Việt Nam đang chuyển biến là đối tác, chứ không phải kẻ thù của Trung Quốc

Đã quen thuộc trên báo chí Trung Quốc, thậm chí là những tờ báo chính thống hàng đầu của nước này, xuất hiện những bài kiểu Lý Hồng Mai, đe nẹt Việt Nam với giọng trịch thượng nước lớn. Nhưng vẫn có những tiếng nói bình tĩnh hơn, hiểu biết hơn, tuy không phải hoàn toàn thuyết phục, như ý kiến của Giáo sư Su Hao dưới đây.

Bauxite Việt Nam

Việt Nam đã trở nên gần gũi hơn với Mỹ trong thời gian gần đây, và các xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam ở biển Đông đang chuyển từ những vấn đề tiềm ẩn sang thành những vấn đề nghiêm trọng.

Trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam hi vọng dựa vào tiềm lực của biển cho sự phát triển trong tương lai.

Để tăng cường vị thế ở Biển Đông cũng như sức mạnh để đàm phán với Trung Quốc, Việt Nam rất cần một thế lực ở bên ngoài trợ giúp cho những mục tiêu này. Nước Mỹ là sự lựa chọn hợp lý nhất. Một cách ngẫu nhiên, Mỹ đã thay đổi chiến lược nhằm củng cố sự kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á.

Tuy nhiên chúng ta không thể đơn giản coi Việt Nam như một quốc gia đang đối đầu với Trung Quốc do các chính sách đối ngoại thân với Mỹ trong thời điểm hiện tại. Là láng giềng của nhau, Trung Quốc và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ chiến lược và mối quan hệ song phương này đang phát triển rất tốt.

Chúng ta cần tận dụng nền tảng bền vững này để củng cố và thúc đẩy mối quan hệ song phương trong việc hợp tác vì tình hữu nghị.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đến gần hơn với Mỹ, chúng ta nên cố gắng hết sức để tái cân bằng vị thế này. Một Việt Nam được cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là lợi ích tối thượng của Trung Quốc.

Trong quá khứ, chúng ta nghĩ rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng nhau đối phó với Mỹ vì hai nước có cùng hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều này không đúng.

Mặc dù Mỹ thường xuyên chỉ trích Việt Nam về tự do chính trị và vấn đề nhân quyền, đây không phải là một rào cản lớn đối với quan hệ Việt-Mỹ, và không thể ngăn chăn sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia này.

Việt Nam có mối quan hệ thương mại khăng khít với Trung Quốc. Tuy nhiên, những bất đồng thường đi cùng với sự hợp tác. Trong hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, một vấn đề nghiêm trọng là Việt Nam có một cán cân thương mại không cân bằng.

Việt Nam cho rằng sự hồi phục và phát triển chậm của nền kinh tế là do việc nhập khẩu hàng loạt các loại hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, và chỉ trích Trung Quốc đã bán phá giá hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng và cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, Việt Nam phải nhập nguyên liệu và máy móc từ nước ngoài. Và nhà cung cấp tốt nhất là Trung Quốc.

Có những mâu thuẫn cấu trúc (structural contradictions) giữa Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta nên cố gắng hết sức để giảm thiểu những mâu thuẫn này và tập trung vào những điểm tương đồng.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược quốc gia của Việt Nam là trở thành lãnh đạo của khối ASEAN bằng việc thúc đẩy sự liên kết các nước trong khu vực thuộc khối ASEAN. Đây là sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam.

Nếu xét về mặt liên kết trong khu vực, Việt Nam cần Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình liên kết các nước ASEAN, và nếu không có sự ủng hộ và hợp tác của Trung Quốc, quá trình liên kết sẽ khó có thể diễn ra suôn sẻ

Nếu xét về mặt an ninh khu vực, ngoài những mâu thuẫn về chủ quyền biển đã tồn tại từ lâu, có rất nhiều những vấn đề an ninh phức tạp khác liên quan đến Trung Quốc và Việt Nam, như những vấn đề an ninh mới phát sinh.

Mặc dù Mỹ đang tiến hành những cuộc tập trận quân sự với Việt Nam với những bài tập cứu nạn trên biển trong thời điểm hiện tại, nếu có một tai nạn xảy ra trên biển, sự giúp đỡ thật sự và tức thời sẽ đến từ Trung Quốc, chứ không phải Mỹ.

Hơn thế nữa, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức như hạn hán và bão lụt giống Trung Quốc. Chúng ta có thể giúp nhau giải quyết những vấn đề này và trong cùng thời điểm, tự giải quyết các vấn đề của mỗi nước.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Tuy vậy, ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang trong tình trạng tụt hậu.

Vì cũng là một quốc gia nông nghiệp, Trung Quốc có thể cung cấp những lời khuyên hữu ích cho quá trình thâm canh ở Việt Nam. Hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ được đẩy mạnh.

Tư duy chiến lược của Việt Nam dựa vào sự thách thức Trung Quốc, nhưng cũng phải dựa vào Trung Quốc cho những nhu cầu thật sự, tạo nên một thái độ ngoại giao mơ hồ và méo mó đối với Trung Quốc. Chúng ta nên cố gắng làm suy giảm những xung đột từ nhiều hướng khác nhau.

Tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát của hai nước, và sẽ khó có thể dẫn đến việc chấm dứt quan hệ song phương giữa hai quốc gia này.

Đóng vai trò một nước lớn và có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc tranh chấp, miễn là Trung Quốc giữ bình tĩnh, khởi xướng và thiết lập những chính sách để giải quyết tranh chấp, cuộc tranh chấp này sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Phóng viên Yu Jincui của Global Times biên soạn bài báo này, dựa vào một cuộc phỏng vấn với Su Hao – giáo sư Khoa Ngoại giao ở Đại học Ngoại giao Trung Quốc.

DTKT dịch

Nguồn: http://opinion.globaltimes.cn/commentary/2010-08/567249.html

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.