Lời kêu cứu của bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Phạm Minh Hoàng, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh

BVN nhận được lá thư kêu cứu của bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Phạm Minh Hoàng, Giảng viên Trường đại học Bách khoa TP HCM, bị cơ quan an ninh bắt giữ vào ngày 13-8-2010 mà về lý do, theo bà là phía những người thực thi pháp luật “không đưa ra được một bằng chứng nào cụ thể để kết tội, ngoài việc điều tra về các mối liên hệ bạn hữu của chồng tôi khi còn ở bên Pháp và việc tổ chức các khóa học miễn phí về kỹ năng mềm cho các em sinh viên trong thời gian qua”. Anh em chúng tôi nhận được tin này đều rất xúc động, nhưng muốn làm rõ hơn đầu đuôi vụ việc, chúng tôi đã để chậm lại vài ngày nhằm liên lạc với bà Oanh xin thẻm tài liệu. Rất tiếc, trong thư trả lời chúng tôi, ông Phạm Duy Khánh, em ruột ông Phạm Minh Hoàng, người được bà Oanh ủy quyền thay mặt, có cho biết là: “Chị Kiều Oanh hiện chỉ còn giữ biên bản khám xét nhà vào ngày 13/8. Tất cả các giấy triệu tập của công an, khi đến cơ quan, họ đã thu hồi hết. Ngoài ra, trong quá trình thẩm vấn, điều tra, chị Kiều Oanh bị họ buộc phải ký một giấy cam kết là không được tiết lộ nội dung điều tra và tất cả giấy tờ liên hệ cho bất cứ ai. Do đó, mặc dù chị Kiều Oanh còn giữ biên bản khám nhà, danh sách các máy móc, tư liệu bị tạm giữ, nhưng chị không thể chuyển đi được cho bất cứ ai, vì sợ bị cơ quan điều tra ghép tội, vì đã ký cam kết”.

Cũng vì những lý do như trên, BVN đành đăng nguyên lá thư của bà Oanh lên trang mạng để chia sẻ nỗi buồn đau với bà và gia đình trước tai vạ thình lình ập tới, đồng thời cũng qua đây bày tỏ ít nhiều băn khoăn của chúng tôi đối với một việc làm chưa tạo được niềm tin nơi người nhà ông Phạm Minh Hoàng về tính chất quang minh chính đại của cơ quan chức năng Nhà nước. Việc ông Hoàng bị cơ quan điều tra bắt giữ chưa rõ vì lý do gì, tất nhiên cần theo dõi để có thêm thông tin tiếp, nhưng ông là một trí thức Việt kiều từ Pháp tự nguyện về giúp nước, dạy học tận tâm được sinh viên yêu mến, lại là người ký tên vào Kiến nghị của giới trí thức và quần chúng xin ngừng dự án Bauxite ở Tây Nguyên vì lo ngại đến hiểm họa cho môi trường và an ninh cho Tổ quốc; nay ông bị bắt số phận chưa biết ra sao, bỏ lại gia đình một người vợ với một con nhỏ, gặp sự việc quá bất ngờ, trong tình hình gần đây nhiều vụ việc công an hoành hành ngang ngược, mặc áo thường phục giấu súng trong mình, tự tiện nổ súng giết người hoặc hoặc đánh người đến chết tại nơi thẩm vấn, mà người bị bắn bị giết lại chỉ phạm những lỗi rất nhỏ… là những chuyện đang nổi cộm làm cả nước không ngớt xôn xao, uất phẫn, vì thế tâm lý lo lắng hoảng sợ của bà Oanh và cháu bé là điều dễ hiểu.

Đăng thư này, chúng tôi kính mong các vị lãnh đạo ở ngành An ninh TP HCM cũng như Trung ương lấy sự cẩn trọng và công minh trong quá trình tiến hành điều tra các hoạt động của ông Hoàng làm tiêu chí hàng đầu, mặt khác có biện pháp an ủi bà Oanh cùng cháu Trâm Anh để thể hiện đầy đủ chính sách nhân đạo của Nhà nước, không đẩy gia đình người bị bắt vào tình cảnh bơ vơ, hốt hoảng, mất chỗ bấu víu, mất lòng tin vào pháp luật cũng như vào cơ quan thi hành pháp luật.

Bauxite Việt Nam

TP HCM ngày 15 tháng 8 năm 2010

Kính gửi Quý vị trách nhiệm mạng Bauxite Việt Nam,
Kính gửi quý cơ quan truyền thông trong và ngoài nước,
Kính gửi bà con cô bác khắp nơi,

Tôi là Lê Thị Kiều Oanh, 46 tuổi, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, đau buồn và uất nghẹn gửi thư này đến quý vị để báo động về việc Nhà nước Việt Nam đã bắt giữ chồng tôi vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 để điều tra chiếu theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Hình 1: Anh Hoàng và các em sinh viên của Đại học Bách khoa trong buổi tiệc tất niên ngày 28/01/2010

Hình 1: Anh Hoàng và các em sinh viên của Đại học Bách khoa trong buổi tiệc tất niên ngày 28/01/2010

Chồng tôi tên Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, hiện đang là Giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa TP HCM. Anh sang Pháp du học từ năm 1973. Hấp thụ lối giáo dục trung thực và bình đẳng với nhiều sáng tạo tại đây, anh luôn ước mơ ngày trở về quê hương sẽ là một nhà giáo để mong góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho giới trẻ Việt Nam.

Sau một chuyến về thăm cha mẹ bị bệnh vào cuối thập niên 90, cảm thương cho sự thiếu thốn về kỹ năng của các sinh viên Việt Nam, anh đã cố gắng thu xếp trở về quê hương, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an bình, đầy đủ phương tiện vật chất ở xứ người, trở về Việt Nam sống để săn sóc bố mẹ và nhận làm Giảng viên tại Trường Bách khoa TP HCM để thực hiện giấc mơ của mình. Tâm huyết của anh là làm sao cho thanh niên Việt Nam ý thức được bổn phận và trách nhiệm để tích cực xây dựng một đất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.

Ngoài những bức xúc về giáo dục và tuổi trẻ Việt Nam, trong gần 10 năm trở về sống trên quê hương, anh luôn khắc khoải về những vấn đề của đất nước, từ nạn tham nhũng đến những bất công trong xã hội. Anh cũng thường chia sẻ với tôi về tình trạng ô nhiểm môi trường sinh thái của Việt Nam. Khi Nhà nước cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, anh đã than trời là tại sao có một quyết định vô cùng tai hại như vậy? Nên khi đọc được bản Kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn và Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, anh đã không ngần ngại ký tên và kêu gọi bạn bè anh nên ký tên vào bản Kiến nghị này. Chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và các vụ ngư dân ta bị Trung Quốc hà hiếp, bắt giữ đòi tiền chuộc là những chuyện mà anh rất bức xúc. Anh đã tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải đảo Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 24 tháng 7 năm 2009 để tìm hiểu thêm về các vấn đề này.

Kính thưa quý vị,

Là một nhà giáo yêu nước, quan tâm đến các vấn đề giáo dục, môi sinh và chủ quyền đất nước, chồng tôi đã sống một cách lương thiện và trong sáng, nhưng Nhà nước đã đáp lại bằng việc bắt giữ chồng tôi, mà không đưa ra được một bằng chứng nào cụ thể để kết tội, ngoài việc điều tra về các mối liên hệ bạn hữu của chồng tôi khi còn ở bên Pháp và việc tổ chức các khóa học miễn phí về kỹ năng mềm cho các em sinh viên trong thời gian qua.

Kỹ năng mềm là những kỹ thuật dạy về tâm lý để tạo sự tự tin ở mỗi con người, giúp họ có cách nhìn khoa học để thích nghi vào đời sống xã hội. Những kỹ năng này được giảng dạy rất nhiều ở môi trường Tây phương, đặc biệt là ở Mỹ cho các em học sinh ngay từ cấp trung học. Hiện nay có rất nhiều khóa chuyên môn loại này ở Việt Nam và rất được giới trẻ ưa chuộng.

Như vậy việc tổ chức những lớp học miễn phí này không lẽ là một cái tội hay sao?

Còn những mối liên hệ bạn hữu khi chồng tôi còn ở bên Pháp, không lẽ Nhà nước cũng cho là một cái tội hay sao ?

Hình 2: Anh Hoàng và con là bé Trâm Anh

Hình 2: Anh Hoàng và con là bé Trâm Anh

Việc bày tỏ và chia sẻ sự quan tâm trước thực trạng đất nước, đau cái đau của dân tộc, cũng là một cái tội hay sao? Là một nhà giáo mà không biết xúc động, đau xót với những thăng trầm của xã hội, của đất nước thì làm sao có thể truyền dạy tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ Việt Nam, những người sẽ phải gánh vác vận mệnh đất nước khi trưởng thành?

Trước những tai ương bất ngờ đổ ập xuống gia đình tôi trong những ngày vừa qua, tôi quyết định gửi đến quý vị lá thư này để kêu cứu, để chồng tôi không bị bắt giữ một cách oan ức mà không ai hay biết. Tôi viết thư này trong tâm trạng ngổn ngang và lo âu. Lo âu về việc những người đang giam giữ chồng tôi có thể hãm hại anh ấy trong đêm đen mà không một ai hay biết. Lo âu về những thủ thuật ép cung của những người đang muốn gán ghép tội lỗi lên đầu chồng tôi và bôi đen những nỗ lực cao quý của anh ấy. Lo âu cho bé Trâm Anh, đứa con gái thân yêu của chúng tôi vừa mới lên 6 tuổi, cháu sẽ ra sao khi thiếu vắng sự dìu dắt của người bố thân yêu…

Kính mong quý vị lên tiếng và tiếp tay bảo vệ anh Phạm Minh Hoàng và những người yêu nước – những người đang muốn đóng góp cả cuộc đời mình cho ước mơ bảo vệ đất nước và xây dựng tuổi trẻ Việt Nam.

Xin chân thành cảm tạ sự quan tâm của toàn thể quý vị.

Lê thị Kiều Oanh
423 đường Nguyễn Tri Phương, Phường 8, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: +84 838 532 010 ; +84 93 83 45 343

Hay liên lạc với gia đình chúng tôi :
Ông Phạm Duy Khánh, email : dkhanh.pham@gmail.com

Vì không có điều kiện để gửi lá thư này đi, nên tôi đã nhờ anh Khánh chuyển đi giùm.

Đính kèm theo đây  là 2 tấm hình của anh Hoàng.

This entry was posted in Pháp Luật and tagged . Bookmark the permalink.