Tuổi Trẻ Cuối Tuần – Thứ Bảy, 30/01/2010
LBT – Đằng sau những lời lẽ kiềm chế của nhà Luật học, giáo sư Phạm Duy Nghĩa, là những giọt nước mắt lặn vào trong của người trí thức còn khá xa mới đến tuổi sáu mươi. Xin anh Nghĩa cho phép đưa bài anh lên trang mạng mới phục hồi có cái tên hẳn là quen thuộc với anh.
Bauxite Việt Nam
TTCT – Suy nghĩ từ vụ chó bécgiê cắn chết một phụ nữ đi mót cà phê ở Buôn Ma Thuột (Coi hộp nêm dưới).
Lại một phận nghèo lìa đời trong nỗi sợ hãi cùng cực. Đàn chó dữ là những con vật, song nhân viên bảo vệ là một con người, ông ta hô “diệt” đàn chó sẽ lao vào cắn xé, hô “ngưng” người đàn bà xấu số kia có cơ may thoát nạn. Trời phương Nam ấm áp mà đôi khi lạnh lẽo. Bởi đâu mà nhân phẩm và mạng sống con người bị xem rẻ chẳng bằng mấy hạt cà phê còn sót trên cây.
Người giàu giữ của, điều ấy đúng, song có của cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Nuôi chó dữ giữ nhà là quyền của người giàu, song người nuôi chó phải cảnh báo cho cộng đồng về các mối hiểm nguy ấy, phải có tường bao che chắn, nếu chó tấn công người – dù người ấy phạm tội, chủ nuôi chó cũng phải ra tay bảo vệ mạng sống con người trước hết.
Loài người biết nuôi chó, kể cả chó dữ, từ ngàn vạn năm nay, những quy tắc chung sống ấy tự nhiên ai cũng hiểu. Chỉ có điều nhiều người bây giờ giàu lên một cách khó hiểu, của cải mang đến cho họ nhiều quyền năng tới bất ngờ. Với nhiều người ấy, quy tắc sống quen được dàn xếp bằng tiền bạc và những hàm răng chó dữ.
Luật pháp chính là những quy tắc sống. Muốn bảo vệ nhân phẩm, Nhà nước ta phải nghiêm trị những hành vi coi rẻ mạng sống con người. Tôi không hề tin nước ta thiếu luật. Từ trách nhiệm của chủ vật nuôi, trách nhiệm đền bù dân sự cho tới các tội gây thương tích và vô ý gây chết người không hề thiếu luật, nước ta chỉ thiếu sự nghiêm minh. Muốn yên dân, Nhà nước phải mạnh đủ để bảo vệ trật tự công cộng, tức là gắn người giàu vào những khuôn khổ của cuộc cộng sinh với người nghèo.
Đối mặt với tội phạm và sự hung dữ gia tăng trong thói sống thời nay, pháp luật cần không chỉ răn đe và trừng trị. Pháp luật còn phải góp phần làm cho nhân viên bảo vệ và ông chủ chó thêm nhân văn, thêm tình người hơn nữa.
Muốn làm được điều ấy, tôn chỉ của pháp luật phải bảo vệ nhân phẩm và các quyền làm người. Chính quyền và tòa án làm điều gì cũng nên nâng niu nhân phẩm, kể cả của các bị can, bị cáo. Cũng như vậy, khi người giàu được cuộc đời ban thưởng cho những cố gắng của mình, có của cải nhiều hơn cũng đồng nghĩa với có trách nhiệm hơn với đồng loại. Chó dữ và những ông chủ giàu, thêm một nỗi ưu tư về công bằng và trách nhiệm xã hội trong thời đại đua nhau làm giàu bằng mọi giá.
PHẠM DUY NGHĨA
Tuổi Trẻ – Thứ Bảy, 23/01/2010
Đàn chó bécgiê cắn chết một phụ nữTT – Người phụ nữ xấu số đó là bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, trú tại buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc). Bà bị đàn chó bécgiê thuộc trang trại cà phê của một công ty cùng địa phương cắn chết khi mót cà phê rụng ở trang trại này chiều 21-1.
Các nhân chứng cùng đi mót cà phê với bà Ngắn cho biết khi đang mót thì một đàn chó bécgiê lao ra, những người khác nhanh chân leo lên cây còn bà Ngắn bị chó táp quật ngã xuống đất. Một người đàn ông của trang trại chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp dù nạn nhân kêu la. Tại hiện trường, hầu hết các phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, toàn bộ da đầu, mặt bị mất.
Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.
H.V