Tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm “Nguyên soái Việt Nam” là yêu cầu của lịch sử

Ngày 25/8, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào tuổi Một trăm, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã có văn bản gửi Quốc hội Kiến nghị tấn phong Tướng Giáp hàm “Nguyên soái Việt Nam”. Đây là kiến nghị tiếp bước các kiến nghị cùng nội dung của nhiều vị lão thành cách mạng đã lần lượt gửi lên các cấp lãnh đạo cao nhất từ nhiều tháng trước, nhưng là kiến nghị đầu tiên được công bố công khai trên mạng internet. BVN có cuộc phỏng vấn ông Cù Huy Hà Vũ về Kiến nghị này.

BVN: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, ông có thể cho biết do đâu ông có ý tưởng làm Kiến nghị tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm “Nguyên soái Việt Nam” mà ông vừa gửi Quốc hội và BVN cũng đã công bố ngay sau khi ông gửi?

TS Cù Huy Hà Vũ: Ngay từ thuở nhỏ, bên cạnh những bài học lịch sử ở nhà trường và các sách truyện về lịch sử Việt Nam, đối với tôi, cha tôi, nhà thơ Huy Cận là “đường dẫn – link” tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thực vậy, Huy Cận và Võ Nguyên Giáp cùng là Bộ trưởng trong Chính phủ khai quốc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân đồng bào tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nền Dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Khi đó Võ Nguyên Giáp 34 tuổi còn cha tôi 26.

Nói cho đúng thì Huy Cận cha tôi và Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là đồng chí trong công tác của Chính phủ mà còn là bạn bè văn hóa. Phải nói, ngoài một thiên tài quân sự, Võ Nguyên Giáp còn là một trí thức lớn, có một tình yêu lớn đối với văn học – nghệ thuật. Việc Đại tướng kết hôn với bà Đặng Bích Hà, trưởng nữ của nhà văn hóa Đặng Thai Mai, biết chơi đàn piano, thưởng thức hội họa… hẳn là minh chứng. Thỉnh thoảng làm được bài thơ tâm đắc, cha tôi chia sẻ với Đại tướng thậm chí qua điện thoại.

Nhà thơ Huy Cận dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp một sự kính trọng đặc biệt, không dưới một lần cha tôi nói với tôi và người thân trong gia đình: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất xứng đáng được phong Nguyên soái, rất xứng đáng làm Chủ tịch nước”.

Mẹ tôi, Bác sĩ Ngô Thị Xuân Như, em ruột nhà thơ Xuân Diệu, luôn giữ kỷ niệm đẹp đẽ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể lại rằng chính Đại tướng đã nhường nhà của Đại tướng ở Chiến khu Việt Bắc cho Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ Cù Huy Cận và bà khi hai người mới thành hôn…

Rồi hai chú ruột tôi, Cù Huy Thước, nguyên Chính trị viên Đại đội cao xạ pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiến sĩ Cù Huy Chử, cựu chiến binh và nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, luôn xúc động khi nhắc tới Anh Văn – Anh Cả của Quân đội.

Thế rồi sau này trong những lần diện kiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Chu Huy Mân, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Thượng tướng Trần Văn Quang, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, bậc thầy tình báo Trần Quốc Hương… và nhiều vị lão thành cách mạng, chính khách, tướng lĩnh cũng như bất kỳ đâu ở Việt Nam, tôi đều được nghe những đánh giá tốt đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi đã từng đến Pháp và một số nước khác, nói đến Việt Nam là người dân ở đó nói “Hồ Chí Minh – Tướng Giáp”!

Thấm nhuần tình cảm và sự kính trọng mà cha tôi, các chú tôi cũng như nhân dân, nhiều chính khách và tướng lĩnh dành cho Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, của người nước ngoài dành cho “Tướng Giáp”, năm 2004, trong bài viết có tựa đề “Mong Nước Nam ta có Nguyên Soái” đăng trên tạp chí Thế giới mới cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã đề xuất tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm Nguyên soái nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau đó tờ báo Nhà báo và công luận, cơ quan của Hội nhà báo Việt Nam đã đăng lại bài báo này và có lẽ đây là lần đầu tiên một đề xuất có nội dung vinh danh Đại tướng như vậy được báo chí đăng tải, gây được sự chú ý trong xã hội.

Nhân dịp này tôi cũng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp một bức chân dung Đại tướng do tôi trực họa, bên dưới tôi ghi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thống soái của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Tôi dùng “Thống soái” là vì thuật ngữ này vừa thể hiện được chức “Tổng tư lệnh”của Đại tướng vừa thể hiện được hàm “Nguyên soái” mà Đại tướng rất xứng đáng được tấn phong.

Trước khi cha tôi qua đời cách đây 5 năm, ngày 19 tháng 2 năm 2005, hai người duy nhất mà ông nhắc tới ngoài Xuân Diệu và những người thân trong gia đình chính là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp!

Rồi năm ngoái, 2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tuổi 99 một lần nữa lại phất cờ “Quyết chiến quyết thắng” kiên quyết chống lại các dự án khai thác bauxite do Trung Quốc tiến hành tại Tây Nguyên gây ra hiểm họa Mất Nước, khai mào cho cả một phong trào rầm rộ ký Kiến nghị chống khai thác bauxite do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn – Nhà giáo Phạm Toàn, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, và từ đó đã thúc đẩy Cù Huy Hà Vũ đâm đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa!

Tóm lại, chính sự kính trọng xen lẫn yêu thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp của cha tôi, của mẹ tôi, của các chú tôi đã hình thành trong tôi ý tưởng làm Kiến nghị tấn phong Đại tướng hàm “Nguyên soái Việt Nam” để gửi cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao và ý tưởng này ngày càng thăng hoa trước dạt dào tình cảm mà các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các chính khách, quảng đại nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam dành cho Đại tướng.

BVN: Ông có thể giải thích vì sao không phải là “Nguyên soái” mà là “Nguyên soái Việt Nam”?

TS Cù Huy Hà Vũ: Đương nhiên không phải để phân biệt “Nguyên soái” của Việt Nam với “Nguyên soái” hoặc hàm tương đương của các nước khác mà là dành cho hàm này một vị trí đặc biệt so với các quân hàm khác của quân đội Việt Nam.

Võ công của Việt Nam trong lịch sử từng vang dội trên thế giới, nói đến Việt Nam trước hết người ta nói về những võ công lừng lẫy ấy. Do đó, “Nguyên soái Việt Nam” sẽ không đơn thuần là một cấp quân hàm mà người được phong đảm nhận một chức vụ nhất định trong quân đội mà trước hết và chính yếu biểu trưng cho võ công và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

BVN: Nếu Quốc hội nói rằng hiện nay trong Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam không có hàm Nguyên soái nên không thể tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm này thì ông nghĩ sao?

TS Cù Huy Hà Vũ: Thì trong Kiến nghị tôi đã đề cập rồi, không có hàm Nguyên soái thì Quốc hội quy định hàm này để bổ sung vào Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Tóm lại, Quốc hội muốn là được! Thậm chí không cần phải đợi đến kỳ họp tới dự kiến vào tháng 11 Quốc hội vẫn có thể quy định hàm “Nguyên soái” để bổ sung vào Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là trong bối

cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuổi đã cao, sức đã yếu.

BVN: Bằng cách nào vậy, thưa Tiến sĩ?

TS Cù Huy Hà Vũ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội giữa hai kỳ họp có trách nhiệm dự thảo quy định về hàm “Nguyên soái” để bổ sung vào Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó sẽ triệu tập Quốc hội họp bất thường để thảo luận và biểu quyết về quy định này.

Tuy nhiên để tiết kiệm tiền bạc của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể gửi dự thảo quy định về hàm “Nguyên soái Việt Nam” đến từng Đại biểu Quốc hội bằng đường công văn và yêu cầu Đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng văn bản rồi gửi lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bằng đường công văn. Như vậy, việc lấy biểu quyết của Quốc hội về quy định về hàm “Nguyên soái Việt Nam” để bổ sung vào Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam có thể thực hiện trong vòng một tuần.

Ở các Nhà nước pháp quyền trên thế giới thì Quốc hội họp cả năm nên hiệu quả của Quốc Hội rất cao. Trong khi chờ đợi xóa bỏ quy chế họp “Xuân – thu nhị kỳ” của Quốc hội chúng ta gắn liền với chế độ kiêm nhiệm như hiện nay thì có thể áp dụng hình thức lấy biểu quyết của Đại biểu Quốc hội bằng văn bản trong những trường hợp khẩn trương, đặc biệt.

BVN: BVN nhận được khá nhiều ý kiến hưởng ứng Kiến nghị của ông và cả những câu hỏi xoay quanh Kiến nghị. Cụ thể, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải nhờ BVN chuyển đến ông câu hỏi: “Hiện nay ở Việt Nam ai là người đủ tư cách và trí tuệ ký Quyết định phong và trao hàm Nguyên soái cho Tướng Giáp (tất nhiên người đó phải hơn Tướng Giáp, thậm chí phải hơn cả Cụ Hồ vì Cụ Hồ mới chỉ phong hàm Đại tướng đầu tiên cho ông Võ Nguyên Giáp)?”. Ông nghĩ sao trước câu hỏi này?

TS Cù Huy Hà Vũ: Việc tấn phong hàm “Nguyên soái Việt Nam” nói riêng và việc bầu, bổ nhiệm các chức danh của các cơ quan Nhà nước nói chung là công việc của quốc gia, của Nhà nước chứ không phải công việc của riêng cá nhân nào. Điều đó có nghĩa người có chức vụ Nhà nước ký văn bản là nhân danh Nhà nước chứ không phải nhân danh cá nhân. Tất nhiên, người có chức vụ Nhà nước nào không đủ tư cách và trí tuệ để đảm đương chức vụ họ đang giữ thì cần bị loại bỏ theo quy trình do pháp luật quy định.

Đúng là Hồ Chí Minh đã có công lớn đối với Dân tộc khi phát hiện Võ Nguyên Giáp cho cuộc chiến tranh ái quốc của người Việt Nam thời hiện đại nhưng Hồ Chí Minh cũng chỉ là một con người, dù vĩ đại đến đâu cũng không thể sống mãi, dù vĩ đại đến đâu cũng phải dưới Quốc hội – đại diện ý chí của toàn dân.

Cho đến nay, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền phong Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc. Nhưng những cấp quân hàm này là để người được phong nắm chức vụ nhất định trong quân đội chứ không phải là biểu tượng quốc gia về mặt quân sự như hàm “Nguyên soái Việt Nam” mà tôi đã đề cập ở trên.

Vì thế, để tương xứng với biểu tượng quốc gia của hàm “Nguyên soái Việt Nam”, việc tấn phong hàm này phải do Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất quyết định bằng một Nghị quyết trong đó Quốc hội giao cho Chủ tịch nước ký Lệnh tấn phong hàm “Nguyên soái Việt Nam”.

Mặt khác, việc Quốc hội quyết định tấn phong hàm “Nguyên soái Việt Nam” sẽ tránh được sự lạm quyền của cá nhân mà ở đây là Chủ tịch nước.

Tóm lại, không như ký quyết định phong Đại tướng, Thượng tướng và Đô đốc, Chủ tịch nước ký Lệnh tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm “Nguyên soái Việt Nam” là để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tức thể theo ý chí của toàn dân về vấn đề này.

BVN: Ý kiến đó của ông cũng có cái hay là việc tấn phong cho Đại tướng hàm “Nguyên soái Việt Nam” sẽ không phải là một tiền lệ để Nhà nước chúng ta sau này, biết đâu đấy, lạm dụng và “đôn” những người không xứng đáng lên danh hiệu ấy, chẳng hạn hàm Đại tướng phong cho một số người trước đây trong hơn 30 năm từ sau hòa bình hình như đã có không ít sự xì xào mà ý kiến Sáu Nghệ vừa đăng trên BVN là một cách bày tỏ, còn Trung tướng, Thiếu tướng thì quả thật lâu nay tấn lên quá nhiều quá nhanh, tính ra không xuể, cũng khiến có một luồng dư lận hài hước rằng “nhiều nhanh tốt… rẻ”, trong khi Chính phủ Việt Nam rõ ràng đang phải chịu lép trước việc đòi chủ quyền biển Đông. Vì thế cũng có ý kiến cho rằng chỉ tấn phong hàm “Nguyên soái” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà thôi chứ sau này sẽ không phong thêm cho ai khác. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

TS Cù Huy Hà Vũ: Mặc dù tôi rất hiểu và trân trọng tình cảm của người có ý kiến này dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng nhìn tới một tầm xa hàng thế kỷ nữa về lịch sử Việt Nam thì có vẻ đó là cách đặt vấn đề ít nhiều thiển cận!

Thực vậy, một trong những lý do để tôi đưa ra Kiến nghị là cốt chứng minh cho thiên hạ thấy ở Việt Nam đời nào cũng có hào kiệt, thời nào cũng có thiên tài quân sự mà thời hiện đại có Võ Nguyên Giáp để kế tục xứng đáng các nguyên súy Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ – Quang Trung…

Cũng như thế, Thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp chắc chắn rồi sẽ có người Việt mình tiếp nối bởi có như vậy thì Tổ quốc Việt Nam mới trường tồn, đồng nghĩa hàm “Nguyên soái Việt Nam” khởi đầu được trao cho Võ Nguyên Giáp cũng sẽ được trao cho những ai kế tục ông một cách xứng đáng – tất nhiên là phải xứng đáng – trong những hoàn cảnh đặc biệt sau này, khi tình thế cũng như các mối quan hệ cụ thể giữa Việt Nam với thế giới đòi hỏi phải giải quyết vấn đề bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước theo cách khác với hiện nay.

BVN: Một câu hỏi cuối, thưa Tiến sĩ: việc nước ngoài tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm “Nguyên soái danh dự” liệu có khả thi vì trên thế giới chưa có tiền lệ phong quân hàm danh dự cho người nước ngoài?

TS Cù Huy Hà Vũ: Cứ đi đường sẽ được mở, cứ làm sẽ có tiền lệ! Vả lại, trao huân chương là vinh dự quốc gia cho người nước ngoài là chuyện quá đỗi bình thường thì hà cớ chi hàm “Nguyên soái” cũng là vinh dự quốc gia lại không thể được trao cho người nước ngoài, tất nhiên để ghi nhận công lao của người ấy đối với sự hình thành hay phát triển quân đội của nước mình hoặc trong việc làm giàu kiến thức quân sự thế giới chứ tuyệt nhiên không phải để người ấy đảm nhận một chức vụ nào đó trong quân đội nước mình!

Nhưng để phân biệt với “Nguyên soái thực quyền” thì cách tốt nhất là thêm “danh dự” vào sau “Nguyên soái”, như “Chủ tịch danh dự”, “Viện sĩ danh dự”, “Tiến sĩ danh dự”, “Công dân danh dự”…

BVN: Cuối cùng, thông qua trang mạng BVN, Tiến sĩ có lời nhắn nào tới Quốc hội sau khi đã gửi Kiến nghị?

TS Cù Huy Hà Vũ: Trong Kiến nghị tôi đã khẳng định: “Việc Quốc hội tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm “Nguyên soái Việt Nam” không chỉ đáp ứng xứng đáng tình cảm thiêng liêng ấy của mọi người Việt Nam dành cho Đại tướng mà hơn thế nữa, vinh danh một Thiên tài quân sự của Việt Nam và thế giới đồng thời qua đây, vinh danh cả Lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm của người Việt cùng Nghệ thuật quân sự của người Việt đúc kết từ đây”.

Như vậy, tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm “Nguyên soái Việt Nam” là yêu cầu của Lịch sử!

Với tư cách là hậu duệ của Binh bộ Thượng thư Cù Ngọc Xán thời Lê, tôi còn mong được thấy hình bóng của tổ tiên oai linh trong Nguyên soái Việt Nam Võ Nguyên Giáp!

BVN: Xin cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã dành cho BVN cuộc phỏng vấn này. Hy vọng rằng Quốc hội sẽ đáp ứng tích cực tiếng nói thấu tình đạt lý của ông về việc tấn phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm “Nguyên soái Việt Nam”.

This entry was posted in Đại Tướng Võ Nguyên Giáp and tagged . Bookmark the permalink.