Một chuyên gia vừa gửi thư cho Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, bày tỏ lo ngại về sự tụt hậu của hệ thống đường sắt hiện nay.
Tiến sĩ Trần Đình Bá từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng tình hình xuống cấp rất nghiêm trọng và đang đe dọa tính mạng của người dân qua các tai nạn lật tàu.
Trả lời đài BBC ngày hôm nay, ông Bá nhận xét nguyên nhân chính là sự thiếu quan tâm của chính những người làm trong ngành.
Trần Đình Bá: Phải nói rằng tình hình đường sắt Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng. Nó xuống cấp rất nghiêm trọng và đã đe dọa đến tính mạng của nhân dân, tính mạng của hành khách bằng những vụ lật tàu rất nghiêm trọng.
Thực trạng đường sắt Việt Nam hiện nay đang đối mặt với yếu tố phá sản bởi phần tỷ phần vận tải đường sắt chỉ còn 7% vận tải hành khách, thấp nhất trong tất cả các loại hình vận tải đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường sông.
BBC: Nếu tình hình nghiêm trọng như vậy, nguyên nhân chủ yếu là vì đâu?
Nguyên nhân chính là do nội tại. Các nhà khoa học, kỹ thuật Việt Nam thiếu quan tâm đến vấn đề hiện đại đường sắt. Việt Nam hiện nay có hàng chục trường đại học, hàng chục viện nghiên cứu về cầu đường, về giao thông vận tải, về xây dựng. Rất nhiều tiến sĩ giỏi được đào tạo từ nước ngoài về và ở trong nước. Thế nhưng mà chưa có một luận án tiến sĩ nào để đưa đến chuyện đề xuất mở rộng kỹ thuật đường sắt.
Nó xuống cấp rất nghiêm trọng và đã đe dọa đến tính mạng của nhân dân, tính mạng của hành khách bằng những vụ lật tàu rất nghiêm trọng.
Trần Đình Bá
Chưa có tiến sĩ nào quan tâm đến vấn đề mở rộng và hiện đại đường sắt. Chỉ có những ý tưởng gia cố đường sắt manh mún. Không có quan điểm, quan tâm lớn đến tầm chiến lược của vấn đề mở rộng cả toàn bộ hệ thống đường sắt theo tiêu chuẩn quốc tế.
BBC: Trong lá thư ông gửi cho Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam, ông có nói đến hiện tượng Việt Nam có khoảng 300 tiến sĩ làm luận án về đường sắt, nhưng lại phải nhờ đến nước ngoài. Sự tư vấn giúp đỡ của nước ngoài có giúp giải quyết vấn đề không?
Tư vấn nước ngoài sẽ không giúp được giải quyết vấn đề gì cả. Không ai hiểu đường sắt Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Những nhà kỹ thuật Việt Nam sử dụng đường sắt Việt Nam và những người Việt Nam hiểu điều kiện thời tiết, khí hậu địa hình… Chỉ có người Việt Nam nghiên cứu hệ thống đường sắt của mình.
Hàng trăm tiến sĩ kỹ thuật Việt Nam đủ sức để làm việc đó. Thế nhưng do cơ chế về quản lý khoa học kỹ thuật và khuyến khích sáng tạo trong khoa học kỹ thuật hạn chế nhất là ban lãnh đạo của Công ty Đường sắt Việt Nam không quan tâm đến phát triển hệ thống đường sắt.
BBC: Gần đây, khi nói đến đường sắt, người ta nói nhiều đến ý tưởng làm đường sắt cao tốc tại Việt Nam. Đây có phải giải pháp cho vấn đề trên không?
Đường sắt cao tốc của Việt Nam, sau khi đưa ra ý tưởng đó, và thông qua Quốc hội thì Quốc hội đã bác dự án đường sắt cao tốc. Bởi vì loại đường tàu này không chở được hàng hóa. Chỉ chở được hành khách. Và nó tốn kém cho nên nó không hợp với điều kiện kinh tế của người Việt Nam.
Nhất là một tuyến đường dài dằng dặt 1570 km như thế. Người Việt Nam sẽ không kham nổi về vốn đầu tư và sẽ không quản lý nổi kỹ thuật, không điều hành nổi kỹ thuật đường sắt dài đến như thế. Cho nên Quốc hội đã bác dự án đường sắt cao tốc. Và tôi cho rằng bác dự án đường sắt cao tốc là sự sáng suốt của Quốc hội, để tập trung sức lực để mở rộng và hiện đại đường sắt.
BBC: Có thể sắp tới chính phủ Việt Nam sẽ làm một số tuyến đường ngắn, thưa ông.
Họ nghĩ ra những tuyến đường ngắn, nhưng thực chất từ năm 2006 đến nay nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến nghiên cứu hai tuyến đường sắt ngắn Vinh – Hà Nội, TP. HCM – Nha Trang, nhưng đều thất bại.
Đó là hai nhóm nghiên cứu của Hàn Quốc, họ đều thất bại vì Vinh và Nha Trang là hai thành phố dưới một triệu dân, không đủ lượng hành khách để vận hành.
Như thế là hai nhóm nghiên cứu của Hàn Quốc đã thất bại thì làm sao mà một nhóm nghiên cứu của Nhật Bản có thể thành công trong tuyến đường sắt TP. HCM – Nha Trang, Hà Nội – Vinh được? Đấy là điều viển vông.
BBC: Xin hỏi ông một câu mang tính cá nhân, bây giờ ông có đi đường sắt không ạ?
Tôi vẫn đi đường sắt. Tôi rất yêu đường sắt. Nhưng hết sức nguy hiểm. Nguy cơ là rất cao. Cho nên tôi thường chọn phương án đi bằng máy bay, mặc dù máy bay đắt hơn.
Nếu ngành đường sắt không đổi mới, không hiện đại đường sắt thì ngành đường sắt sẽ thua thiệt và đường sắt Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/09/100923_tran_dinh_ba_train_iv.shtml