Khi nghe vài người bàn luận về Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vào mạng xem thử. Đại hội đã xong, mạng đưa ảnh 15 người được bầu vào Ban chấp hành khóa mới đang đứng sau một số lẵng hoa. Tôi nhìn, quả là mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười sự vui sướng, náo nức, hồi hộp và cả ngượng ngùng, nhớ tới những bài thuật việc bầu các vị lên mà thấy ái ngại. Gần nghìn nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn thơ, mang nỗi bí bức to lớn trong lòng không biết trút đổ vào đâu đã nhè vào đồng nghiệp. Lại nghe nói trong Đại hội có nhà văn an ninh, chẳng biết đúng sai, nếu đúng thì cám cảnh. Có nhà văn là tướng, là tá và cãi nhau thế nào là nhà văn chuyên nghiệp, có loại ăn lương của dân một đằng mà chuyên nghiệp một nẻo chăng? Xem ảnh xong, tôi không biết nên vui hay buồn và thấy tội nghiệp cho bản thân tôi, xem một tấm ảnh mà cũng không biết nên vui hay nên buồn. Tại sao thế này nhỉ? Nói biết xấu hổ là cách nói quá sang trọng!
Rồi thấy có ông không phải nhà văn, nhà thơ hay nhà phê bình văn thơ, đến dự Đại hội và dự luôn cuộc họp của Ban chấp hành mới được bầu. Tôi nhớ ông từng xuất hiện ở nơi khác, nói công tác tư tưởng là phải đi trước và đi trong cuộc sống. Câu này thiên hạ đã biết từ lâu và bây giờ anh tuyên giáo cấp xã cũng nói được. Nhưng cụ thể bây giờ đi trước và đi trong như thế nào, giữa rất nhiều bức xúc của cuộc sống, hầu hết cấp thấp chưa biết, đang mong cấp cao chỉ cho thì cấp cao lại không nói. Cấp cao hưởng lương cao của dân, chỉ nói được những điều chung chung ai cũng đã biết, thế là chưa làm tròn phận sự tương xứng với đồng lương, lại tự cho mình cái quyền đi dạy người nộp thuế để trả lương cho ông, và xía vô sự vụ vụn vặt. Nói biết xấu hổ là quá sang trọng!
Cũng quá sang trọng khi nói đến xấu hổ với ông Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình Phạm Hồng Tâm. Ông uống bia và vẫn lái xe hơi (biển số 73L-3565, chín nút), đâm 3 mẹ con đi xe máy làm họ bị thương rồi ông lái xe bỏ chạy, biết chạy không thoát hai ngày sau ông mò đến gia đình nạn nhân đem tiền ra để ém nhẹm. Từ nay về sau, ông và cấp dưới của ông có còn đứng trên công đường dõng dạc truy tố những người uống bia lái xe gây tai nạn nữa không, có dõng dạc truy tố những lái xe gây tai nạn và bỏ chạy nữa không, có dõng dạc truy tố những người gặp người bị nạn trên đường mà bỏ chạy nữa không? Nếu không thì chẳng biết pháp luật ở tỉnh Quảng Bình sẽ như thế nào, nếu có thì mặt các vị lúc ấy để vào đâu? Nói xấu hổ ở đây là quá sang trọng!
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa sau cuộc bỏ chạy ở Hội An ngày 4-8-2010 và Trường đại học Phan Châu Trinh sáng 5-8-2010, chắc từ nay ít dám bén mảng đến xứ Quảng Nam “chưa mưa đã thấm”. Nhưng chẳng lẽ bà không xuất hiện ở nơi khác, không xuất hiện trước công chức Bộ GD-ĐT, nhất là những thuộc hạ tháp tùng bà trong chuyến đi hai ngày bị người Quảng Nam khinh bỉ ấy, và xuất hiện chẳng lẽ bà không nói về giáo dục và đào tạo, mà nói về giáo dục và đào tạo thì làm sao tránh nói tới phép tắc lễ nghĩa, kính thầy yêu bạn, tôn trọng đồng nghiệp? Nói xấu hổ ở đây là quá sang trọng!
Còn tình hình biển Đông, có vẻ như từ khi Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố quan tâm đến lợi ích của Mỹ trên biển Đông, thì nước ta cũng đỡ nghẹt thở, con đường đi đến hòa bình, ổn định nhiều hy vọng hơn. Lại nhớ vị nào đó từng tuyên bố Việt Nam và Cu Ba thay nhau thức và ngủ để canh giữ hòa bình thế giới, chợt cảm thấy xấu hổ giùm. Nhưng nói xấu hổ là cách nói quá sang trọng.
Các nhà văn lao động cá nhân cô đơn mà không thoát được ánh mắt săm soi của dân, đừng nói quan chức. Có khi ngồi trong phòng lạnh, giữa đám thuộc hạ lâu la, ngắm chức tước, phẩm trật của nhau và tán tụng nhau, oai phong lắm, nhưng không che được mắt thiên hạ. Quan đường hoàng, trung thực, biết trọng dân hơn đồng tiền, biết nhớ và làm theo lời dạy của Cụ Hồ thì dân yêu mến. Còn lại, xuất hiện trước dân dù đạo mạo và ồn ào, nói đến xấu hổ là quá sang trọng!
SN
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập