“Xóa sổ 630ha đất rừng phòng hộ tại quảng Trị”: Tiếp tay và khuất tất

Một kẻ như Nguyễn Quán Chính có xứng đáng ngồi ở cái ghế Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị nữa không nhỉ? Nếu để ông ta ngồi đấy thì có gì ông ta cũng bán tuốt chứ không riêng gì 630ha rừng phòng hộ ông ta cho chuyển sang rừng sản xuất để bán cho Công ty CP gỗ MDF Geruco QT cánh hẩu với ông ta đâu. Nhưng mà cứ nhìn binh tình cả nước mà xem, anh trên thế nào thì anh dưới mới tự tung tự tác thế chứ. Cho nên cầm chắc vị này sẽ được “cơ cấu” vào một chức vụ trọng yếu sau các thứ ĐH gì đó để rồi ông ta sẽ phá thêm nữa cho đất nước kiệt quệ mới thôi.

Bauxite Việt Nam

() – Như Báo ngày 12.8 đã có bài phản ánh, UBND tỉnh Quảng Trị (QT) đã xóa sổ 630ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn để chuyển thành rừng sản xuất, giao cấp cho Cty CP gỗ MDF Geruco QT.

Đáng nói, một số cá nhân và cơ quan chức năng huyện, tỉnh lại sốt sắng chuyển bằng được 630ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn trên sang thành rừng sản xuất để giao cho Cty, trong khi đất rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diện tích chưa được khai thác sử dụng.

Những đứa trẻ làng Tà Đủ sẽ sống ra sao khi gia đình không còn đất sản xuất? Ảnh: Trương Tâm Thư

Những đứa trẻ làng Tà Đủ sẽ sống ra sao khi gia đình không còn đất sản xuất? Ảnh: Trương Tâm Thư

Bỏ hoang 14.000ha vùng nguyên liệu…

Trả lời cho câu hỏi vì sao cứ nhất mực đòi chuyển diện tích đất rừng phòng hộ trên, đại diện Cty CP gỗ MDF Geruco QT – ông Trần Xuân Đoát – Trưởng phòng nguyên liệu: “Chúng tôi chỉ dựa trên cơ sở tỉnh có chủ trương cho Cty thuê khoảng 2.000ha đất trồng rừng nguyên liệu, thấy diện tích nào phù hợp thì đề nghị, còn việc chuyển đổi là quyết định của tỉnh”. Cũng theo đại diện Cty này, mặc dù diện tích đất rừng sản xuất ở tỉnh vẫn còn, nhưng Cty không muốn xin thuê hoặc liên doanh, liên kết trồng rừng nguyên liệu bởi lợi ích kinh tế không cao.

Tương tự, đối với 14.000ha tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu cho Cty từ năm 2002, đồng thời giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị có trách nhiệm cùng Cty xây dựng vùng nguyên liệu, đến nay Cty cũng không nắm được và việc liên doanh – liên kết để trồng rừng nguyên liệu trên diện tích này cũng gần như không thực hiện được do bài toán lợi ích kinh tế. Ông Đoát cho biết, sau khi có quyết định của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Quân Chính ký vào tháng 10.2009 đồng ý cho chuyển 630ha tại huyện Hướng Hóa và Đak Rông từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để giao cho Cty trồng rừng, đến nay Cty đã thuê, nhận bàn giao 583ha, nhưng vẫn chưa trồng rừng.

Việc xóa sổ 630ha rừng phòng hộ chuyển thành rừng sản xuất cho Cty thuê đã bỏ qua vai trò kiểm tra, giám sát của chủ rừng – ngành kiểm lâm sở tại. Đối với huyện Hướng Hóa, đó là đề nghị từ tháng 3.2009 của Chủ tịch UBND huyện – ông Nguyễn Quân Chính – xin tỉnh cho chuyển diện tích đất rừng phòng hộ trên sang thành rừng sản xuất, mặc dù mục đích ban đầu của đề nghị này là nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết cho dân có đất trồng rừng, nhưng cũng ông Chính – với cương vị Phó Chủ tịch tỉnh, khi ký quyết định đồng ý với đề nghị của chính mình – thì lại quên luôn mà giao hết đất cho Cty. Đối với huyện Đak Rông, theo ông Lê Văn Quyền – Chủ tịch UBND huyện, thì là tuân theo chủ trương đã có của tỉnh… Đối với ngành

NNPTNT tỉnh, Trung tâm Điều tra quy hoạch thiết kế nông lâm thuộc sở được Cty thuê khảo sát hiện trạng diện tích đất rừng trên để chuyển đổi, đồng thời báo cáo kết quả khảo sát hiện trạng theo nhiệm vụ sở giao, Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NNPTNT thẩm định thông qua rồi đến lượt Sở thống nhất trình UBND tỉnh. Riêng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thì không được biết, được tham gia vào quy trình này.

Có thật “rừng nào cũng là rừng thôi”?

Đáng nói, trong 630ha đất rừng phòng hộ bị chuyển thành rừng sản xuất nêu trên, có đến 121ha là đất rừng trạng thái 1C – là đất rừng hiện trạng có cây thân gỗ mọc rải rác. Chi cục trưởng Lâm nghiệp tỉnh – ông Hoàng Đức Doanh – sau khi “không tin” có rừng trạng thái 1C trong diện tích chuyển đổi, vì nó luôn được bóc tách loại trừ ra để khoanh nuôi tái sinh rừng, sau đó chữa lại là trong quá trình thiết kế trồng rừng sẽ bóc tách tiếp, rồi lại cho rằng hiện trạng rừng 1C nói trên chỉ có cây bụi. Thậm chí, có lúc ông Doanh còn “quên” lý do Nhà nước phân loại chức năng 3 loại rừng khi giải thích việc chuyển đổi diện tích trên từ rừng phòng hộ thành rừng sản xuất là “rừng nào cũng là rừng cả”.

Việc quy hoạch diện tích đất rừng trên vào mục đích chức năng phòng hộ có ý nghĩa không thể bàn cãi, nhưng một khi bị chuyển thành đất trồng rừng sản xuất thì rõ ràng chức năng phòng hộ sẽ không còn, hậu quả không thể lường trước. Vậy tại sao cứ nhất mực chuyển đổi diện tích trên mà không thay vào đó là yêu cầu Cty tìm diện tích đất rừng sản xuất phù hợp, hoặc thực hiện đúng theo chủ trương liên doanh – liên kết với người dân hoặc các đơn vị để trồng rừng nguyên liệu, theo như quy hoạch từ trước và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc này mà cơ quan chức năng tỉnh lấy làm căn cứ thực hiện việc chuyển đổi?

Trương Tâm Thư

laodong.com.vn

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.