Dù vấn đề bauxite không có trong nghị trình của kỳ họp lần này, nhưng nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) vẫn bày tỏ sự lo ngại về mối nguy bùn đỏ, sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary.
Thậm chí, có ĐB ngay trước kỳ họp đã gửi thư cho Chủ tịch QH nói về vấn đề bauxite.
Người gửi thư cho Chủ tịch QH là ĐB Dương Trung Quốc (ảnh). Trao đổi với PV Thanh Niên bên hành lang kỳ họp sáng 21.10, ông Quốc bày tỏ sự đáng tiếc khi không thấy QH hay Chính phủ đề cập đến vấn đề bauxite trong chương trình nghị sự của kỳ họp.
“Ngày 15.10 vừa qua, tôi có gửi thư cho Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, trong đó có nêu vấn đề bauxite Tây Nguyên. Trong thư tôi nói trước hết là tôi có đọc thư của ông Nguyễn Trung gửi QH và tôi thấy đây là một văn bản rất có tính trách nhiệm, đề nghị QH nên có một thái độ trân trọng. Cho dù Bộ Công thương đã tiến hành giám sát nhưng QH vẫn phải thực hiện quyền giám sát tối cao của mình. Tối 19.10, tôi có nhận được văn bản của anh Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng – PV) ký, nói Chủ tịch QH đã nhận thư của tôi và chỉ đạo anh trả lời một số vấn đề. Nhưng rất tiếc là đến lúc ra QH, không thấy ai nhắc gì cả, kể cả trong báo cáo của Chính phủ. Chắc là khi đóng góp ý kiến về kinh tế – xã hội, tôi sẽ có ý kiến về việc này”, ông Quốc nói.
* Ông dự định sẽ phát biểu như thế nào về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên?
– Tôi sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo rõ với QH vì một báo cáo kinh tế – xã hội phải luôn phản ánh đầy đủ vấn đề nóng hiện nay, ít nhất để an dân, bên cạnh những vấn đề chung. Tôi rất tiếc là báo cáo Chính phủ không hề đề cập tới.
* Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, cá nhân ông có lo ngại gì về các dự án (DA) khai thác bauxite ở Tây Nguyên hiện nay?
– Tôi rất lo. Vì ta biết Hungary là một nước có truyền thống về làm nhôm. Đương nhiên ta cũng hiểu sự cố ấy là rủi ro. Những rủi ro ấy, nhất là ở nước ta, nơi vẫn chưa có truyền thống quản lý chặt chẽ thì lại càng đáng lo.
* Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, đã có quốc gia trên thế giới quyết định từ chối DA khai thác bauxite để bảo vệ môi trường sinh thái. Vì lo ngại sự cố bùn đỏ xảy ra ở DA khai thác bauxite tại VN, một số nhân sĩ, trí thức đã kiến nghị xem xét lại các DA này. Ông nghĩ sao trước những kiến nghị đó?
– Tôi nghĩ trước khi dừng lại hay tiếp tục DA, phải có luận chứng khoa học. Chính phủ giải trình và QH góp ý kiến. Nếu cảm thấy sự giải trình của Chính phủ làm cho mọi người yên tâm thì có thể tiếp tục, còn nếu không thì chúng ta nên thảo luận một cách hết sức minh bạch, nhất là cho người dân được nghe. Vì rõ ràng hậu quả bao giờ người dân cũng phải chịu đầu tiên.
* Trong thư gửi Chủ tịch QH, ông có đề nghị nên giám sát DA bauxite từ kỳ họp này không?
– Tôi đề nghị giám sát ngay tại kỳ họp này. Tất nhiên, giám sát phải là một quá trình, nhưng ít nhất tại kỳ họp này QH phải chất vấn Chính phủ, yêu cầu Chính phủ trình bày trước QH rằng đứng trước dư luận như thế, Chính phủ có cam kết như thế nào? Đây là trách nhiệm lâu dài chứ không phải trách nhiệm của một nhiệm kỳ.
* Vậy theo ông phải nhìn nhận như thế nào trong trường hợp những quyết định của nhiệm kỳ trước chưa đúng hoặc chưa hợp lòng dân, để lại hậu quả về sau nhưng thường không bị xem xét trách nhiệm?
– Đó cũng là vấn đề tôi đã nêu lên nhiều lần tại các kỳ họp trước, đó là việc bấm nút vô nhân sinh. Cho nên người ta chỉ biết một con số QH đồng ý hay không đồng ý, không ai biết là cá nhân nào, và điều đó làm mất đi khả năng giám sát của cử tri và nhân dân với ĐB do mình bầu chọn. Bởi vì QH ở các nước người ta coi đấy là quan trọng nhất. Cái việc anh biểu quyết như thế nào thể hiện người dân có đồng thuận hay không để quyết định có bầu người đó tiếp tục hay không. Tôi sang bên Anh, đến bây giờ mấy trăm năm họ vẫn giữ tập quán là người bỏ phiếu thuận ra cửa này, bỏ phiếu chống ra cửa kia. ĐBQH cũng cần ký vào biên bản, để công khai ở hành lang QH, bất kỳ người dân nào cũng có thể kiểm tra được chuyện của cả vài trăm năm trước. Người bấm nút thì phải chịu trách nhiệm và cử tri có ủng hộ hay không là ở sự bấm nút ấy, phát biểu ý kiến ấy.
Trích thư ĐB Dương Trung Quốc gửi Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ngày 15.10.2010:
“Vấn đề khai thác bauxite và xây dựng công nghiệp luyện nhôm ở Tây Nguyên. Đây là vấn đề đã gây dư luận xã hội kéo dài. QH cũng đã từng thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau. Cho dù Nhà nước vẫn chủ trương triển khai DA này nhưng việc giám sát của QH phải là việc thường xuyên.
…Tôi đề nghị tại kỳ họp này Chủ tịch cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân; các ủy ban của QH có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của QH, vừa góp phần an dân, một điều hết sức cần thiết trong hoàn cảnh đất nước hiện nay”.
Trích văn bản trả lời của Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng ngày 19.10.2010:
“Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã nhận được thư với những ý kiến tâm huyết của quý đại biểu. Theo chỉ đạo của Chủ tịch QH, VPQH xin phép được trả lời mấy ý kiến mà quý đại biểu đã nêu lên:
Trước hết, về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, quý đại biểu đã rất đúng khi cho rằng QH cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, nhất là sau sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary. Thời gian vừa qua, các cơ quan của QH, cụ thể là Ủy ban KH-CN-MT của QH đã đi khảo sát, giám sát nhiều lần tại Tây Nguyên và đã đưa ra nhiều kiến nghị, nhiều yêu cầu tới Chính phủ, các cơ quan hữu quan. Theo đại diện của Thường trực Ủy ban, tới đây, nhất là sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát nhằm không để xảy ra sự cố tương tự ở VN…”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Nghiêm Vũ Khải: Lo nhất là mưa lớn
Địa chất Tây Nguyên khá bền vững nhưng không ai có thể khẳng định là không xảy ra động đất. Bùn đỏ tồn tại rất lâu. Để nó khô thành bụi thì cũng độc hại, tràn cũng độc hại nên chọn vị trí là rất quan trọng. Điều tôi thấy lo ngại nhất là mưa lớn, còn khả năng động đất thì thấp. Việc giám sát DA bauxite ở Tây Nguyên đã nằm trong kế hoạch của Ủy ban KH-CN-MT. Chúng tôi dự kiến đi giám sát trong kỳ họp này và cũng phải phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương.
Ủy viên Ủy ban KH-CN-MT Nguyễn Đình Xuân: Cần lắng nghe ý kiến phản biện
Tôi nghĩ khai thác bauxite ở Tây Nguyên có 2 vấn đề rất cần quan tâm khi mình chứa bùn đỏ ở thung lũng. Thứ nhất là nguy cơ xảy ra động đất, phải nghiên cứu xem có khả năng xảy ra động đất trên cấp 7 hay không vì TKV bảo rằng nếu xảy ra động đất trên cấp 7 sẽ không chịu được. Trong trường hợp xảy ra động đất trên cấp 7 thì giải pháp ứng phó ra sao. Thứ hai là nếu xảy ra những trận mưa lớn trên 1.000 mm như vừa rồi ở Nam Bộ, khiến bùn có thể tràn thì sẽ đối phó như thế nào.
Cho tới giờ phút này, tôi chưa nghe được báo cáo đảm bảo an toàn khi xảy ra các nguy cơ nói trên. Ở đây cần những phản biện của các chuyên gia chuyên ngành. Có thể mời một cơ quan thẩm định độc lập về vấn đề này, ví như Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN chẳng hạn. Ý kiến phản biện là hết sức quan trọng. Khi có kết quả thẩm định độc lập, nếu có đủ luận cứ, luận chứng khoa học, QH và Chính phủ cần lắng nghe để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
Nguyệt Minh (ghi)
Bản kiến nghị dừng việc khai thác bauxite
Trước khi ĐBQH Dương Trung Quốc gửi thư kiến nghị về dự án bauxite, nhiều trí thức, nhà khoa học đã tham gia ký tên vào Bản kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Một trong những người tham gia ký bản kiến nghị đó là nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Bình khẳng định từ trước tới nay bà vẫn giữ quan điểm cần nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Cũng tham gia ký tên vào bản kiến nghị trên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết bản kiến nghị nêu ra 5 yêu cầu chính, như quyết định ngưng ngay việc xây dựng Nhà máy Tân Rai ở Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý; tạm hủy DA đang đàm phán với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắk Nông; tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng DA hiện thời về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách khoa học; lập nhóm nghiên cứu độc lập với những nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín, các nhà hoạt động xã hội độc lập nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bauxite Tây Nguyên và cuối cùng là những kết quả nghiên cứu này cần được trình bày trước QH và đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân.
Theo ông Võ, các nước lớn hiện nay có chính sách đóng cửa khai thác tài nguyên trong nước, đi mua tài nguyên thô của các nước nghèo. “Nhưng VN đã thoát khỏi nước nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình. Chúng ta không nhất thiết phải bán quặng thô”, ông Võ nhìn nhận.
Mai Hà
B. C.
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201043/20101022005855.aspx