Ý tưởng của ông Nguyễn Quang A đã được BVN lên tiếng trước ông hai ngày và nói trực diện chứ không bóng gió (xin xem https://boxitvn.online/bai/10482). Ấy thế mà một lời bóng gió của ông vẫn bị cắt gọt. Vì thế, BVN xin đăng lại toàn văn để tiếp tục khơi động dư luận về những việc có thể nói là lộng hành không phanh trong giới quan chức cầm quyền, nhưng quan trọng hơn, để lên tiếng cảnh báo trước toàn dân tộc về một thói tệ đã trở thành hiểm họa: thói cúi đầu nhắm mắt làm ngơ cho cái xấu cái tồi tệ cứ tha hồ làm mưa làm gió đến nỗi không còn đâu là giới hạn. Hãy nhìn lại một chút mà xem: thời các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… có ai cài cắm con cháu mình vào chức này chức khác hay không? Còn cụ Hồ thì người Việt chúng ta dám nói quyết cụ không bao giờ có cái thứ con cháu vô phúc, những “Lông” này, “Tử” kia nhận bừa là có dây mơ rễ má với cụ để ăn phần đâu. Kẻ nào nhận như thế đáng đưa ra tòa án vì làm bẩn tên tuổi cụ đấy.
Bauxite Việt Nam
Vụ con gái Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Hàn Quốc, Yu Myung-hwan, được tuyển vào làm việc tại Bộ, đã khiến ông Bộ trưởng phải chính thức xin lỗi và sau đó một ngày, 4-9-2010, đã phải đệ đơn từ chức, dù người ta cho rằng con gái ông đủ năng lực và quá trình tuyển chọn là công khai, minh bạch.
Hàn Quốc và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của văn hóa và các tập quán cổ xưa khá giống nhau. Và nếp nghĩ “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa” chắc cũng ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Thế mà, sau năm – sáu mươi năm phát triển và hội nhập với thế giới người Hàn Quốc đã có rất nhiều thay đổi, từ nếp nghĩ của người dân đến các quan chức. Hiện tượng kể trên và nhiều vụ từ chức khác của các quan chức cấp cao ở Hàn Quốc là những minh chứng cho sự thay đổi và hội nhập đó.
Cũng trong thời gian ấy, chúng ta tự hào đi tiên phong trong một trào lưu tự nhận là nhân bản nhất. Thế nhưng sự thay đổi tư duy chắc chưa được bao nhiêu. Riêng tàn dư của văn hóa và các tập quán “phong kiến” vẫn còn đầy dẫy, kể cả (và có lẽ nhất là) các quan chức có trọng trách cao nhất. Hãy thử đếm xem có bao nhiêu vị Thứ, Bộ trưởng đương thời hay tự nhận là “con cháu các cụ”. Họ đã được cha anh “sắp xếp” từ ngày đầu tiên. “Hệ thống” thậm chí khuyến khích việc đó. Người ta bàn tán rằng khoảng ba chục “con cháu các cụ” sẽ được chọn vào số khoảng 150 người quyền lực nhất đất nước bốn – năm tháng nữa. Có việc sắp xếp quá lộ liễu nhưng người ta vẫn ngang nhiên làm, và đáng trách là chẳng ai lên tiếng. Nói chi đến việc của mấy ông nho nhỏ như cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại hay ông cựu Chủ tịch Vinashin khi bổ nhiệm con mình.
Việc người nhà của các quan chức có thể có điều kiện hơn để phát huy “truyền thống” gia đình là chuyện dễ hiểu, nhưng chỉ khi có cạnh tranh chính trị thì mới có thể lựa chọn ra những người thực sự xứng đáng. Đáng tiếc “con cháu các cụ” chẳng cần cạnh tranh, nên khó có thể trở thành lãnh đạo giỏi.
Không có sự phẫn nộ của dư luận, không có sự cạnh tranh chính trị, thì chắc ông Bộ trưởng Hàn Quốc cũng chẳng phải từ chức. Hãy chỉ nghĩ đến tình hình đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên thì rõ.
Đáng tiếc các điều kiện về dư luận, dân trí và cạnh tranh như ở Hàn Quốc chưa có ở Việt Nam. Muốn thế người dân phải tạo ra hay cố đòi cho được.
NQA
Bài này đã đăng trên bee.net nhưng đây là bản nguyên vẹn do tác giả gửi trực tiếp cho BVN.