Trong cuộc họp báo đầu năm học, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện nay có 119 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tập trung ở 43 trường đại học. Từ đầu năm 2010, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần yêu cầu các trường báo cáo về tình hình liên kết đào tạo với nước ngoài, thậm chí gia hạn đến hai lần, nhưng chỉ có 31 trường báo cáo, trong số những trường không gửi báo cáo về Bộ, có cả những trường đại học lớn. Cũng theo ông Vang, nhiều trường đào tạo chui không xin phép khiến cho người học bị mất quyền lợi. Một số chương trình có dấu hiệu vi phạm quy định của Nhà nước, nhiều đối tác trung gian, đặc biệt là các trường đóng tại Singapore, Hongkong… tham gia liên kết để trục lợi. Đánh giá trên thật đáng báo động nhưng nó chỉ là phần nổi của tảng băng. Thực chất cái gọi là liên kết đào tạo với nước ngoài nhiều năm qua đã tạo ra cơn lũ mua bán bằng cấp dỏm, tiêu tốn của đất nước hàng trăm triệu đô la và đẩy nên giáo dục của đất nước vào cảnh vàng thau lẫn lộn.
Có thể kể ra đây những vụ liên kết rất đình đám.
Hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM liên kết với viện UBI (Bỉ), từ năm 2000 tới nay đã cho ra trường hàng ngàn thạc sĩ. Mới đây, UBI lại bán chương trình cho NetAcademy, một công ty cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến ở Malaysia, móc nối với một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam không có chức năng đào tạo lại mang cái tên rất kêu là Viện Quản trị Tài Chính, tổ chức tuyển sinh đào tạo trực tuyến tại 10 tỉnh thành. Nhưng Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, kiểm định chất lượng của Đại học Quốc gia TP. HCM, phát hiện ra rằng UBI không được công nhận tại Bỉ, bằng cấp của UBI không có giá trị. Một học viên đã tốt nghiệp MBA của UBI sang Mỹ du học bằng MBA của UBI được WES (World Education Services) ở New York City đánh giá là “one year of post-secondary study at an institution that does not have regional accreditation”, nghĩa là theo WES, người này sau khi tốt nghiệp phổ thông có đi học ở một cái trường nào đó mà chất lượng chưa ai biết cả (vì không phải là trường được kiểm định) trong khoảng thời gian một năm.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng liên kết với Đại học Irvine (Mỹ) đào tạo tốt nghiệp hơn 300 thạc sĩ và đang tiếp tục đào tạo trên 160 học viên khác. Trong khi đó trường Đại học Irvine chỉ là hai căn phòng trong một cao ốc cho thuê, nhân sự từ Hiệu trưởng đến nhân viên chỉ có vỏn vẹn 5 người. Đại học Irvine không được công nhận ở Mỹ. Trước sự thật sờ sờ như vậy, GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, vẫn tự tin trả lời với báo chí: “Đây là một trường đại học đàng hoàng, có địa chỉ ở California, do một tổ chức đứng ra làm pháp nhân. Tôi thấy buồn cười vì thông tin nói rằng IU là trường dỏm”. Ông Giang hoàn toàn nhầm lẫn ở chỗ là không ai nói trường Đại học Irvine không có thật. Vấn đề là trường này không được công nhận, chất lượng đào tạo kém, bằng cấp không có giá trị. (http://phapluattp.vn/20100804113120807p0c1019/giai-ma-su-that-ve-irvine-university.htm)
Mới đây, báo chí phát hiện thêm Trung tâm Hợp tác Đào tạo Quốc tế của Hội Khuyến học, không có chức năng, không có trường sở lại đi liên kết với trường Columbia Southern University (CSU) của Mỹ đào tạo online trên 2000 thạc sĩ, thu trên 18 triệu USD. Chương trình học online hiện chưa được Bộ cho phép liên kết đào tạo taị Việt Nam và ở Mỹ hệ thống đào tạo này được xem là cách bổ sung kiến thức cho người học, không có giá trị học thuật, bằng cấp của hệ thống này không có giá trị. (http://www.tienphong.vn/Khoa-Giao/511823/Dao-tao-chui–ca-ngan-thac-si.html)
Theo một nguồn tin không chính thức, thì riêng một cơ sở liên kết đào tạo phía Việt Nam mà trụ sở ở ngay tại TP. HCM đã đưa ra thị trường đến 500 tấm bằng kiểu như vậy, gồm 300 thạc sĩ và 200 tiến sĩ (!). Câu hỏi: những thạc sĩ, và nhất là tiến sĩ này, hiện đang làm gì, ở đâu? (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=6&News=3216)
Như vậy, trong khi nhiều trường đại học trong nước bị quản lý, bị soi kỹ tới mức bị dừng tuyển sinh vì ba năm chưa họp HĐQT thì cánh cửa quản lý lại hoàn toàn bỏ ngỏ cho những đại học dỏm của nước ngoài tung hoành.
A. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN