Xé lòng cổ thụ rừng già!

Còn nói được gì nữa. Rõ ràng kẻ ngồi trên cao chỉ là tượng gỗ lo chén đẫy còn địa bàn mình quản lý có tan nát hết cũng cười trừ mà thôi. Ta còn bận lo vào “cơ cấu” đã, đấy mới là trọng tâm công việc đại sự quốc gia chứ!

Bauxite Việt Nam

() – Giữa thăm thẳm rừng già nguyên sinh thuộc khu vực xã Tân Hóa (huyện Minh Hoá – Quảng Bình) là những cây cổ thụ quý hiếm bị xẻ tan nát. Từ những gốc cây rơm rớm nhựa đến những gốc đã bị cưa đứt không thương tiếc hàng năm trời. Tất cả trơ ra, nhìn  đến đau lòng giữa thung lũng vắng…

Một lần theo chân cửu vạn vào rừng tìm hiểu nạn chặt phá gỗ hoành hoành ở khu rừng thuộc địa bàn cực Bắc Quảng Bình, PV Lao động đã trực tiếp mục sở thị những hình ảnh xé lòng ấy!

Những thân cây rỉ máu.

Những thân cây rỉ máu.

Những thân cây rỉ máu, những khoảnh gỗ lim, sến… vừa được xẻ tách vuông vắn, nằm la liệt khắp mọi ngõ ngách của rừng chờ chuyển đi. Nhiều khúc gỗ to, rỗng ruột nằm vô tội vạ – những khúc gỗ “oan uổng”, xẻ ra mới biết chọn nhầm cây, đành vứt lại ngổn ngang giữa rừng.

Nhiều khúc gỗ to, rỗng ruột bị vứt lại ngổn ngang giữa rừng.

Nhiều khúc gỗ to, rỗng ruột bị vứt lại ngổn ngang giữa rừng.

Ngoạn mục nhất là cảnh tượng từng đoàn cửu vạn tầm hơn chục người quàng dây thừng qua vai và tải từng tấm gỗ lớn băng qua những sườn đá tai mèo nhọn hoắt. Dưới sức nặng của những tảng gỗ lim còn mới cáu vết xẻ, họ rầm rập “hò dô” làm náo loạn cả một góc rừng.

Từng đoàn cửu vạn rầm rập "hò dô".

Từng đoàn cửu vạn rầm rập "hò dô".

Một cửu vạn vừa nhìn PV Lao động đầy dò xét, vừa nói bằng giọng địa phương đặc sệt: “Gỗ ni mang về dưới xã để làm nhà đấy, nhiều vô kể. Nhà mô cũng làm bằng gỗ hết, không cần ximăng, cát sỏi chi!”. Với tiền công 200.000đ/chuyến, mỗi ngày người đàn ông này đi được 3 chuyến, cơm nước được phục vụ ngay tại rừng. Một đoạn rừng khác, vài cửu vạn lẻ tẻ vác trên vai những khoanh gỗ bé, dài thoăn thoắt xuyên rừng mang ra bãi tập kết.

Vài cửu vạn lẻ vác những khoanh gỗ bé xuyên rừng mang ra bãi tập kết.

Vài cửu vạn lẻ vác những khoanh gỗ bé xuyên rừng mang ra bãi tập kết.

Ngay bìa rừng, gỗ được xếp ngay ngắn chờ xe đến vận chuyển. Cũng theo cánh cửu vạn, việc vận chuyển gỗ được hoạt động tấp nập về đêm. Không chỉ bằng đường rừng, băng qua 3 – 4 lèn (núi), gỗ còn được chuyển vào các hang động được thông từ lèn này qua lèn khác, rồi sau đó dễ dàng tuồn về xuôi.

Gỗ được xếp ngay ngắn chờ xe đến vận chuyển.

Gỗ được xếp ngay ngắn chờ xe đến vận chuyển.

Khu vực rừng Tân Hóa là một trong những địa bàn có nhiều hệ thống hang động ngầm nhất của huyện Minh Hóa. Trong đó, vì mục tiêu tìm đường tuồn gỗ ra ngoài, nên rất nhiều hang ngầm được phát hiện và trở thành con đường chuyển gỗ vừa nhanh chóng, vừa bí mật cho lâm tặc vùng này.

Một trong những hang ngầm để tuồn gỗ ra khỏi bìa rừng.

Một trong những hang ngầm để tuồn gỗ ra khỏi bìa rừng.

Đây chỉ là một trong những chiếc hang ngầm được phát hiện, đi bộ 7 phút xuyên một con lèn để tuồn gỗ ra khỏi bìa rừng một cách dễ dàng.

DH

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Xe-long-co-thu-rung-gia/9367

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.