Việc Trung Quốc ngày càng lộ rõ dã tâm biến biển Đông thành ao nhà của họ làm cho không chỉ Việt Nam, hay một số nước ASEAN, mà cả những cường quốc như Ấn Độ, và nhất là Mỹ, phải đặc biệt lo ngại. Như vậy, nhìn toàn cục, có một nền ngoại giao đúng đắn, có một chiến lược biển khôn ngoan, thì về lâu dài, Việt Nam đâu phải lâm vào thế yếu khi đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình ở biển Đông!. Phải chăng đây là những bài học nóng mà tiếc thay, người mình bao giờ cũng… nghiền ngẫm khí lâu một chút.
Bauxite Việt Nam
(Toquoc)- Mỹ ngày càng lo ngại sức mạnh hải quân Trung Quốc, nhưng chưa có khả năng khắc phục tình trạng mất cân bằng trong thời gian ngắn. Ấn Độ có kế hoạch rút ngắn khoảng cách sức mạnh hải quân.
Ủy ban Điều tra An ninh Kinh tế Mỹ-Trung, cơ quan tư vấn chính sách của Quốc hội Mỹ, ngày 4/2 đã mở phiên điều trần với chủ đề “Hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á và ý nghĩa của hoạt động đó đối với Mỹ” để nghe những lời làm chứng của các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama.
Nỗi lo về chủ trương
Trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, các quan chức cao cấp quốc phòng và ngoại giao của chính quyền Obama và nhiều nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở vùng biển Đông. Các quan chức Mỹ cho rằng hành động này của Trung Quốc cũng gây nguy hiểm cho vận tải hàng hải của Nhật Bản.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher cho rằng cùng với việc tăng cường can dự ngoại giao và kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc còn tăng cường hoạt động quân sự, đặc biệt là tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở biển Đông. Ông Scher cho biết: “Quân đội Trung Quốc đang củng cố căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, tăng cường sức mạnh nhằm đối phó với hoạt động trên không và trên biển của Mỹ”.
Phó trợ lý Scher cho rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền mang tính chiến lược và đơn phương trong tranh chấp biển đảo với 6 nước, trong đó có Việt Nam, Philppines và Malaisia, là điều không chấp nhận được đối với Chính phủ Mỹ. Ông này cũng bác bỏ việc Trung Quốc coi khu đặc quyền kinh tế biển (EEZ) 200 hải lý tính từ thềm lục địa theo Luật về biển của Liên hợp quốc ở biển Đông là lãnh hải thực sự của nước này và áp dụng biện pháp yêu cầu tàu chiến các nước khác phải xin phép Trung Quốc khi hoạt động ở khu vực này.
Còn Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ David Shear nêu vấn đề liên quan đến những tuyên bố của Trung Quốc về biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Mỹ, không được tham gia hoạt động khai thác dầu khí với Việt Nam, cảnh cáo rằng nếu tham gia sẽ chịu những hậu quả nặng nề. Ông Shear cho rằng “việc Trung Quốc đe dọa các công ty Mỹ đã vi phạm nguyên tắc thị trường tự do”.
Hạ nghị sĩ Mỹ Dana Rohrabacher cũng nêu việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với ý đồ mở rộng quyền lợi của nước này ở biển Đông, tăng cường năng lực chi phối quân sự trên tuyến hàng hải từ biển Đông đến Ấn Độ Dương. Hạ nghị sĩ Dana Rohrabacher cảnh báo rằng vụ việc này sẽ đặt Nhật Bản vào thế yếu.
Nỗi lo về mất cân bằng lực lượng trên biển
Tin từ New Dehli cho biết, theo các nhà nghiên cứu Mỹ về hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh hiện có 9 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có 3 tàu được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, 53 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel, 74 khu trục hạm và tàu hộ tống cùng số lượng tương tự tàu đổ bộ và tàu tuần tra ven biển trang bị tên lửa.
Nếu không tính tới các tàu đã cũ, thì lực lượng có khả năng tác chiến hiệu quả của hải quân Trung Quốc sẽ gồm 7 tàu ngầm hạt nhân (trong đó có 3 tàu được trang bị vũ khí hạt nhân), hơn 30 tàu ngầm động cơ diesel và 45 khu trục hạm và tàu hộ tống. Nếu tính tới các kế hoạch đóng tàu được biết hiện nay của Trung Quốc tới năm 2020, hải quân Trung Quốc có thể sẽ có 2 tàu sân bay, 40-45 tàu ngầm động cơ diesel, khoảng 55 khu trục hạm và tàu hộ tống; số lượng có thể ít hơn hoặc nhiều hơn, song không chênh lệch quá nhiều. Ngân sách chi phí cho việc hỗ trợ sức mạnh trên đại dương của Trung Quốc liên tục tăng hàng năm bởi Bắc Kinh coi phát triển sức mạnh của hải quân là yếu tố then chốt trong chương trình hiện đại hoá quân đội nước này.
Trong khi đó, đội tàu ngầm của Nga thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã bị giảm bớt đáng kể. Tuy chính quyền Nga muốn tăng cường sức mạnh hiện diện tại vùng biển này, nhưng ngân sách quân sự bị dàn trải ra trên nhiều lĩnh vực then chốt khác. Lực lượng hải quân Mỹ, nhất là tàu ngầm, bị xem là quá mỏng. Các chuyên gia Mỹ đề xuất kế hoạch đóng thêm 2 tàu ngầm/năm và tăng cường phối hợp hải quân với các nước đồng minh. (xem bài: Trung Quốc thách thức Mỹ dưới đáy Thái Bình Dương).
Hải quân Ấn Độ cần có 3 tàu sân bay vì Viraat – tàu sân bay duy nhất hiện có đã quá cũ kỹ không thể hoạt động nổi thêm 5 năm nữa. Bức tranh về lực lượng khu trục hạm và tàu hộ tống – lực lượng tác chiến chính trên biển cũng không sáng sủa hơn. Hiện hải quân chỉ có 14 tàu hoạt động và 9 tàu đang được đóng, trong đó 3 tàu do Nga đóng và 6 tàu đang được đóng ở các giai đoạn khác nhau tại xưởng đóng tàu Nazagon (MDL) tại Mumbai. Tình cảnh của lực lượng tàu ngầm diesel còn u ám hơn. Tới năm 2020, tất cả số tàu ngầm đóng trước năm 1990 cần phải loại bỏ, khiến lực lượng tàu ngầm loại này trong hải quân còn lại vỏn vẹn 4 chiếc.
Để khắc phục tình thế hiện nay, Ấn Độ có kế hoạch đặt hàng đóng tiếp ngay một tàu ngầm hạt nhân tương tự Arihant và một tàu sân bay loại Vikran. Ngoài ra, thay đổi kế hoạch đóng 6 tàu hộ tống bằng cách rút bớt số lượng đóng tại hai nhà máy MDL hoặc GRSE (giao cho mỗi nhà máy đóng 2 thay vì 3 chiếc như kế hoạch), 2 chiếc còn lại đặt nhà máy nào đó của nước ngoài có khả năng nhanh chóng thực hiện đơn đặt hàng. Hải quân Ấn Độ đang tính toán đặt hàng đóng thêm 6 tàu ngầm động cơ diesel./.
Linh Hương (theo các báo nước ngoài)
Nguồn: toquoc.gov.vn