng như vậy, nhưng quan sát kỹ thì thấy có một sơ hở, đó là nhà thầu (hay cán bộ kỹ thuật TKV) chỉ mới lót đất sét và vải chống thấm dưới đáy hồ, vậy thì bốn bức thành vách cao ngót 14m không hề được lót chống thấm sao? Áp suất nước tỷ lệ với độ sâu và tỷ trọng của dung dịch (nặng hơn nước vì hoà tan với bùn)? Chỉ chống thấm đáy hồ thì đâu có đủ để bảo đảm hoá chất Xút cực độc (NaOH) ngấm qua thành vách đi vào mạch nước ngầm và gây ô nhiễm cho sông ngòi dưới hạ lưu? Không hiểu nhà thầu và cán bộ kỹ thuật TKV có nghĩ đến chi tiết này không?

2)- Điểm 3: Bác hy vọng rằng đê đập ngăn chận sẽ đủ kiên cố để ngăn bùn đỏ? Hôm qua vào đọc và quan sát những hình ảnh “Cận cảnh hồ chứa bùn đỏ” trong dịp tham quan của phái đoàn liên ngành Nhà Nước và Quốc Hội cách đây vài ngày, tôi được biết rằng hồ chứa bùn đỏ vĩ đại đó (110 hecta) nằm bên trong thung lũng sâu và lối thoát nước sẽ có một đê đập kiên cố ngăn lại. Thung lũng là một dải không gian sâu tạo bởi hai sườn núi giao nhau, thế thì cái thung lũng thiên nhiên này sẽ hướng dòng nước chảy về đâu, nếu một khi lũ lụt gây tràn đập hoặc vỡ đập? Theo tôi tưởng tượng, đó là một con sông nhân tạo hùng vĩ hoà nước mưa lũ và bùn đỏ chảy cuồn cuộn suôi theo thung lũng đổ xuống vùng hạ lưu, vận tốc chảy sẽ tăng nhanh dần vì độ cao 800m của cao nguyên Lâm Đồng so với đồng bằng, đố có gì ngăn cản được dòng thác vĩ đại này. Thử hỏi những thành phố hay làng mạc đông dân cư nằm trên đường thoát nước của dòng thác này thì hiểm hoạ sẽ như thế nào? So với đại hoạ “vỡ đập bùn đỏ bên Hungarie” thì Bauxite Tây Nguyên có an toàn hơn không? Tôi chợt rùng mình nhắm mắt, không dám tưởng tượng thêm. Đề nghị bác Nguyễn Trường To và các độc giả xa gần suy nghĩ và cho biết ý kiến.

Hy vọng rằng tôi quá giàu trí tưởng tượng và hy vọng trong tương lai sẽ không có hiểm hoạ như vậy xảy ra. Cầu nguyện Trời Phật thương xót dân tình Việt Nam, phù hộ cho đất nước tai qua nạn khỏi!

L. Q. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.