Để lại gì cho con cháu?

PN – Người xưa nói: “Cáo chết để da, người chết để tiếng”. Phải chăng câu đó không chỉ để răn dạy đạo đức mà còn nhiều ý tưởng sâu xa hơn là “da” hay “tiếng”.

Con cháu cần chúng ta để lại nhiều hơn thế. Con Rồng cháu Tiên mai sau cần chúng ta để lại một “giang san ngàn thuở vững âu vàng” (Sơn hà thiên cổ điện kim âu – Trần Nhân Tông) mà cha ông đã dày công gìn giữ, một cuộc sống bền vững về cả vật chất lẫn tinh thần trong một thế giới đầy bất trắc và chao đảo mỗi giây mỗi phút ngày nay.

Đó là mệnh lệnh lịch sử! Vì truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc ta – mà không chỉ dân tộc ta – vẫn luôn khẳng định một chân lý như lời nguyền trong câu khẩu hiệu nằm lòng: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta!”. Vì tương lai mà cha ông đã hơn mười mấy lần núi xương sông máu tống khứ ngoại xâm ra khỏi cõi. Vì tương lai mà nhiều thế hệ đã phải nằm gai nếm mật gìn giữ “âu vàng”. Ngày nay, khi chúng ta nêu khẩu hiệu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, con người hạnh phúc” cũng là vì cái tương lai ấy.

Chính vì vậy mà chúng ta vui mừng, hưởng lộc tăng trưởng kinh tế, nhưng lại chồng chất lo âu cho cái “âu vàng” Mẹ Việt Nam. Bao nhiêu dòng sông bị ô nhiễm, thậm chí bị giết chết như sông Thị Vải trên đất nước? Mười năm, hai mươi năm nữa, những dòng sông rồi sẽ ra sao với đà tăng trưởng mà chúng ta đang tự hào? Với 340.000 ha rừng cho nước ngoài thuê 50 năm mà trong hơn 10 năm qua mới chỉ thu về được gần 25 tỷ đồng (bằng hai tháng lương của cầu thủ bóng đá Rooney), số tiền ấy có đáng đánh đổi chừng ấy đất rừng với tài nguyên, với vị trí đầu nguồn hay chiến lược? Và gần đây nhất, cả đất nước đang nóng lên với nhiều ý kiến của nhân sĩ trí thức, cán bộ lão thành đề nghị Nhà nước dừng chủ trương khai thác bauxite trên Tây Nguyên. Thực chất đó là chuyện trả lời câu hỏi luôn làm nhức nhối tâm can chúng ta: để lại gì cho con cháu?

Vài triệu tấn bauxite mỗi năm có đáng để lại cho tương lai một mối lo thường trực khi hàng chục triệu tấn bùn đỏ độc hại treo lơ lửng trên “nóc nhà Đông Dương” mãi mãi? Bởi vì, với công nghệ của thế giới ngày nay, ngay cả những nước có trình độ cao và kinh nghiệm nhiều như Hungary chứ chưa nói đến của ta hay Trung Quốc, vấn đề bùn đỏ chưa thật sự được xử lý an toàn và trong thực tế đã xảy ra thảm kịch mới đây. Ở ta, chính vị Bộ trưởng TN&MT cũng chỉ tin chuyện an toàn trên lý thuyết, và để bảo hiểm cho mối nguy ấy chỉ là những lời cam đoan chung chung, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Không chỉ nhiều nhân sĩ, trí thức, mà những vị còn đang giữ trọng trách như ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội, đến những vị nguyên là lãnh đạo cao cấp hay cán bộ cách mạng lão thành đều có chung một thông điệp: hãy để lại một cuộc sống an toàn bền vững cho con cháu!

Thông điệp ấy thật rõ ràng và đầy sức thuyết phục. Mỗi quyết sách dù có tầm vĩ mô của người lãnh đạo đất nước hay mỗi hành động, thái độ dù nhỏ nhặt của chúng ta rồi sẽ nhanh chóng trở thành quá khứ. Ai rồi cũng trở thành cát bụi. Nhưng hành động và quyết định ấy sẽ làm nên lịch sử và chắc chắn chẳng ai muốn bị lịch sử phán xét. Xin hãy bảo trọng!

N. Q. T.

Nguồn: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/de-lai-gi-cho-con-chau.aspx

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.