Có khoảng 10 tờ báo đã chạy trên trang nhất sự kiện Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo “thị sát” con đường đau khổ nhất Thủ đô. Người dân có vẻ quan tâm đến việc ông nói gì, quyết gì – dù ông thực ra đã chẳng nói gì, đã chẳng quyết gì như nhiều tờ đã ca ngợi ông “nghe và quyết ngay tại chỗ”.
Thực ra là một sự hiếu kỳ không hơn không kém đối với sự xuất hiện của ngài Chủ tịch ở thực địa, đối với cuộc nói chuyện kiểu “dăm câu ba điều vài lời hứa hẹn” của ông với dân chúng. Bởi những chuyến vi hành, bởi cuộc đối thoại ngắn đến không thể ngắn hơn giữa vòng vây những quan chức địa phương và công an mặc sắc phục giờ đã lạ, đã hiếm, đã thiếu đến mức bản thân sự xuất hiện, bản thân những chuyến vi hành giữa ban ngày giờ đã là một sự kiện rồi.
Chủ tịch mặc sơ mi trắng, không đeo cà vạt, không khoác complet và mặt đo đỏ, chắc là do khói bụi và sự nóng bức chứ không phải do ông vừa làm vài chén. Ông đứng chống nạnh, mắt nhìn theo ngón tay trỏ của một ai đó giữa những lầm bụi, lổn nhổn, ngoằn ngoèo của con đường huyết mạch phía tây Thủ đô. Chỉ tiếc là không nhà báo nào được chụp được ảnh ông giơ tay bịt và sau đó… phun khí ra đằng mũi trong một hành vi đã trở nên quá phổ biến ở thủ đô mà dân chúng vẫn thường gọi là: hắt xì hơi.
Đây là một đoạn rất “vì dân” đã được đăng báo: Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, việc kiểm tra tiến độ đường 32 nhằm tìm ra giải pháp thi công nhanh nhất để người dân đỡ khổ. … Chủ tịch thành phố lập tức yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư trả lời. Theo ông Thư, huyện đã hoàn thành hạ tầng của khu tái định cư rộng 8 ha. “Chúng tôi đã cho hơn 500 hộ gắp thăm và giao đất thực tế cho hơn 50 hộ, từ nay đến 20/9 sẽ bố trí bàn giao tiếp. Còn tiền đền bù đã trả cho hơn 1.000 hộ”. Vừa nghe câu trả lời của Chủ tịch huyện, người dân lập tức phản đối: “Chúng tôi đã nhận được tiền đâu”. Ông Thư ấp úng: “Tiền đền bù đã trả gần 1.000 hộ, vẫn còn hơn 300 hộ nữa. Những người nói chưa nhận tiền thì cụ thể là ai?”.Anh Phạm Ngọc Thuận đứng cạnh đó liền lên tiếng: “Ba anh em tôi bàn giao mặt bằng đầy đủ, đến giờ vẫn chưa nhận được tiền đền bù, chưa có giấy gọi lên làm việc”. Do Chủ tịch huyện Từ Liêm chưa có câu trả lời nên Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị: “Tất cả vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tôi đề nghị bà con kiến nghị cụ thể, đưa lên huyện và gửi lên thành phố”. “Chúng tôi gửi nhiều lần lên huyện nhưng không được trả lời”, anh Thuận nói. “Vậy thì anh gửi thẳng cho tôi để tôi kiểm tra. Trước hết là giải quyết việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho thỏa đáng và cùng nhau gánh vác để làm cho nhanh. Anh bảo gửi nhiều lần cho huyện không được thì gửi thẳng lên thành phố cho tôi”, Chủ tịch dứt khoát.
Con đường đau khổ đã được khởi động không 5 cũng 7 năm nay. Năm ngoái, nó được đưa lên diễn đàn Quốc hội trong sự kỳ vọng của dân chúng là sẽ được nhanh chóng thoát khỏi khổ nạn. Thế mà đến giờ chuyện đền bù cho dân thế nào, tái định cư ra sao Chủ tịch Thảo nghe cứ lạ như thể nghe chuyện Việt Nam đóng tàu sân bay. Thế hóa ra, trước nay ông toàn chỉ đạo trên giấy, dựa cũng toàn vào những thông tin trên giấy? Mà từ 79 Đinh Tiên Hoàng xuống đến đường 32 nào có xa xôi gì cho cam.
Là một công dân Thủ đô, nhà có bằng “gia đình văn hóa”, tại hạ không thể nhớ nổi trước chuyến vi hành của Chủ tịch Thảo thì những thảo dân như tại hạ đã có cơ hội nào để được nhìn tận mặt, chứ không phải qua truyền hình, báo chí, những vị quan chức Thủ đô, chứ đừng nói tới việc được lắp bắp dăm câu ba điều. Nhưng nghĩ lại thì thấy cũng đâu có gì đảm bảo ngay sau khi chui lên xe hơi máy lạnh ngài Chủ tịch sẽ thề, tất nhiên là thề thầm, thề trong lòng, không bao giờ quay lại con đường đau khổ một lần nữa cũng như quên béng lời hứa với nhân dân!
Với tư cách là một công dân khốn khổ của thủ đô, tại hạ rất muốn hỏi ngài Chủ tịch chỉ một câu hỏi, và câu hỏi cũng chỉ hai từ: “Bao giờ?”. Thưa ngài Chủ tịch, ngày 14-8 năm ngoái, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã hứa chỉ 6 tháng sẽ hoàn thành con đường nếu Hà Nội có mặt bằng sạch. Không phải 6, mà 13 tháng sau, ngài Chủ tịch mới đi thị sát, nhưng cũng chỉ để giải quyết vấn đề “mặt bằng sạch”, vậy thì đến bao giờ dân chúng mới có một con đường, đúng nghĩa con đường để đi?
Dân chúng rất cảm ơn ngài chủ tịch đã dành tới 30 phút vàng ngọc để xuống tới con đường đau khổ. Nhưng rõ ràng, dân chúng chờ đợi nhiều hơn là những chuyến vi hành nom có vẻ gần dân. Họ hy vọng nhiều hơn là những cái chém tay, những lời hứa hẹn của các vị trên truyền hình. Dân chờ đợi những chuyến vi hành của các vị để họ được hân hạnh gặp các quan chức hàng đầu của TP lấy một lần trong đời, để “nói lấy được” dù chỉ dăm câu bày tỏ sự khốn khổ, nhưng rồi có ngày họ sẽ nói với ngài rằng: Cách đây xxx năm, trong chuyến vi hành của ngài, Chủ tịch đã “nghe và quyết ngay tại chỗ” câu chuyện con đường. Nhưng giờ thì ngài thấy đấy…
Tiếc là trong chuyến vi hành vừa rồi, ngài không rủ theo ông bạn Hồ Nghĩa Dũng để dân chúng được nhắc lại: Vâng, Bộ trưởng đã hứa. Nhưng đấy, giờ thì ngài thấy đấy…