Về dự án bauxite, TS Nguyễn Đình Hòe: TKV chỉ chú ý đến kinh tế


(Dân Việt) – “Lượng bùn đỏ được thải ra sau khi khai thác 1 tấn bauxite chỉ gấp 1,5 lần, trong khi để cho ra 1 alumin thì lượng bùn thải gấp 4 lần. TKV hầu như chưa tính toán được cách xử lý lượng bùn thải khổng lồ này”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe – Trưởng ban Phản biện Xã hội của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường nói như vậy với phóng viên Báo NTNN.

Đoàn khảo sát chưa bao giờ có các nhà khoa học!

Thưa ông, sau khi đoàn công tác của Quốc hội và Chính phủ đi khảo sát thực tế 2 dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên về đã đưa ra lời hứa sắp tới sẽ cung cấp đủ thông tin, tài liệu để các nhà khoa học có cơ sở phản biện. Ở góc độ một nhà khoa học, ông nhận thông tin này như thế nào?

TS Nguyễn Đình Hòe

TS Nguyễn Đình Hòe

– Trước hết tôi phải khẳng định ngay rằng, kể từ lần phản biện đầu tiên hồi tháng 4-2009 đến nay các nhà khoa học chưa được tham gia bất cứ một chuyến đi thực tế hay khảo sát nào.

Tôi cho rằng đây là sự thiếu sót rất lớn bởi tư duy phản biện phải được dựa trên các cơ sở, quy luật khoa học trong khi số liệu mà Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp chỉ là những số liệu thiết kế. Sắp tới đây, các nhà khoa học trong Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật sẽ tiến hành phản biện lần hai, tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều thông tin mới được cập nhật.

Gần đây rất nhiều ý kiến đề nghị nên dừng hẳn dự án này, nhưng là một tổ chức bao gồm nhiều nhà khoa học làm công tác phản biện, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật lại không cùng chung đề xuất này? Ông có thể giải thích lý do?

– Đúng, chúng tôi chưa bao giờ đề xuất dừng dự án, mà chỉ yêu cầu hãy thử nghiệm. Tôi còn nhớ, trước đây khi có nhiều ý kiến phản ứng với dự án này, Chính phủ đã phải chấp nhận chuyển từ dự án khai thác kinh tế sang dự án thử nghiệm. Tuy nhiên, sau một thời gian đến nay về mặt hình thức, tên gọi tuy có thay đổi nhưng bản chất thì vẫn không có gì khác.

Chúng tôi, những nhà khoa học phản biện và các cán bộ của TKV chưa bao giờ đứng ở hai vị trí đối lập, chỉ có điều nhìn nhận từ hai góc độ khác nhau. Tôi hy vọng rằng sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ thuyết phục được họ. Có thể thời gian qua các nhà khoa học thuyết phục chưa tốt, hoặc cũng không loại trừ khả năng họ chưa chuẩn bị đủ kiến thức để nghe.

Ông Nguyễn Đình Hòe

Tôi cảm nhận rằng TKV đang vội vã triển khai vì mục tiêu kinh tế chứ không phải mục tiêu thử nghiệm. Nếu là thử nghiệm thì công nghệ phải tiến bộ, sao lại là xả ướt mà không phải xả khô. Nếu là thử nghiệm sao lại sử dụng toàn bộ lao động giản đơn từ Trung Quốc mà không phải là lao động địa phương.

Nếu được đòi hỏi những thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác phản biện, ông thấy cần phải đặt ra những yêu cầu gì vào thời điểm này?

– Tôi xin đề cập đến góc độ an toàn cho môi trường. Đây là một vấn đề rất lớn nhưng chưa được TKV nghiên cứu một cách thấu đáo. Chẳng hạn, họ chỉ nói đến việc xử lý bùn đỏ mà chưa đề cập đến việc xử lý bùn thải.

Tây Nguyên nằm trong tâm điểm của mưa (mỗi năm lượng mưa khoảng 3.500 – 4.500 mm) nên chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những cơn lũ bùn. Nếu lượng bùn khổng lồ trên trôi xuống sông Đồng Nai sẽ có nguy cơ lấp hết các hồ thủy điện.

Còn những vấn đề gì được ông và các nhà phản biện đánh giá là quan trọng và cần xem xét một cách thấu đáo, nghiêm túc?

– Chúng tôi lo ngại lượng bùn đỏ được xử lý theo công nghệ thải ướt được chôn ở Tây Nguyên sẽ còn mãi ở đó. Rồi vấn đề môi trường cho giao thông. Nếu cứ tính toán trung bình mỗi xe chở 2 tấn thì trung bình 5 – 6 phút sẽ có một chuyến xe của TKV chạy trên đường. Như vậy thì môi trường và cơ sở hạ tầng chịu sao thấu.

Đoàn Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiểm tra khu vực sẽ làm hồ chứa bùn đỏ tại dự án Nhân Cơ

Đoàn Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiểm tra khu vực sẽ làm hồ chứa bùn đỏ tại dự án Nhân Cơ

Đó còn là chuyện TKV nói họ đã tính toán thừa các phương án để ứng phó với động đất cấp 9 độ richter. Tôi thì lại không cho rằng tính toán thừa như vậy là tốt bởi không cần thiết phải như vậy trong khi Tây Nguyên là vùng không có động đất lớn (chỉ khoảng 5 độ richte).

Trong khi, cần phải tính toán đến những vấn đề khác như khả năng nứt đất, hậu núi lửa phun trào, phun nước ngầm, nước khoáng… bởi Tây Nguyên là vùng có hoạt động địa chất rất mạnh, việc địa hình Tây Nguyên đang cựa quậy là không tính được.

Xin cảm ơn ông!

Hương Thủy (thực hiện)

Nguồn: http://danviet.vn/20729p1c25/tkv-chi-chu-y-den-kinh-te.htm

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.