(Dân trí) – Dự án khai thác Bô xít ở Tây Nguyên nhận được rất nhiều ý kiến phản ứng khác nhau. Dân trí đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và một số vị có trách nhiệm xung quanh vấn đề này.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Tôi lên tiếng vì lợi ích chung của đất nước”
Thưa, trong Thư kiến nghị gửi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, bà là người xếp trên cùng. Lý do gì khiến Bà là người đầu tiên tham gia vào Bản kiến nghị này?
Có lẽ tôi không phải người đầu tiên ký vào kiến nghị nhưng trong danh sách, anh em sắp xếp theo thứ tự ABC thôi. Còn việc tham gia vào Bản kiến nghị vì đó là lập trường của tôi từ trước. Ngay từ khi Dự án mới triển khai, chúng tôi đã tổ chức hội thảo khoa học và gửi kết quả cho các vị lãnh đạo nhưng tiếc là không nhận được hồi âm.
Gần đây, do sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ của Hungary nên sự việc càng trở nên cấp thiết, đáng lo ngại. Vì vậy, tôi thấy mình cần có tiếng nói đóng góp với Đảng và Nhà nước để có những chủ trương đúng, khách quan, khoa học và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Tôi lên tiếng là vì lợi ích chung của đất nước thôi.
Thưa Bà, báo Dân trí vừa có cuộc thăm dò ý kiến độc giả. Bà nghĩ gì về việc làm này?
Tôi thấy việc thăm dò ý kiến nhân dân như vậy là tốt vì qua đó, người lãnh đạo hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có những quyết định đúng. Con số đông đảo người tham gia ý kiến không chỉ thể hiện sự đồng tình, tin cậy đối với những nghiên cứu khoa học của chúng tôi về vấn đề này mà còn đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm của họ đối với lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Trong các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội mà Bà đã gửi thư kiến nghị, đến thời điểm này (ngày 28/10), Bà đã nhận được hồi âm nào chưa?
Hiện nay Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được kiến nghị của chúng tôi. Nhưng tuần này, do Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bận tham dự Hội nghị ASEAN – 17 nên Chủ tịch hẹn sẽ tiếp đại diện của chúng tôi vào tuần tới. Đó là tín hiệu đáng phấn khởi vì ý kiến của chúng tôi đã được Chủ tịch và đông đảo nhân dân quan tâm.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên: “Chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn”
“Theo đánh giá hiện nay của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hai hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên, chúng tôi bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, để an toàn về mặt lý thuyết, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu về hệ số an toàn”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã cho biết như vậy, khi trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội.
Qua sự kiện vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) có xem xét lại hệ số an toàn hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên?
Bộ TN & MT thẩm định rất cẩn thận. Chúng tôi đã sang khảo sát mô hình bùn đỏ của Brazil, Úc và khu vực bùn đỏ ở những nơi này đã trồng cây xanh được 20 năm nay. Hiện tại, chúng ta đang làm theo mô hình của Brazil và Úc, chứ không phải mô hình của Hungary.
Theo đánh giá hiện nay của Bộ TN & MT về hai hồ bùn đỏ, chúng tôi bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, do chưa vận hành và để an toàn về mặt lý thuyết, chạy mô hình, qua sự việc của Hungary, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu về hệ số an toàn.
Ông từng nói, nhiều dự án của Việt Nam chưa tính đến hiệu quả môi trường, chưa tính đúng tính đủ chi phí cho môi trường ngay từ khi thực hiện. Với Dự án Bô xít thì như thế nào?
Riêng về Đề án Bùn đỏ, chi phí cho môi trường 30 hay 50 triệu USD để làm khu bùn đỏ đã được tính toán rồi. Công nghệ thẩm định cho dự án này rất cẩn thận, có sự tham gia của Hội đồng quốc gia và chuyên gia nước ngoài.
Xin được nói là hệ số an toàn nơi đây đã được tăng lên gấp đôi. Khu động đất ở Tây Nguyên lúc đầu dự tính cấp 7, nhưng nay đã được tính lên cấp 9.
Công nghệ xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên làm hơi khác ở chỗ, Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5 ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác.
Ngay tại thời điểm này, Bộ có thêm hoạt động gì để tăng tính an toàn cho Dự án không?
Chúng tôi đã thành lập một Tổ Giám sát, gồm có Bộ TN & MT, Bộ Công thương, UBND các tỉnh liên quan để giám sát hàng ngày và làm nhật ký xây dựng các hồ bùn đỏ. Từ trước đến nay, chưa có một công trình xây dựng nào tại Việt Nam lại có một Tổ Giám sát quốc gia như thế.
Thưa ông, bên cạnh vấn đề bùn đỏ, các vấn đề khác về môi trường của Dự án Bô xít đang được quản lý thế nào?
Dự án Bô xít có 3 vấn đề về môi trường. Một là hồ bùn đỏ, hai là công nghệ khai thác, khai thác đến đâu phải phục hồi rừng đến đấy và thứ ba là chất thải của nhà máy. Trong thẩm định dự án đã tính hết.
Ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:
Bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều chứa đựng rủi ro
Tất cả hoạt động của con người, dù trong công nghiệp hay nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ hay bất kỳ lĩnh vực nào khác đều có chứa đựng rủi ro. Ngành khai khoáng cũng là ngành hết sức rủi ro. Quan trọng nhất là phải làm sao tính toán được xác suất rủi ro đó và có kế hoạch quản lý rủi ro.
Ở đây, việc này đã phân định rất rõ trách nhiệm của các bộ, ngành. Trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề thiết kế hồ bùn đỏ là trách nhiệm của TKV. Thẩm định bản báo cáo tác động môi trường là Bộ TN&MT. Thẩm định về thiết kế kỹ thuật, thiết kế chi tiết hồ bùn đỏ khi thi công là trách nhiệm của TKV và Bộ Công thương. Như vậy về trách nhiệm của Bộ TN&MT là chỉ nêu ra nguyên lý, mục tiêu phải đạt được. Còn đạt được như thế nào và những chi tiết kỹ thuật thì các anh em chuyên viên, các nhà khoa học ngành khai thác có trách nhiệm đưa ra để bảo đảm được mục tiêu.
Chúng tôi là cơ quan cấp dưới. Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ – Nguyễn Xuân Phúc nói, Chính phủ sẵn sàng nghe ý kiến đa chiều của nhân sỹ, giới khoa học về vấn đề này. Chúng tôi cấp dưới không nói gì khác đâu, nếu có các bằng chứng khoa học làm rõ tất cả mọi việc thì cực kỳ hoan nghênh.
Tôi chưa thể có ý kiến cuối cùng vì Bộ TN&MT cũng chỉ là một bộ phận.
Theo VNN
Bùi Hoàng Tám- Nguyễn Hiền – Lan Hương
Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-433016/toi-len-tieng-vi-loi-ich-chung-cua-dat-nuoc.htm