Mêkông cạn dòng và trách nhiệm nước lớn

Tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa chịu tham gia Ủy ban sông Mêkông dù đã được mời nhiều lần. Sự quan tâm của thế giới, khu vực tạo áp lực nhất định để nước này thiện chí hơn trong sự hợp tác với các nước hạ nguồn Mêkông.

Trung Quốc tích nước cho thủy điện, ĐBSCL chịu thiệt?

Hiện Mêkông được xếp vào danh sách 10 dòng sông có nguy cơ cạn kiệt trên thế giới. Mực nước sông Mêkông, con sông dài nhất Đông Nam Á – đã xuống thấp nhất trong vòng 50 năm, Vào thời điểm này, ĐBSCL đang vào mùa nước nổi, thế nhưng thực tế, miền Tây Nam Bộ của ta đói lũ… Nhiều người cho rằng tình trạng này có phần trách nhiệm lớn của các đập thủy điện Trung Quốc. Quan điểm của ông?

Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam: Dư luận chung thường gắn thủy điện với tai họa. Thủy năng bản thân là năng lượng sạch, có nước sử dụng đến 100% điện năng là thủy năng. Trên thế giới, không có nước nào có nguồn thủy năng mà lại bỏ không cả.

Tuy nhiên, phát triển thủy điện cũng có mặt trái của nó và ta phải tìm mọi cách để hạn chế. Cũng giống như dùng lửa vậy, không phải vì sợ cháy nhà mà chúng ta tuyệt đối không dùng.

Nếu vận hành tốt, các hồ thủy điện còn giúp điều tiết lũ, hạn chế hạn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, giữa yêu cầu dùng điện và các yêu cầu khác có nhiều lúc xung đột.

Lũ không về, nước chỉ lấp xấp trên các cánh đồng đầy cỏ. Ảnh: Trung Thanh

Lũ không về, nước chỉ lấp xấp trên các cánh đồng đầy cỏ. Ảnh: Trung Thanh

Việc hạn hán, lũ lụt xảy ra, tội không phải do thủy điện mà do người vận hành thủy điện đã quên cân nhắc các lợi ích khác trong quá trình vận hành nhà máy. Thay vì điều tiết cắt lũ, các khi lũ về, các hồ lại xả thêm nước tích trước đó, gây lũ lớn hơn ở vùng hạ du.  Ngược lại, trong mùa khô, các đập muốn sản xuất điện phải tích nước, gây cạn nguồn, tạo hạn hán ở khu vực hạ du.

Trong trường hợp sông Mêkông, Trung Quốc không phải là nước duy nhất phát triển thủy điện trên dòng Mêkông. Các nước ven sông đều phát triển thủy điện trên lưu vực, cả trên dòng chính và dòng nhánh.

Sông Lan Thương (tên phần sông Mêkông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc) chạy từ nơi có độ cao 4000-5000 m so với mực nước biển về tới Vân Nam để sang vùng hạ du chỉ có độ cao 300-400 m, tiềm năng thủy năng rất lớn, Trung Quốc phải tận dụng. Trong kế hoạch, Trung Quốc sẽ phát triển 14 đập trên dòng chính, trong đó 4 đập đã hoàn thành và đang thi công 4 đập khác. Các đập còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị và thiết kế.

Với việc đói lũ ở ĐBSCL, các đập của Trung Quốc có ảnh hưởng nhưng không nhiều, vì khoảng cách khá xa. Phát triển đập ở khu vực 3 nước hạ du khác là Thái Lan, Lào, Campuchia sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL.

Đương nhiên, tình trạng hạn trên dòng Mêkông có tác động từ việc tích nước của các hồ chứa ở Trung Quốc, nhất là hai hồ chứa lớn mới xây xong, lại bắt đầu tích nước vào đúng mùa khô.

Tuy nhiên, nếu đổ lỗi hạn lớn ở ĐBSCL cho thủy điện Trung Quốc là chưa công bằng. Năm nay tình hình khô hạn hơn, do biến đổi khí hậu.

Lo chuyển nước ra khỏi Mêkông

Như ông nói, việc đói lũ ở miền Tây Nam Bộ không chịu tác động nhiều từ việc Trung Quốc xây dựng các đập lớn, nghĩa là Việt Nam không phải quan ngại về việc Trung Quốc phát triển các đập này, thưa ông?

Việc xây dựng các đập sẽ ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy và thủy sản. Ở nhiều nước, cùng với việc xây dựng hệ thống đập thủy điện, người ta đầu tư làm đường riêng cho cá đi. Việc này tốn kém nhưng bảo vệ sinh thái. Đáng tiếc, với các đập trên sông Mêkông, không ai tính tới điều này.

Hơn nữa, vấn đề sông Mêkông còn là nguy cơ chuyển nước từ sông Mêkông sang lưu vực khác. Hiện Thái Lan muốn làm, Trung Quốc cũng đang tính.

Trung Quốc đã thực hiện chuyển nước từ miền Trung, Nam Trung Quốc sang miền Bắc, phục vụ nhu cầu của Bắc Kinh, Thiên Tân. Đó là một dạng “vạn lý trường thành” mới, đưa nước vượt sông Hoàng Hà lên phía Bắc.

Năm nay, người mua xuồng đánh cá cũng chẳng thấy đâu. Ảnh: An Bang

Năm nay, người mua xuồng đánh cá cũng chẳng thấy đâu. Ảnh: An Bang

Nước ở sông Dương Tử, miền Trung Trung Quốc đang dồi dào, đủ đáp ứng yêu cầu hiện tại, nhưng sẽ đến lúc, nhu cầu tăng lên, nước sông Dương Tử không đủ đáp ứng. Trong khi đó, có đoạn ở Vân Nam, sông Dương Tử và sông Lan Thương (tên đoạn sông Mêkông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc) chỉ cách nhau 60-70 km. Với kĩ thuật hiện nay, việc tạo đường hầm thông hai sông không quá khó với Trung Quốc.

Với Thái Lan, nước này có hai yêu cầu sử dụng nước: để tưới cho vùng Đông Bắc Thái Lan và chuyển nước sang sông Chao Phraya đáp ứng nhu cầu nước ở Băng Cốc và hạn chế lún sụt bằng các tiếp nước cho nước ngầm ở đây. Việc lấy nước đương nhiên phải diễn ra vào mùa khô, sẽ là mối nguy lớn với khu vực hạ nguồn Mêkông, nhất là ĐBSCL của Việt Nam.

Mặc dù từ xưa các nước đã cam kết không có chuyện chuyển nước ra khỏi dòng Mêkông nhưng đó cũng là vấn đề đáng lo về lâu dài.

Chỉ là khuyến nghị

Trở lại với vấn đề các đập thủy điện, qua nhiều năm hoạt động, Ủy ban sông Mêkông MRC đã nghiên cứu và đánh giá tác động thực của các đập, hồ chứa nước đối với khu vực hạ du như Việt Nam hay chưa?

Tư liệu của MRC khá đầy đủ ở nhiều lĩnh vực. Nếu cần đánh giá dự án đập thủy điện nào đó, MRC có đủ tư liệu để phân tích và cho ý kiến. Tuy nhiên, ý kiến của MRC chỉ mang tính khuyến nghị, không có ràng buộc pháp lý quốc tế, còn quyết tâm thực hiện hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào nước chủ nhà của con đập.

Vậy cơ chế hợp tác thực tế như thế nào, giữa các nước ở thượng nguồn và hạ nguồn Mêkông cũng như giữa các nước ở hạ nguồn Mêkông với nhau?

Từ năm 1995, các quốc gia thành viên đã kí kết Hiệp định Chiềng Rai về sông Mêkông. Theo Hiệp định, nguyên tắc cơ bản trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên MRC là đồng thuận, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Các vấn đề liên quan hợp tác Mêkông luôn được xem xét và giải quyết bằng các quá trình tư vấn rộng rãi ở nhiều cấp. Nguyên tắc sử dụng nước công bằng và hợp lý của quốc tế cũng được áp dụng.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cho tới nay là duy nhất về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mêkông để bảo vệ quyền lợi của nước hạ nguồn.

Trong khuôn khổ MRC, yêu cầu tham vấn được đưa ra từ lâu, thế nhưng mới đây, lần đầu tiên Chính phủ một nước (Lào) đã gửi đề xuất lên MRC để tham khảo ý kiến về việc xây dựng đập trên dòng chính Mêkông, đập Xayaburi.

Đập Xayaburi là một trong những đập trong chuỗi 12 đập dự kiến xây dựng trên hạ nguồn sông Mêkông. Vừa qua, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên cho rằng nên tạm hoãn, ít nhất trong 10 năm tới để có những đánh giá chính xác về tác động của chúng lên dòng sông. Theo tổ chức này, chỉ cần một trong số 11 con đập này được xây dựng cũng đủ để phá vỡ sự liên tục của hệ thống sinh thái hạ lưu sông, và gây nên nhiều tác hại chồng chất…

Đúng vậy. Dù lên án Trung Quốc phát triển các đập thủy điện trên dòng Mêkông nhưng chính các nước vùng hạ du như Thái Lan và Lào cũng rất muốn khai thác thủy điện trong dòng chính.

Đặc biệt, Thái Lan rất quan tâm phát triển thủy điện ở Lào, để tránh việc ngập đất Thái Lan do các hồ đập và được hưởng điện từ Lào bán sang. Thái Lan có cổ phần lớn ở hầu hết các dự án thủy điện của Lào.

Điều các nước còn cân nhắc là nếu họ khai thác sẽ không có lí do gì để phản đối Trung Quốc. Trong khi đó, đây là những nước sẽ chịu thiệt lớn nhất và đầu tiên từ việc Trung Quốc xây dựng các đập lớn trên sông Mêkông.

Với Việt Nam, chúng ta không được hưởng lợi gì từ việc phát triển thủy điện trong dòng chính Mêkông, bởi điều kiện tự nhiên không phù hợp. Nếu dừng các dự án xây đập thủy điện trên sông Mêkông, đó cũng là điều tốt.

Trong số 12 đập này, Việt Nam cũng có kế hoạch tham gia một dự án thủy điện ở Lào, một mặt để mua điện, phục vụ nhu cầu trong nước, mặt khác để có tiếng nói trong quá trình vận hành nhà máy. Bởi nếu dự án thực hiện, Việt Nam không tham gia thì nước khác cũng vào làm. Lúc đó chỉ Việt Nam chịu thiệt thôi.

Mêkông không chỉ là câu chuyện nước

Ngày 23/09 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về kế hoạch xây dựng 12 con đập thủy điện trên hạ nguồn Mêkông sau khi Lào bày tỏ ý định thúc đẩy dự án đập Xayaburi. Trong những ngày tới, Hội nghị Cấp cao Mêkông – Nhật Bản và gặp gỡ cấp Bộ trưởng giữa Mỹ và các nước tiểu vùng sông Mêkông sẽ được tổ chức tại Hà Nội.  Ông lý giải như thế nào về mối quan tâm này?

Mêkông là sông quốc tế.  Tình hình diễn biến liên quan đến sông Mêkông từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của giới chuyên gia nghiên cứu và dư luận thế giới quan tâm, kể cả những nước ở ngoài lưu vực sông.

ĐBSCL là vựa lúa lớn, quan trọng ở ĐNA và cũng là nơi sản xuất lương thực của thế giới. Thái Lan cũng là nguồn cung lương thực lớn. Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực. Vấn đề sông Mêkông càng được quan tâm.

MRC chỉ có 4 nước thành viên Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, nhưng từ lâu, hoạt động của MRC không giới hạn trong khuôn khổ sự tham gia của 4 nước hạ nguồn mà nhiều quốc gia khác tham gia tài trợ hay cử chuyên gia cộng tác.

Với Nhật Bản, từ hơn 10 năm trước, Nhật Bản đã quan tâm và hợp tác về vấn đề sông Mêkông. Thời điểm ấy, tôi là Thứ trưởng phụ trách công tác Mêkông của Việt Nam. Nhật Bản đã định kì mời các Thứ trưởng phụ trách vấn đề sông Mêkông sang trao đổi về tình hình, diễn biến cũng như các biện pháp phối hợp để phát triển bền vững sông Mêkông.

Vì thế, việc hình thành Cơ chế Hội nghị thượng đỉnh Mêkông – Nhật Bản hay trao đổi Mêkông – Mỹ là lẽ bình thường, có thể hiểu được.

Liệu người ta có thể kì vọng gì từ sự tham gia của các nước lớn này trong hợp tác khu vực sông Mêkông?

Vấn đề sông Mêkông rất cần cơ chế cấp cao để thảo luận. Cấp cao nhất trong đối thoại MRC mới à Bộ trưởng các Bộ liên quan đến nguồn nước, do đó, có bàn cũng chỉ bàn được chuyện nước. Trong khi đó, vấn đề sông Mêkông không đơn giản chỉ là câu chuyện nước. Cần đặt nó trong sự hợp tác tổng thể, chiến lược, khi đó, việc hợp tác ở sông Mêkông sẽ thuận hơn.

Việc tham gia của các nước lớn sẽ thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước MRC với nhau và với Trung Quốc cũng như các nước ngoài khu vực.

Trung Quốc vốn luôn coi Mêkông là sông quốc gia, không có khái niệm sông quốc tế. Là nước ở thượng nguồn của các sông lớn, Trung Quốc ít có nhu cầu hợp tác với nước khác liên quan đến các sông.

Với sông Mêkông, mặc dù được mời nhiều lần ngay từ khi cơ chế MRC vừa hình thành, thế nhưng cho tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn không chịu tham gia MRC. Có lẽ vì họ không muốn bị ràng buộc từ các yêu cầu của phía hạ du, cho mình toàn quyền xử lý vấn đề sông Mêkông.

Sự quan tâm của thế giới, khu vực đối với sông Mêkông tạo áp lực nhất định để Trung Quốc thiện chí hơn trong sự hợp tác với các nước hạ nguồn Mêkông.

Năm ngoái, lần đầu tiên sau 15 năm thành lập, MRC tổ chức Hội nghị cấp cao với sự tham dự của Thủ tướng các quốc gia thành viên và đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc, Myanmar (với tư cách là quan sát viên).

Sự tham gia của các nước lớn còn giúp tăng gắn bó giữa các nước sông Mêkông. Bởi thực tế nhiều khi bốn nước thành viên MRC có lúc không đạt được đồng thuận, cần có sự tham gia của bên ngoài.

Khi tôi còn làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, tôi từng chứng kiến có những hôm các bên tranh luận suốt đêm, bởi  theo kế hoạch hôm sau các nước sẽ kí kết nhưng đến tối muộn, vẫn chưa thảo luận xong, mà không kí được, sẽ đổ vỡ hoàn toàn. Trong những trường hợp như vậy, các chuyên gia, đại diện Chính phủ các nước tài trợ giữ vai trò tích cực, làm trung gian điều hòa quyền lợi của tất cả các bên (Theo quy định, tổng thư kí MRC không phải từ một trong 4 nước thành viên).

P. L.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-10-27-mekong-can-dong-va-trach-nhiem-nuoc-lon

This entry was posted in Môi Trường and tagged . Bookmark the permalink.