(TBKTSG) – Nhiều người trông chờ vào bản báo cáo tài chính của Vinashin được Công ty Kiểm toán KPMG kiểm toán xong vào cuối tháng 8-2010. Tuy nhiên, chính KPMG cũng tỏ ra bất lực vì báo cáo có rất nhiều khoản ngoại trừ.
Hiếm có báo cáo tài chính năm nào mà phần nhận xét của đơn vị kiểm toán cũng như phụ lục về các công ty con lại dài như báo cáo tài chính 2009 của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin.
Các bản phụ lục dài tới 24 trang chủ yếu liệt kê các công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoặc Vinashin có góp vốn dưới nhiều hình thức khác nhau, mà các số liệu liên quan đến họ được tính vào báo cáo hợp nhất của tập đoàn. Tổng cộng Vinashin có đến 435 công ty con và công ty hạch toán phụ thuộc, 30 công ty liên kết và liên doanh.
Để kiểm toán được những số liệu với quan hệ trong ngoài nội bộ chằng chịt như vậy, KPMG và cả bộ phận kế toán của Vinashin hẳn tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, những gì mà KPMG đưa ra trong bản nhận xét dài 10 trang lại cho thấy vẫn còn nhiều điểm mà ngay cả đơn vị kiểm toán độc lập cũng không thể khẳng định hết được.
KPMG cho biết Vinashin không có những thủ tục kiểm soát nội bộ có hiệu quả để bảo đảm rằng hồ sơ của các công ty con, công ty trực thuộc là cập nhật, chính xác và đầy đủ cho nên họ kết luận không thể tiến hành kiểm toán một cách thỏa đáng. Ví dụ Vinashin Cửu Long không cung cấp thông tin và hồ sơ tài chính nên KPMG đã loại trừ công ty này trong các bảng số liệu tổng hợp. Tổng cộng có tám công ty con của Vinashin bị loại trừ như thế.
Liên quan đến những hợp đồng đóng tàu đang trong quá trình thực hiện hoặc dở dang, KPMG nhấn mạnh trong năm 2009 một số hợp đồng đóng tàu của Công ty đóng tàu Nam Triệu, Công ty đóng tàu Bạch Đằng và Công ty cổ phần đóng tàu Hoàng Anh đã bị khách hàng hủy bỏ do sự chậm trễ trong việc hoàn tất hợp đồng. Lãnh đạo các công ty trên vẫn quyết định hoàn tất các tàu đó và tìm người mua thay thế. Như vậy lẽ ra Vinashin phải giảm các khoản tương ứng giá trị hợp đồng bị hủy ở các khoản phải thu nhưng họ không làm.
Tương tự, có những nhận xét đáng chú ý như vậy về các công ty then chốt của Vinashin như Nhà máy đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH một thành viên Hạ Long với những con tàu đã đóng xong và đã giao cho khách hàng nhưng vẫn ghi nhận là đang xây dựng dở dang.
Từ đây, có thể thấy Báo cáo tài chính năm 2009 vẫn chưa thể cung cấp một bức tranh tổng thể, chi tiết, chính xác về tình hình hoạt động cũng như hiện trạng tài chính của Vinashin. Một khi hiện trạng đó chưa được mổ xẻ để hiểu hết tận cùng, thì các biện pháp tái cơ cấu có thể sẽ không phát huy hết tác dụng.
Các khoản vay dài hạn của Vinashin được liệt kê ở trang 45 có 9 món, tổng trị giá 25.389 tỉ đồng. Trong số này, lớn nhất là khoản vay 750 triệu đô la Mỹ trái phiếu chính phủ và 600 triệu đô la Mỹ do Credit Suisse môi giới. Có một khoản vay bằng ngoại tệ khác trị giá 670 tỉ đồng đáo hạn vào năm 2010.
Thông thường, trong báo cáo tài chính năm có kiểm toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc các công ty đại chúng, các khoản vay được nêu rõ vay từ những ngân hàng, tổ chức tài chính nào, được sử dụng đầu tư ra sao. Trong báo cáo tài chính của Vinashin, không một địa chỉ cho vay nào được chỉ ra, chỉ có năm đáo hạn các khoản vay và lãi suất vay.
Điều này có thể khiến các chủ nợ của Vinashin bối rối về khả năng trả nợ đúng hạn của tập đoàn. Rõ ràng những khoản nợ thiếu nơi xuất phát (địa chỉ người cho vay) và thiếu nơi tiêu thụ (được sử dụng cho những dự án nào, vào thời điểm nào) là những dấu hỏi cần được Vinashin giải đáp.
Mới đây, trang web của Chính phủ ngày 11-10-2010 đưa tin Vinashin đã bán 5 con tàu trị giá 75 triệu đô la Mỹ và theo kế hoạch đến cuối năm sẽ bán 3-5 tàu nữa với tổng trị giá 160 triệu đô la Mỹ. Trong báo cáo tài chính Vinashin ở mục 8 tài sản cố định hữu hình (trang 35, dòng cuối), có chú thích rõ đến ngày 31-12-2009 số tài sản cố định trị giá 10.592 tỉ đồng của tập đoàn được cam kết làm tài sản thế chấp đối với các khoản vay ở nhiều ngân hàng. Liệu có bao nhiêu tàu của Vinashin đã được thế chấp vay vốn ngân hàng? Việc bán các con tàu nói trên có ảnh hưởng đến tài sản thế chấp? Và các chủ nợ ngân hàng sẽ có phản ứng ra sao?
Vinashin đang được tái cơ cấu. Một trong những mục đích của tái cơ cấu là lấy lại niềm tin của khách hàng – những người tiêu thụ sản phẩm – và của các chủ nợ, cũ và mới. Vinashin rồi đây sẽ không thể chỉ “sống” bằng ngân sách nhà nước, giống như mọi doanh nghiệp khác, tập đoàn cần vay vốn, kinh doanh có lãi và trả nợ. Niềm tin phải khởi đầu từ sự minh bạch và trước mắt là minh bạch những khoản nợ đã vay, đã sử dụng cũng như phương thức trả nợ, xin dãn nợ, khất nợ để có thế đứng thương lượng những khoản vay mới cho bước đường khắc phục hậu quả đã rồi và đi lên.
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi tóm tắt những con số chính trong bảng cân đối kế toán của Vinashin tính đến ngày 31-12-2009 bên dưới. Như vậy tổng số nợ của Vinashin tính đến cuối năm vừa rồi đã lên tới 96.635 tỉ đồng chứ không phải chỉ là 86.000 tỉ đồng như lâu nay công bố. Một con số đáng chú ý khác là trong 42.495 tỉ tài sản cố định, gần một nữa là chi phí đổ vào các công trình đang xây dựng dở dang, có nghĩa chúng chưa phải là tài sản cố định có thể sinh lời và để hoàn thành chúng, ắt còn phải tốn thêm nhiều tiền nữa. Riêng về kết quả hoạt động kinh doanh, năm 2009 Vinashin lỗ 1.628 tỉ đồng trên tổng doanh thu là 22.461 tỉ đồng so với mức lãi 560 tỉ đồng trên tổng doanh thu 29.132 tỉ đồng của năm 2008. |
Bảng cân đối kế toán của tập đoàn Vinashin do KPMG kiểm toán (Làm tròn số, đơn vị tính tỉ đồng)
Các chỉ tiêu | 31-12-2009 | 31-12-2008 |
Tổng tài sản
Tài sản ngắn hạn Tiền và các khoản tương đương tiền Đầu tư ngắn hạn Các khoản phải thu ngắn hạn Hàng tồn kho Tài sản ngắn hạn khác Tài sản dài hạn Các khoản phải thu dài hạn Tài sản cố định (trong đó xây dựng dở dang) Bất động sản đầu tư Đầu tư dài hạn Tài sản dài hạn khác Tổng nguồn vốn Nợ Nợ ngắn hạn Các khoản vay dài hạn Vốn Vốn chủ sở hữu Lợi ích cổ đông thiểu số |
102.536
50.200 3,642 641 26.139 18.187 1.559 52.355 1.423 42.495 20.041 342 3.566 4.507 102.536 96.635 48.290 48.345 5.900 4.689 1.211 |
93.238
44.991 2,686 686 21.869 15.950 3.798 48.247 1.031 40.549 20.107 6 3.931 2.728 93.238 88.512 43.940 44.572 4.726 3.552 1.174 |
H. L.