(TNO) Cơn lũ lịch sử tràn qua các tỉnh miền Trung đã để lại những hậu quả thảm khốc về người và tài sản. Cùng với đoàn cứu trợ của Công ty Bia Huế, chúng tôi đã có mặt tại nơi lũ vừa quét qua ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Đã hơn sáu ngày sau cơn lũ, ngày 8.10, trên dọc tuyến đường của các huyện Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh) và Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch (Quảng Bình)…, nước lũ vẫn còn chưa rút hết.
Gồng mình chống chọi với cơn lũ suốt những ngày qua, người dân xã Sơn Mai (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) chừng như đã cạn sức.
45 hộ dân được xã chọn để nhận quà của chúng tôi là những hộ neo đơn, bị lũ ngâm và chia cắt trong nhiều ngày, lương thực dự trữ cạn kiệt.
Cụ bà Thái Thị Hiên (86 tuổi) nhận được món quà 10kg gạo, một thùng mì tôm, bình nước uống và một chai dầu ăn, tay run run mừng rỡ.
“Mấy ngày ni nói thiệt với mấy chú là đến mì tôm của xã phát, một gói cũng phải chia ra để ăn cho được nhiều bữa. Thấy nước rút chậm, con cái đứa mô cũng nghèo nên chẳng giúp được gì. Nay có được số gạo ni, một mình tui cũng sống được gần 20 ngày”, bà Hiên nói.
Chủ tịch UBND xã Sơn Mai, Trần Thanh Nga, cho biết: “Đến sáng 8.10, trong địa bàn xã vẫn có hai xóm với gần 200 hộ dân còn bị chia cắt. Toàn bộ hoa màu, cây ăn quả sản xuất vụ hè thu xem như mất trắng. Chúng tôi đang lo giáp Tết này, dân thiếu đói là không tránh khỏi”.
Cùng với Sơn Mai, xã Sơn Long (H.Hương Sơn) cũng khó khăn không kém. Dù đã chủ động từ trước, nhưng do cơn lũ lên nhanh, gây cô lập và chia cắt, giao thông tê liệt nên hậu quả để lại vô cùng nặng nề.
Toàn xã có hơn 350 hộ bị cô lập, chia cắt trong nhiều ngày, sức chống chọi của người dân cũng có hạn nên hiện tại họ vô cùng khó khăn. Cơn lũ đi qua đã để lại khắp những thôn xóm cảnh xác xơ. Nhà cửa tài sản trôi ướt, lúa gạo dự trữ ẩm mốc.
Cùng với đó, hệ thống đê điều, thủy lợi giao thông bị tàn phá… Công sức gầy dựng bao nhiêu năm của cả chính quyền và nhân dân địa phương sau một trận lũ giờ đây chỉ còn lại cảnh tiêu điều, xơ xác.
Ở xã Sơn Phúc, câu chuyện về cái chết thương tâm của hai cháu bé Bùi Thị Linh (5 tuổi) và Bùi Sĩ Nguyên (4 tuổi) trong cơn lũ làm chúng tôi thắt lòng.
Bố hai cháu vì cảnh nghèo phải đi làm thuê tận Quảng Ninh (Quảng Bình). Khi cơn lũ lên cao, mẹ cháu đi bứt cỏ cho bò vừa tức tốc lội lũ trở về đầu ngõ. Thấy mẹ hai cháu mừng quá chạy ào ra sân và sa xuống một hố sâu. Thấy con rơi xuống nước nhưng người mẹ cũng bì bõm dưới nước lũ không tài nào đến kịp. Hai cháu đã chết trong tức tưởi.
Tại xã Hương Thủy (H.Hương Khê), cái chết của cô giáo mầm non Trần Thị Hoa làm cả đoàn đẫm nước mắt. Cô Hoa là giáo viên của trường Mầm non Hương Thủy, là đảng viên gương mẫu của địa phương.
Khi cơn lũ đột ngột lên cao, khoảng 7 giờ ngày 3.10, do nóng lòng sợ sách vở, trang thiết bị dạy học mới được cấp phát bị ướt, hư hỏng, cô Hoa đã thuyết phục chồng và người anh trai lội qua cánh đồng để đến trường cứu tài sản.
Khi cả ba đang băng lũ thì bị cuốn mạnh. Hai người đàn ông có sức đã kịp bám vào cành cây sống sót, riêng cô Hoa bị cơn lũ nhấn chìm. Dù không có trong kế hoạch cứu trợ, nhưng khi hay tin về cái chết của cô, chúng tôi cũng đã băng đồng trong cảnh nước lũ vẫn còn ngập sâu hơn 0,5m để đến nhà thắp nén nhang cho cô giáo trẻ.
Suốt năm ngày rồi mà cháu Nguyễn Thị Thúy Hằng (13 tuổi, học sinh lớp 8) và cháu Nguyễn Thị Thúy Ngân (3 tuổi) vẫn chưa tin rằng mẹ mình đã chết.
Riêng cháu Ngân cứ dúi đầu vào bụng người cô ruột, tránh ánh mắt nhìn thương cảm của chúng tôi, nhưng nước mắt cứ chảy dài. Nhìn đứa bé 3 tuổi khóc đòi người lớn trả mẹ về không ai cầm được nước mắt.
Cùng với nỗi đau mất mát người thân, những hộ dân bị lũ cuốn trôi sạch nhà cửa, tài sản chừng như cũng nặng nề không kém.
Ông Nguyễn Văn Minh (47 tuổi) ở thôn Yên Tố, xã Phong Hóa (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) mấy ngày nay cứ đi quanh quẩn dọc triền sông, nhặt từng chiếc kèo, chiếc cột còn sót lại sau cơn lũ.
Ngôi nhà gỗ kiên cố mà hai vợ chồng gom góp dành dụm bao nhiêu năm dựng xây, giờ trôi sạch chỉ còn trơ lại chân móng. Vợ anh, chị Mai Thị Hoa thì thẫn thờ mấy ngày nay chẳng thiết ăn uống gì.
Đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi) nhà đối diện cũng chịu cảnh tương tự. Con nước lũ hợp lưu giữa hai dòng sông Gianh và sông Trổ (từ Hà Tĩnh đổ về) hung dữ càn quét qua thôn cuốn phăng đi mọi công sức dành dụm của người dân.
Bằng tấm lòng của cán bộ, công nhân viên trong toàn Công ty Bia Huế, chúng tôi theo mang theo 400 phần quà, nhưng càng đi qua các vùng lũ chúng tôi càng cảm thấy số quà ấy quá bé nhỏ trước khó khăn chất chồng mà người dân vùng lũ đang phải gánh chịu.
B. N. L.
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201041/20101009160357.aspx