Bài này được viết cách đây đã hai năm. Nhưng những gì xảy ra với Vinashin cho thấy cái mà tác giả gọi là “quả bom nổ chậm” đó, nay đã phát nổ! 86.000 tỷ tan thành mây khói. Nhưng nếu chỉ có thế, đã là phúc: Có gì đảm bảo rằng đó không phải là vụ nổ duy nhất?
Trong ý nghĩa đó, bài viết vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự.
Bauxite Việt Nam
Trên diễn đàn Quốc hội mấy hôm nay vấn đề hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước đang được các đại biểu đặt ra khá gay gắt. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn nói rõ quan điểm “nên dừng thí điểm mô hình tập đoàn”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì tỏ ra “thất vọng về các tập đoàn”! Có thể thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước đang nắm giữ số vốn khổng lồ lên đến hơn 323.208 tỷ đồng, lớn nhất của đất nước. Cả khi vay nợ, các tập đoàn nhà nước cũng có nợ vay, huy động là hơn 448.269 tỷ đồng (bằng 1,4 lần vốn chủ sở hữu) trong đó vay tại các tổ chức tín dụng đến hơn 60% tổng số vốn cho vay trong nước và 70% số nợ vay của nước ngoài. Họ đang làm gì và có cần phải báo động trước hậu quả và tình trạng hoạt động của các tập đoàn này như đang nắm giữ những quả bom nổ chậm, mà khi nổ sức công phá vào nền kinh tế là không lường hết được?
Phương thức quản lý và quan hệ các thành viên trong tập đoàn
Có thể thấy sự hình thành các tập đoàn của nước ta chưa phải xuất phát từ nhu cầu thiết thân là sự phát triển cần thiết cho ngành nghề chính của tập đoàn mà như sự lắp ghép ngẫu hứng hoặc có khi tùy vào lợi ích cục bộ hoặc thời điểm. Ví dụ như Vinashin sẵn sàng nhận Công ty Điện chiếu sáng Đà Nẵng vào làm thành viên tập đoàn, Vinashin có đến 154 công ty con mà rất nhiều công ty trong đó hoạt động trái ngành, trái nghề nhau, không hề có tính hỗ trợ, liên kết nhau. Nhiều tập đoàn như Điện, Than, Dầu khí… cũng tương tự như vậy. Có chuyện kể trong buổi chiêu đãi sau khi đã phong tặng đủ thứ danh hiệu, hai vị Giám đốc ngồi gần nhau mới biết mình là chung một tập đoàn. Có vị Tổng giám đốc trong diễn văn nhắc đến tên các công ty thành viên còn sai và thiếu sót! Vậy thì làm sao có thể tổ chức quản lý và điều hành có hiệu quả trong một tập đoàn kinh tế cần có sự hiểu biết cặn kẽ, cần thiết để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thông vốn tạo sức mạnh v.v. Có thể thấy, đa số các Tổng Công ty, Công ty trong các tập đoàn kinh tế là độc lập tác chiến, không có sự liên thông quản lý ngoài cái tên tập đoàn và thỉnh thoảng là đầu tư vốn cho các công ty con mà sự minh bạch, hiệu quả của việc đầu tư này là rất thấp.
Đẻ ra các tập đoàn nhưng chúng ta chưa hề có mô hình quản lý và thả nổi cho các Chủ tịch tập đoàn, các Tổng giám đốc, Giám đốc các công ty thành viên làm sao được vậy. Trong khi đó những đồng vốn lớn nhất của đất nước lại đang ở trong tay những nhà quản lý thiếu chuyên nghiệp, phiêu lưu và tinh thần trách nhiệm rất thấp này.
Hoạt động tài chính, đầu tư thiếu hệ thống và hiệu quả
Cầm số vốn lớn trong tay, hầu như các tập đoàn đều cho rằng lĩnh vực hoạt động của mình thiếu hiệu quả, hoặc chậm hiệu quả nên để “năng động” là phải tiến lên hoạt động đa ngành, đa nghề, đa sở hữu – đến cuối năm 2007, có 28/70 Tổng công ty Nhà nước (đa số trong các tập đoàn) đã đầu tư vào các ngành nghề như địa ốc, bảo hiểm, ngân hàng với tổng giá trị đầu tư là 23.344 tỷ đồng; đầu tư ra ngoài doanh nghiệp mình theo các hình thức liên doanh liên kết là 116.768 tỷ đồng, chiếm đến gần 40% vốn chủ sở hữu – một tỷ lệ đầu tư, hoạt động tài chính khá là nguy hiểm trong một đơn vị kinh tế. Chính phủ đã cảnh báo và yêu cầu không được đầu tư quá 30% trong hoạt động của các Tổng công ty, thế nhưng làm sao có thể dừng được bằng một vài văn bản. Cần sớm có sự kiểm soát đồng vốn và được chỉ huy đồng vốn nhà nước (cũng là của nhân dân) bằng những biện pháp kinh tế đúng qui luật và bằng kỷ luật nghiêm buộc phải đi đúng đường ray hoạt động. Sử dụng cả vốn vay nước ngoài, vay ngân hàng trong nước để đầu tư vào các ngân hàng, các hoạt động tài chính khác thì sự thao túng và hỗn loạn sẽ không biết đến đâu mà lường.
Ở đây có thể thấy thấp thoáng hình ảnh của SCIC (Tổng Công ty Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước) trong các hoạt động đầu tư và sử dụng tài chính này. Có lẽ khi lập ra SCIC, chính phủ cũng đã cố gắng tổ chức lại và nhanh chóng nắm bắt, quản lý đồng vốn nhưng qua những gì thực tế đang xảy ra và với hoạt động của các Tập đoàn, các Tổng công ty thì SCIC không tỏ ra là có vai trò và nếu cứ phát triển theo cách này, SCIC cũng không thể làm được nhiệm vụ mà chính phủ và nhân dân tin giao.
Những ưu đãi và tính độc quyền
Có thể thấy rằng sự ưu đãi của nhà nước và việc vẫn còn lẫn lộn chưa dứt điểm giữa quản lý và kinh doanh đã tạo ra sự độc quyền nguy hiểm chứ không còn phải là sự “chủ đạo” bình thường của DNNN. Một Tập đoàn Công nghiệp Khoáng sản (TKV) vừa sản xuất kinh doanh vừa được giao quản lý tài nguyên than của đất nước làm sao không xảy ra việc cho phép xuất than theo đường tiểu ngạch để hàng chục triệu tấn than chảy trôi theo biển Đông mà đồng tiền thì vào túi ai. Một Tập đoàn Dầu khí được giao luôn quyền quản lý tài nguyên và được phép giữ lại lợi nhuận đến 50% thì việc độc quyền tạo ra nhiều quyền lợi khác trong liên kết liên doanh và đầu tư là chuyện dễ hiểu.
Cả nước đang kêu về việc độc quyền của các “ông lớn” Tập đoàn, Tổng công ty. Những hành xử kiểu Vinapco cắt xăng dầu của Pacific Airlines rồi giá cả dù đã được Thủ tướng ra lệnh không được tăng giá thì các ông lớn này đều rục rịch, dụ dự chuẩn bị tăng trong thời gian gần đây. Độc quyền sinh ra bất công và khi bất công ấy chất chồng vào đám đông nhân dân thì những quyền lợi cục bộ ấy liệu có thể tồn tại? Hãy xem cách các tập đoàn, các Tổng công ty đang hoạt động để thay đổi biện pháp quản lý và cải tiến sở hữu trước khi quá muộn.
N. T. D.
(Du Lịch, 12.5.2008)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN