PN – Bây giờ chẳng ai lạ gì những lời hứa suông vẫn được các vị quan chức đầu ngành, những người có trách nhiệm cao trong các lĩnh vực văn hóa – kinh tế – xã hội nước nhà vẫn dùng như một thứ võ để xoa dịu dư luận.
Năm 2010 đã được quá nửa, nếu có một thống kê mà các vị quan đầu ngành đã hứa đến năm 2010 họ sẽ làm được những gì, người ta sẽ giật mình thấy hầu hết là những lời hứa suông.
Năm 2007, Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra lời hứa hẹn là trong vòng ba năm ông sẽ chấm dứt tình trạng hai, ba bệnh nhân (BN) phải nằm chung một giường, cũng là chấm dứt tình trạng bệnh viện (BV) quá tải. Đến nay, tình trạng quá tải các BV vẫn y nguyên, thậm chí còn trầm trọng hơn.
Cách đây bốn năm, vào ngày 17/11/2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nói: “Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”. Bây giờ thử hỏi các giáo viên (GV) ai sống được bằng lương của mình giơ tay lên, chắc chắn Bộ trưởng sẽ không thấy một cánh tay nào.
Đừng nói đâu xa, cuối tháng năm vừa rồi Bộ trưởng Bộ Công thương nói với báo chí “từ ngày 20/6 tình hình điện sẽ được cải thiện”. Kế đến Phó tổng giám đốc EVN cũng cam kết từ ngày 15 đến 20/6 điện sẽ bớt căng thẳng. Kết quả tháng sáu vừa rồi, tình trạng điện trong cả nước xảy ra căng thẳng nhất trong vòng 10 năm qua.
Tất nhiên không dễ gì thực hiện được lời hứa. Nói như một bộ trưởng: “Ai cũng muốn làm được việc mình đã nói, chứ không phải thích gì nói nấy, nói rồi cứ để đó. Nếu được toàn quyền, Bộ trưởng không tiếc… hứa. Nhưng công việc còn bị chi phối bởi các yếu tố khác”. Dân chúng hiểu rất rõ điều đó, rất thông cảm điều đó, nhưng câu hỏi đặt ra là đã biết không làm được tại sao hứa, lại còn hứa chắc như đinh đóng cột?
Thực ra những chuyện quốc gia đại sự ít ai dám hứa, chẳng qua lối tư duy áng chừng, qua loa đại khái đã biến những lời hứa thật lòng thành những lời hứa suông. Khi nghe Bộ trưởng Bộ Công thương hứa đến 20/6 tình hình điện sẽ được cải thiện, cứ tưởng ông đã có kế hoạch hành động gì thật hay, té ra ông đoán chừng đến tháng sáu sẽ có lũ sớm cấp nước cho các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà. Nhưng trời đã không chiều ông, hạn hán kéo dài làm cho sự tính nhẩm của ông trật lất.
Khi Bộ trưởng Bộ Y tế hứa hai, ba năm nữa tình trạng BN nằm chung giường sẽ chấm dứt, cứ tưởng ông đã có đường đi nước bước thế nào, té ra ông chỉ thị mua thêm giường và xây thêm BV. Mua thêm giường không có chỗ đặt giường thì giường cũng chỉ để xếp kho. Nói xây thêm BV nhưng xây bao nhiêu cái, xây ở đâu, xây cho bệnh gì rõ ràng ông đã không tính đến. Xây BV để chữa bệnh này thì phát sinh bệnh khác. Một trận viêm phổi cấp trẻ em vừa rồi khiến các BV nhi quá tải nặng nề, ông không biết ăn nói làm sao với dân chúng. Đấy là không nói hai, ba năm sau số BN đã tăng lên bội phần, điều này đã không có trong phép tính nhẩm của ông.
Khi hứa các GV sẽ sống được bằng lương của mình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng tính nhẩm nếu tăng gấp đôi lương GV là xong. Chẳng ngờ lương tăng một thì giá cả tăng năm, sáu lần, thậm chí đến chín, mười lần. Giá vàng năm ông hứa (2006) là 1,1 triệu/chỉ, bây giờ đã gần 2,9 triệu/chỉ rồi. Lời hứa của ông thành lời nói suông cũng vì thế. Không chỉ có suông mà âm suông, nhìn giá cả trên thị trường thì biết đời sống GV hiện nay cam go như thế nào.
Trong khi nhiều vị quan chức đầu ngành khác lẩn tránh lời hứa bằng cách chỉ nói chung chung, đại loại: qua chất vấn của đại biểu Quốc hội, qua ý kiến của cử tri, chúng tôi xin tiếp thu và tới đây sẽ phối hợp với bộ A, bộ B… để tìm cách khắc phục… thì các vị đã dám hứa mạnh mẽ rõ ràng, cụ thể, thật đáng khen. Nhưng nếu dựa trên sự tính nhẩm với lối tư duy qua loa đại khái thì trước sau lời hứa của quý vị cũng chỉ là những lời hứa suông.
Tham nhũng làm mục ruỗng đất nước; còn bệnh qua loa đại khái, tính nhẩm đoán mò sẽ làm cho đất nước không ngóc đầu lên được, đừng nói là hóa rồng, buồn thay!
N. Q. L.
Nguồn: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/hua-suong-va-tinh-nham-doan-mo.aspx