Hôm nay, Bauxite Việt Nam cho đăng hai bài (một bài dài, vốn đã đăng 2 kỳ trên một tờ báo mạng có tiếng tăm, và một bài ngắn đăng trên một blog cá nhân ít tiếng tăm hơn nhiều) ấy thế nhưng hai bài với hai đề tài khác nhau hoàn toàn, lại cùng gợi ra một ý tưởng về Minh triết.
Nói cho đúng ra thì, một trong hai bài báo này còn có cái tít đụng chạm thẳng thừng như sau − “Minh triết Việt trong sự tích Ông Táo“. Chính cái tít đó đã gợi ý cho BBT những điều đổi trao phản biện với bà con độc giả trang Bauxite Việt Nam. Và may sao, “buồn ngủ gặp chiếu manh” − Minh triết dạy thế ! − lại bắt gặp một bài chỉ cho ta thêm một phương pháp “minh triết” cho thời hiện đại, đó là bài “Trình độ học vấn của Bộ trưởng Việt Nam, Mĩ và Úc“.
Tại sao hai bài xa nhau đến thế cả về đề tài lẫn chủ đề, khác nhau cả về tác giả nữa, mà lại cùng có khả năng đụng chạm tới chủ đề Minh triết, đó chính là điều BVN sẽ phải dài dòng lý sự ngay liền đây.
Trước hết ta cần đến một định nghĩa “Minh triết là gì?” Về điểm này, các nhà khởi xướng đề tài “Minh triết”, thậm chí “Minh triết Việt”, cũng chưa đi đến một ý kiến dứt khoát. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có lúc còn nói đùa, “Minh triết” là vấn đề hết sức quan trọng, vì … cho tới nay vẫn chưa định nghĩa nổi nó!
Nhưng rồi vị giáo sư đáng yêu vẫn phải đi tìm cho được một định nghĩa. Nói chung nhất về nó, ấy là cái “đạo lý đời thường” (học chuyền tay nhau qua trải nghiệm) đối lập với “đạo lý thánh hiền” (học qua sách vở). Đó là cái “triết lý dân gian” (dùng kinh nghiệm, cảm tính) đối lập lại với “triết học” bác học đòi hỏi những thao tác tư duy cao hơn cái trực giác của con người bình thường. Để tạm đi tới một định nghĩa đầy đủ hơn, Hoàng Ngọc Hiến đem đối lập “Minh triết” với “trí khôn”, “trí tuệ”, “tri thức”, để có “cái Khôn Sáng“. Với cái “khôn ngoan” đó, nói như Wittgenstein, triết gia Anh gốc Áo (1889-1951), “Minh triết giống như tro xám, nguội lạnh, phủ lên than hồng”.
Xin bạn đọc hãy lần theo bài viết về Ông Táo và những phân tích của tác giả để lần dò ra manh mối “Minh triết Việt” qua câu chuyện thương cảm mà lại vui vui đó.
Sau đó, xin bạn hãy đọc tiếp bài phân tích về sự khác nhau giữa các Bộ trưởng trong nội các Việt Nam so với nội các Hoa Kỳ và nội các Úc. Cái “Minh triết” lạnh lùng, dửng dưng trong bài viết này đã được một lớp tro xám khác phủ lên: lớp tro xám của phân tích thực chứng với những con số thống kê cũng lạnh lùng song vẫn trói chặt được một thực tại, không cho nó chuội đi đâu hết.
Dĩ nhiên, bên dưới lớp tro xám đó, cũng vẫn là than hồng, mà tác giả nhường cho bạn đọc tự tìm ra trong đống than hừng hực cháy đó những kết luận “minh triết” của riêng mình.
Trang BVN xin rụt rè phát biểu thêm thế này: đã có Minh triết rồi, thế là quý hóa quá đi mất rồi, nhưng nếu có thêm lập luận, lại kèm theo những con số thực chứng nữa, thì chắc là càng tốt hơn thứ Minh triết trống trơn. Chẳng biết các nhà nghiên cứu Minh triết Việt có đồng tình không.
Cũng xin báo một tin vui: ngày mai Bauxite Việt Nam sẽ quay trở lại với đề tài bảo vệ chủ quyền đất nước và kính mời bạn đọc đón xem bài viết nóng hổi của hai vị tướng: Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh viết dành riêng cho độc giả quen thuộc của BVN.
Bauxite Việt Nam