Đường sắt cao tốc – không thông qua chứ không phải bác?

Toàn bộ tiến trình lập dự án đường sắt cao tốc trước đây và chuyện “cố đấm ăn xôi” hiện nay cho thấy đàng sau những hành động bất chấp lẽ phải, là những “nhóm lợi ích”; và đó không chỉ dăm ba người ở cấp thấp như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Phải giải thích như thế nào thái độ quyết liệt của người thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (“Không thể không làm đường sắt cao tốc”, “Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm cùng Chính phủ xin Quốc hội chủ trương để làm. Yên tâm là Quốc hội và Chính phủ tính được bài để làm.”)?

Trước sự phản đối quyết liệt của công luận, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Đầu tư và Xây dựng, giao thông vận tải (đơn vị lập dự án thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) làm xiếc ngôn từ: Quốc hội “không thông qua chứ không phải bác”! Và ngay sau đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều nay (31/8), một quan chức cao hơn, Bộ trưởng Giao thông và Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, làm xiếc ngôn từ một cách tinh vi hơn: “Tại thời điểm này, Chính phủ chưa có chủ trương hay bất kỳ kế hoạch nào để xây đường sắt cao tốc ngay. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu là cần thiết để làm rõ thêm những góp ý của ĐBQH.”, “Quyết định đầu tư thuộc về Quốc hội”. Đúng y như dự đoán của Nguyễn Quang A trong bài dưới đây: “Hay người ta sẽ lý giải: Không có chuyện khởi động lại dự án! Đấy chỉ là nghiên cứu chuyên môn! Rồi sẽ trình Quốc hội để Quốc hội quyết.”

Bao giờ thì đến lượt Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trổ tài làm xiếc ngôn từ đây?

Bauxite Việt Nam

(LĐ) – Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi đã xin phép Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt khởi động lại dự án đường sắt cao tốc hơn hai tháng (chính xác là 73 ngày) sau khi Quốc hội đã bỏ phiếu ngày 19-6-2010 về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc với số phiếu tán thành chủ trương chỉ có 185 chiếm 37,53%, và số phiếu không tán thành là 208 chiếm 42,19%; 34 đại biểu không biểu quyết.

Một tuyến đường sắt cao tốc ở Pháp. Ảnh: TL

Một tuyến đường sắt cao tốc ở Pháp. Ảnh: TL

Nếu tính tỉ số trên số đại biểu hiện diện thì số tán thành là 43,32%, số không tán thành là 48,71%. Còn nếu tính trên số người biểu quyết (393), thì số tán thành là 47,07% số không tán thành là 52,92%. Trong mọi trường hợp chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã không được chấp thuận.

Dự án được khởi động lại chỉ 73 ngày sau khi Quốc hội đã bác bỏ chủ trương xây dựng. Tổng giám đốc Công ty tư vấn Đầu tư và Xây dựng, giao thông vận tải (đơn vị lập dự án thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) giải thích với báo giới: Quốc hội “không thông qua chứ không phải bác”. Một sự ngụy biện quá vụng về. Hay ông hiểu đúng như vậy? Nếu thế, thì thật đáng buồn cho kiến thức chung của ông Tổng giám đốc về tiếng Việt, hay do hiểu biết quá sâu về chuyên môn nên ông không để ý đến tiếng mẹ đẻ (với chất lượng của dự án bị Quốc hội bác thì người ngoài có thể hoài nghi về điều đó). Theo Từ điển tiếng Việt 2009 (Nhà xuất bản Đà Nẵng, tr. 32), “bác” và “bác bỏ” đều có nghĩa là “không chấp nhận”. Nói cách khác, Quốc hội đã bác bỏ thực sự chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam ngày 19-6-2010.

Một chủ trương đã  bị Quốc hội bác bỏ mà được khởi động lại chỉ sau 73 ngày sẽ gây những tác động rất tiêu cực:

Thứ nhất, việc khởi động lại làm cho cử tri nghĩ gì về nghị quyết của Quốc hội? Đó là sự coi thường quyết định của Quốc hội, nói ở mức thấp nhất. Cử tri có thể nghĩ gì về nghị quyết của “cơ quan quyền lực cao nhất” của nước Việt Nam?

Thứ hai, việc cơ quan hành pháp và doanh nghiệp phớt lờ nghị quyết của cơ quan lập pháp cao nhất sẽ tạo một tấm gương xấu về tính thượng tôn pháp luật. Việc không thông qua một bản nghị quyết chính là một nghị quyết, tức là nghị quyết bác bỏ dự thảo nghị quyết được trình ra. Như thế việc không chấp thuận chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam là một nghị quyết của Quốc hội. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008, nghị quyết của Quốc hội là văn bản luật (chỉ dưới Hiến pháp và các luật, nhưng đứng trên tất cả các loại văn bản quy phạm pháp luật khác). Xét ở khía cạnh này có thể nói về sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng được không? Theo tôi, chắc chắn. Dư luận bức xúc vì cho rằng những người chức càng cao thì khi vi phạm pháp luật sẽ gây hậu quả càng lớn. Và việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc sẽ củng cố thêm nhận định trên. Nếu đúng thế, thì những lời hô hào người dân và doanh nghiệp tôn trọng pháp luật liệu có được người dân lắng nghe và làm theo. Cấp càng to mà nêu gương xấu thì hậu quả càng nghiêm trọng và đừng có than vãn “trên bảo dưới không nghe”. Việc làm đó không góp phần xây dựng tính thượng tôn pháp luật, không góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, tức là ngược lại với chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hay người ta sẽ lý giải: Không có chuyện khởi động lại dự án! Đấy chỉ là nghiên cứu chuyên môn! Rồi sẽ trình Quốc hội để Quốc hội quyết. Làm gì có chuyện phớt lờ nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi hết sức tôn trọng quyết định của Quốc hội (!).

Nghiên cứu khả thi chỉ vài đoạn, chứ không phải cả tuyến như đã bị Quốc hội XII bác bỏ. Nghiên cứu khả thi ít nhất cũng mất một năm và dự án (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội mới, sẽ được bầu vào tháng 5-2011. Chắc hầu hết những đại biểu đã bỏ phiếu không tán thành sẽ không được đề cử trong khoá tới, và cử tri sẽ rất “sáng suốt” bầu ra các đại biểu mới và hẳn tỉ lệ tán thành dự án sẽ rất cao.

Nếu kịch bản sau xảy ra, thì thôi, chẳng còn gì để nói. Hay lúc đó các chuyên gia và nhân dân lại tham gia phản biện tích cực hơn? Hãy đợi xem.

N. Q. A.

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Duong-sat-cao-toc–khong-thong-qua-chu-khong-phai-bac/11589

Công văn của Văn phòng chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc tái khởi động dự án đường sắt cao tốc, ký từ cuối tháng 7 năm 2010. (Nguồn: http://butlong.multiply.com/journal/item/670)

This entry was posted in xây dựng and tagged . Bookmark the permalink.