Ngày 28/10/2010 mạng Bauxite Việt Nam đăng bài “Đừng bóp chết từ trong trứng” của tác giả Lê Dân. Mặc dù tác giả chỉ xoay quanh vấn đề liên quan đến giáo dục, tức là “dạy và học”, nhưng có một nội dung mà tôi muốn dựa vào đó để có ý kiến, với mong muốn nó sẽ vượt ra khỏi ngành giáo dục để đề cập đến một vấn đề lớn hơn, bao quát hơn.
Tôi rất đồng ý với Lê Dân, khi tác giả viết: “Tôi cho rằng nếu luật mà không phù hợp với cuộc sống thì nên sửa/thay luật, cũng như nếu SGK mà không phù hợp với đối tượng thì nên sửa/thay SGK. Nhưng không thể xóa bỏ cái mới, dù chỉ là ý tưởng”.
Có một điều rất vô lý ở nước ta đã tồn tại từ rất lâu, đó là quy trình xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), có thể nói là “không giống ai”.
“Quy trình” xây dựng VBQPPL của nước ta nói một cách tổng quát là: giao cho cơ quan hành pháp “tham mưu, soạn thảo”, nộp lại cho UBPL của QH “thẩm định”, đưa ra QH “gật”, và… giao lại cho cơ quan hành pháp (triển khai) thực hiện.
Chính vì sự “không giống ai” này, nên hầu hết các VBQPPL ở nước ta không sát hợp với thực tế; và đã có ai đó nói rằng, “nhóm lợi ích” đã có tác động đến người (nhóm) ra VBQPPL, ngay cả đó là một đạo Luật, và tuy không sát hợp thực tế nhưng khốn thay, việc sửa đổi, bổ sung lại rất chậm chạp, và đây là một trong những nguyên nhân để công chức gây khó khăn, tạo cớ để “làm tiền” người dân, do một văn bản hướng dẫn có thể hiểu được theo nhiều cách, bảo đúng cũng được, mà nói là sai thì người nghe phải chịu…, hoặc tội danh giống nhau, nhưng có nhiều khung hình phạt khác nhau, để từ đó… “phải chạy”.
Không biết có phải vì hầu hết các CB-CNV hiện nay, đều là sản phẩm của một nền giáo dục “đọc, chép” hay không mà có thói quen… làm theo hướng dẫn!? Ngay từ “cái gốc” đã sai rồi, nhưng vẫn nhắm mắt soạn thảo “hướng dẫn”… để rồi sai luôn trong thực tiễn cuộc sống khi đem ra áp dụng. Và biết sai là nhưng không sửa, ví như mấy hôm nay đang nói về TT Nguyễn Tấn Dũng – ông ấy chỉ nhận “sẽ kiểm điểm”, chứ còn lâu ông ấy mới sửa (mà tội gì ông ấy sửa!?). Đó là sản phẩm của “làm chủ tập thể”; của nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”… Rồi các bạn xem, sẽ có một vài người mất chức (chứ không từ chức – vì VN chưa có văn hóa ấy), nhưng sẽ không quy trách nhiệm được cho một ai cả, bởi vì “đã có sự thống nhất trong cấp ủy” (!?); hoặc đã “làm theo ý kiến chỉ đạo của thường trực…”, v.v. Cho nên VN ta cứ phải… “xin ý kiến chỉ đạo” là vì thế.
Suy cho cùng, mọi thứ là do… con người. Ngay cả tên quốc gia, quốc kỳ, hiến pháp… đều thay đổi được, nước ta từ ngày lập nước đến nay đã bao nhiêu lần đổi tên, hiến pháp đã mấy lần sửa đổi, bổ sung; nước Myanma, trước đây là Miến Điện, vừa cách đây mấy hôm, lại đổi quốc kỳ; nhưng có một thực tế ở chế độ ta là: một văn bản khi đã ban hành, thì nhất nhất đem áp dụng; kể cả nội dung của nó phản quy luật, kìm hãm sự phát triển của đất nước, thậm chí là… trái với lẽ ở đời, trái đạo đức (!?). Ví như cái Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ vể việc “cấm công dân khiếu nại tập thể”, mà TS Cù Huy Hà Vũ kiện ông TT Nguyễn Tấn Dũng, được Bauxite Việt Nam đăng ngày 28/10/2010, theo tôi, đây cũng là một loại văn bản… trái đạo đức, ấy thế mà vẫn có người (nhóm người) “soạn thảo” để ông TT ra một văn bản như vậy! Thế mới biết, xã hội VN hôm nay nó tha hóa đến thảm hại!? Những người làm công tác tham mưu ở cấp cao (cao nhất là khác) mà không hiểu được đâu là đúng, sai; đâu là đạo lý… thì thử hỏi đất nước VN này đi về đâu?
Nói Nghị định số 136/2006/NĐ-CP trái đạo đức là bởi vì không có một Nhà nước, một Chính phủ “do dân, vì dân” nào mà ra một văn bản trái lòng người như vậy cả. Một Nhà nước, một Chính phủ mà không dám đối mặt và chấp nhận sự thật, không dám, không muốn giải quyết các vấn đề xảy ra từ thực tiễn đời sống (mặc dù là rất bình thường như hàng trăm nhà nước khác trên thế giới), vậy Nhà nước có phải là “do dân, vì dân” không? Viết đến đây tôi lại nhớ đến bài “Nước Việt này là của ai?”, đăng trên Blog của nhà văn Phạm Viết Đào, ngày 13/9/2010 của tác giả Lê Phú Khải.
Tản mạn đôi điều về việc “nên sửa/thay” mà tác giả Lê Dân đã nói là như thế!
N.H.Q.
28.10.2010
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN