Lao Động số 23 Ngày 28/01/2010
LBT – Có cách sang châu Phi của một thời kỳ lịch sử đã thành tên gọi là chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa. Có cách qua châu Phi của một thời buôn bán nô lệ. Có cả cách qua châu Phi theo những toan tính sinh lợi của kẻ bành trướng nham hiểm muốn đồng thời giải quyết nạn thiếu đất vì phát triển công nghiệp vô tội vạ và còn vì dân số tăng quá nhanh mặc dù đã bắt buộc anh nào muốn đẻ cũng chỉ được đẻ một đứa con thôi.
Võ Tòng Xuân đi tiếp con đường vươn xa của người Việt, một thời “Nam tiến bằng lưỡi gươm” (Huỳnh Văn Nghệ), tiến lên “Nam tiến bằng lưỡi gươm và lưỡi cầy” (Cao Huy Thuần), nay bắt đầu “Nam tiến trong cái đầu” (cũng ý tưởng Cao Huy Thuần), vươn xa hơn môt tổ quốc để không chỉ làm vinh dự cho đất nước này, mà còn giúp các dân tộc khác sống hạnh phúc hơn.
Võ Tòng Xuân đã tiến hành một cuộc phản biện đích thực của giới trí thức: chỉ ra được một Việc làm tích cực cùng với một Cách làm việc tuyệt vời của người trí thức đương thời. Hành động phản biện của Võ Tòng Xuân gợi ý cho những ai hiểu chưa đúng công việc phản biện xã hội hãy cùng suy nghĩ lại: phản biện không phải là những “bàn về…”, “lại bàn về…” với những lời sáo mòn được mạ lại, mà là những hành động đủ sức tạo ra tư duy mới và thành tựu mới.
Bauxite Việt Nam
(LĐ) – “Để hướng tới tương lai giàu đẹp hơn, chúng ta không thể không nghĩ đến giải pháp mở rộng tầm hoạt động cây lúa bên ngoài biên giới.
Nhất là các nước Châu Phi, đất rộng người thưa, nếu đưa nông dân Việt Nam đến đây để chuyển giao kỹ thuật trồng lúa… chúng ta chứng minh cho thế giới thấy khả năng độc đáo của Việt Nam: Một quốc gia không giàu, nhưng hoàn toàn có khả năng giúp nhiều quốc gia khác chiến thắng đói – nghèo”.
GS-TS, AHLĐ, NGND Võ Tòng Xuân – cố vấn cao cấp ĐH An Giang – bộc bạch như vậy sau khi bay đi-bay về như con thoi từ Việt Nam sang Châu Phi để tính chuyện “mở đất” cho cây lúa Việt.
Vươn xa vạn dặm
Năm 2006, qua giới thiệu của Việt kiều Đức, ngài Sahr Johnny – Đại sứ Cộng hoà Sierre Leone tại Bắc Kinh (Trung Quốc) – đã bay đến Việt Nam mời GS Xuân sang Sierra Leone tìm cách giúp quốc gia Tây Phi này thoát khỏi nạn thiếu lương thực sau nhiều năm chiến tranh thảm khốc và mặc dù nhận cả núi tiền từ nhiều quốc gia tài trợ mà vẫn chưa có sự chuyển biến căn cơ.
Nhận thấy đây là cơ hội tốt để triển khai ý tưởng “đưa kỹ thuật trồng lúa Việt giúp các nước thiếu ăn tự túc sản xuất lương thực”, GS Xuân đã xuất tiền túi sang Sierre Leone, với tư cách cá nhân là một chuyên gia cây lúa Việt Nam.
Sau khi tiếp đón trọng thị và tổ chức đi xem các vùng trồng lúa, Chính phủ Sierra Leone từ Phó Tổng thống Solomon Berewa đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực – TS Sama Monde – đã đề nghị GS Xuân giúp đất nước “núi sư tử” vượt qua thiếu đói.
Ở Sierra Leone, lúa đóng vai trò là cây lương thực chính và tuy đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu khá giống với ĐBSCL… nhưng hằng năm, quốc gia này phải nhập khẩu đến trên 60% nhu cầu nên phần lớn người dân thường xuyên đối mặt với nạn thiếu đói. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu trình độ và kỹ thuật canh tác: Trồng các giống lúa dài ngày (140-170 ngày) nhưng năng suất thu được rất thấp (2-3 tấn/ha).
“Cái chính là họ không được trao “cần câu” để có thể tự làm no bụng” – GS Xuân nhấn mạnh: “Đây là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của nông dân ĐBSCL”. Thế là GS nhận lời với khát vọng: “Xuất khẩu nông dân”. Qua tính toán, GS Xuân đã xác lập ra công thức: 1 nông dân Việt Nam sẽ huấn luyện 4-5 nông dân bản địa trên diện tích 5ha.
Và để khơi dậy lòng ham thích học tập để nhanh chóng nắm đầy đủ về kỹ thuật trồng lúa Việt, GS Xuân đã đề xuất phương án khuyến nông, mà sau này nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá là sát với thực tế và hiệu quả: “Trả học phí cho người người bản địa tham gia học trồng lúa ngay trên đồng ruộng tương đương với ngày công lao động”. Bởi chỉ cần 2-3 vụ là những nông dân này sẽ dễ dàng nắm bắt thuần thục kỹ thuật cần có của “hai lúa” chính hiệu.
Cùng đồng cảm với GS Xuân, Cty Long Vân 28 (TPHCM) tự nguyện tham gia “chia sẻ” kinh phí. Từ nguồn tài trợ quý báu này, GS Xuân đã tổ chức đưa chuyên gia Việt Nam sang Sierra Leone trồng khảo nghiệm giống lúa cao sản từ ĐBSCL và thiết kế hệ thống thủy lợi trên một khu đất 100ha. Ngay vụ đầu, giống OM2517 cho năng suất 5-6 tấn/ha chỉ trong vòng 95 ngày.
“Kỳ tích” này đã lọt vào “mắt xanh” của tiến sĩ Sample, Phó Giám đốc Cty T4M, kinh doanh đa lĩnh vực tại Vương quốc Anh. Vốn là người con của Nigeria – đất nước triền miên nằm trong tình trạng đói lương thực – nên Sample đã “đặt hàng” GS Võ Tòng Xuân đưa kỹ thuật trồng lúa Việt Nam sang giúp nông dân Cộng hoà Liên bang Nigeria tự cứu đói…
Sau chuyến khảo sát thực địa quốc gia nằm ở Tây Phi này, nhận thấy Nigeria có nhiều lợi thế hơn cả Sierra Leone, bởi ngoài diện tích đất đai rộng lớn (923.768km2), trong đó diện tích vùng đồng bằng lại lớn gấp đôi ĐBSCL của ta (70.000km2), quốc gia này còn có nguồn tài nguyên nước dồi dào từ con sông Niger có quy mô lớn thứ ba Châu Phi và thứ 14 trên thế giới… là điều kiện thuận lợi để tổ chức trồng lúa thắng lợi nên một lần nữa GS Xuân đã nhận lời hỗ trợ kỹ thuật trồng lúa giúp quốc gia của con sông Niger tự cứu đói một cách bền vững.
Đây là điều mà người nắm giữ quyền lực cao nhất nước Mỹ mới lần đầu đề cập đến tại buổi nói chuyện trước Quốc hội Ghana ngày 11.7.2009: “Chúng tôi dành cho an ninh lương thực Phi Châu không chỉ đơn thuần gửi lương thực hoặc các công ty sản xuất của Mỹ sang Châu Phi, mà sẽ được tập trung vào việc hỗ trợ các phương pháp và kỹ thuật mới cho nông dân”.
Tự hào lúa Việt
Không chỉ đi, giới thiệu, quảng bá… tại các quốc gia Châu Phi, hay một số nước thuộc Trung và Nam Mỹ, hay được mời sang nghiên cứu giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa, GS Xuân còn chủ động tạo điều kiện để họ mục sở thị nền “văn minh lúa Việt” bằng việc mời và trực tiếp hướng dẫn tham quan, tìm hiểu thực tế đồng ruộng tại các tỉnh ĐBSCL – nơi mà 3 thập kỷ trước, ông và sinh viên ĐH Cần Thơ đã lập nên kỳ tích mang tính toàn cầu: Bằng những công trình thiết thực về lai tạo giống, kỹ thuật, nhất là hai đợt chống nạn cháy rầy trên toàn vùng… đã góp phần quan trọng đưa đất nước từ thiếu ăn vươn lên ngôi á hậu thế giới về xuất khẩu gạo.
Chính từ thực tế sinh động này, cộng với thành tựu bước đầu đạt được tại Sierre Leone và Nigeria, trong năm 2009, lãnh đạo nông nghiệp 4 quốc gia Châu Phi là: Cộng hoà Sudan, Cộng hoà Rwanda, Cộng hoà Liên bang Nigeria, Cộng hoà Liberia, và lãnh đạo 2 công ty tư nhân của Cộng hoà Mozambique, Cộng hoà Hồi giáo Mauritania đã trực tiếp mời GS Xuân sang giúp tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Qua thực địa và trao đổi, GS Xuân và lãnh đạo các quốc gia Sudan, Mozambique, Rwanda… đi đến thống nhất: Từ năm 2010, phía Việt Nam tổ chức đưa “thợ giỏi” trong lao động nông nghiệp sang hướng dẫn nông dân bản địa trồng thí điểm từ 200-600ha lúa trên nhiều địa hình tại mỗi quốc gia để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trồng đại trà.
Riêng Liberia – nơi Trường ĐH Quốc gia đang thừa hưởng cơ sở cũ của Trung tâm WARDA (cơ quan nghiên cứu lúa cho cả Châu Phi), đang thiếu thầy giỏi giảng dạy và nghiên cứu nông nghiệp, TS Emmet Dennis – Hiệu trưởng ĐH Liberia – chính thức yêu cầu GS Xuân tổ chức lập lại chương trình cây lúa của Đại học Cần Thơ trong những năm 1976-1986 cho khoa Nông nghiệp của trường, bằng cách đưa nhiều “Doctor Rice” tại ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ sang đào tạo nguồn nhân lực trồng lúa tại chỗ, giúp nông dân Liberia tự sản xuất cho mình.
Theo đó, bên cạnh giúp soạn giáo trình khoa học cây lúa, hướng dẫn nghiên cứu khoa học về cây lúa…, họ còn nhờ GS hỗ trợ cả về khoa học khuyến nông, hướng dẫn đào tạo sinh viên, đưa tiến bộ khoa học về cây lúa cho nông dân các vùng sản xuất của Liberia. Biết được thông tin này, tiến sĩ Tsuno – Giám đốc Cơ quan JICA tại Hà Nội – đã gặp GS Xuân bày tỏ ý tưởng cung cấp kinh phí để cùng thực hiện công việc. Nhưng với tinh thần “văn minh lúa Việt”, GS đã mạnh dạn từ chối “hảo ý” của đất nước hoa anh đào.
Tuy nhiên, theo GS Xuân, đó chỉ mới là bước khởi đầu của câu chuyện xuất khẩu “văn minh lúa Việt”. Bởi trong bước đi của kế hoạch liên hoàn này, sẽ có hàng loạt hoạt động kéo theo như “xuất khẩu” máy xay lúa mini lưu động do nông dân Việt Nam chế tạo, rồi thúng, mủng, lưỡi hái, máy sấy lúa, máy hút bùn, máy gặt đập liên hợp “made in Vietnam” thẳng tiến đến Châu Phi.
Theo đó, khả năng hình thành làng Việt giữa Châu Phi như một làng Nhật Bản được nông dân Nhật thực hiện ở đất nước Brazil cách đây một thế kỷ chỉ là vấn đề thời gian. Khi đó, không chỉ có chuyện hạt gạo Việt trên đất Châu Phi xuất khẩu sang nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới, mà lao động nông nghiệp Việt Nam còn thu hoạch được rất nhiều thành quả khác ngoài khoản tiền lương được tính bằng đôla.
“Nếu chúng ta giúp được các nước Châu Phi phát triển sản xuất lương thực thì uy tín của nhân dân Việt Nam, tổ quốc Việt Nam trên trường quốc tế càng được nâng cao và đây sẽ là sự cống hiến lớn lao của dân tộc Việt Nam cho nhân loại!” – GS Xuân nhấn mạnh.