Trung Quốc xây dựng hải đăng tại vùng biển tranh chấp

Ngày 6-1, phát biểu nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1) và Năm hữu nghị Việt – Trung 2010, Đại sứ CHND Trung Hoa tại Việt Nam Tôn Quốc Tường cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy rằng, giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông là thách thức với trí tuệ và khả năng của hai nước. Trong khi chưa có điều kiện chín muồi để giải quyết vấn đề này, chúng ta hãy tạm gác lại tránh làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.” Mẩu tin dưới đây cho thấy lời khuyên trên của ngài đại sứ thực chất chỉ là buộc Việt Nam “tạm gác”, còn phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện ý đồ bành trướng của họ.
Bauxite Việt Nam
Một trạm hải đăng ở Đông Hải.

Một trạm hải đăng ở Đông Hải.

VIT – Ngày 09/2, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng 13 ngọn hải đăng và tấm đá trên các hòn đảo và dải đá ngầm để phân định lãnh hải của họ tại các vùng biển nhiều dầu khí đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Các mỏ khí đốt tự nhiên nằm trên những vùng biển chồng lấn mà Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền, nằm gần một quần đảo nhỏ được gọi là Diaoyu theo tiếng Trung Quốc và Senkaku theo tiếng Nhật.
Bằng việc xây dựng “công trình kiên cố” trên các hòn đảo, các nước có thể mở rộng các vùng lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế về luật biển.
Một nhóm khảo sát hải quân và các kỹ sư dân sự đã hoàn thành việc xây dựng một ngọn hải đăng tại đảo Waikejiao ngoài khơi bờ biển tỉnh Giang Tô, đây là ngọn hải đăng mới nhất trong số 13 công trình được xây dựng để đánh dấu đường hải giới của họ, Tân Hoa xã dẫn lời Đại úy Zou Xingguo, chính trị viên nhóm khảo sát thuộc Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc, cho biết.
Trung Quốc cho rằng một đường thẳng nối liền giữa các điểm này sẽ là điểm khởi đầu cho việc xác định các vùng lãnh hải của họ, Tân Hoa xã cho biết.
Nhật Bản cũng đã xây dựng các công trình như vậy bao gồm một ngọn hải đăng tại Okinotori, còn được gọi là Bãi đá ngầm Douglas hay Parace Vela, mà họ cho là hòn đảo cực nam của họ. Nhưng Trung Quốc đã không công nhận tuyên bố này của Tokyo, họ cho rằng đó là một mỏm đá, chứ không phải là một hòn đảo.
Dự án xây dựng các điểm cơ sở này của Trung Quốc kéo dài đến Quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là Tây Sa, nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuyên bố hải giới của Trung Quốc đã gây nên nhiều cuộc tranh cãi nghiêm trọng tại Biển Đông, một tuyến đường biển quan trọng và là một khu vực nhiều dầu lửa, hải sản và khoáng sản, nơi nhiều quốc gia đã tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên các vùng biển thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.
Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một số đảo và bãi đá ngầm thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm cách bờ biển phía nam của Trung Quốc tới 900 km.

Linh Trang (Theo Reuters)
This entry was posted in Hoàng Sa, Trung Quốc, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.