Giới hoạt động: Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ‘tồi tệ hơn’ trong năm 2024

VOA tiếng Việt

Công an Đăk Lăk bắt giam thầy truyền đạo Y Krec Byă và sau đó xử phạt ông 13 năm tù. Photo Bao Dak Lak

Công an Đăk Lăk bắt giam thầy truyền đạo Y Krec Byă và sau đó xử phạt ông 13 năm tù. Photo Bao Dak Lak

Các nhà hoạt động đánh giá rằng năm 2024 chứng kiến tình hình vi phạm nhân quyền tiếp tục tồi tệ ở Việt Nam với nhiều bản án nặng và tình trạng đàn áp xuyên quốc gia, dù Hà Nội đang đảm nhận cương vị thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

“Nếu tính từ 3 năm trở lại đây, tình trạng nhân quyền ở Việt Nam mỗi một năm càng tồi tệ hơn, đặc biệt là trong năm 2024 này”, ông Nguyễn Văn Đài, Luật sư nhân quyền ở Đức, nêu nhận xét với VOA.

“Theo quan sát của chúng tôi, trong năm 2024 đã có trên 50 người bị bắt hay bị đưa ra xét xử với mức án cao, có người tới 12-13 năm tù vì liên quan đến các hoạt động chính trị hay các hoạt động tôn giáo của họ”.

Theo dữ liệu của Dự án 88 (The 88 Project), tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, có 181 trường hợp các nhà hoạt động bị cầm tù tính đến ngày 30/12/2024; nhiều người trong số họ là nhà báo và blogger.

Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Anh dựa trên nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau, được cập nhật vào giữa tháng 12/2024, cho biết đã có 39 người Thượng được ghi nhận là bị giam giữ tại Việt Nam, và tất cả đều bị giam giữ liên quan đến hoạt động tôn giáo của họ, đồng thời, gần như tất cả đều bị buộc tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.

Ngày 28/3/2024, theo truyền thông Việt Nam, một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử ông Y Krêč Byă về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

“Họ cấm, không cho thầy làm công việc mục vụ của mình, họ theo dõi, hạch sách và đàn áp rất dữ dội cả thầy và những người theo đạo Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”, “Sau đó thì thầy đã viết lại các vấn đề vi phạm nhân quyền để thông báo cho Liên Hiệp Quốc, đấu tranh cho các quyền thiêng liêng căn bản là tự do tín ngưỡng của mình. Thầy là một người tranh đấu rất ôn hòa nhưng đã bị phạt 13 năm tù giam và 5 năm quản chế”.

Trước đó, vào tháng 9/2024, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền (OHCHR) công bố một báo cáo nói rằng chính quyền Việt Nam trả thù các tổ chức, cá nhân đã hợp tác với Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong lĩnh vực nhân quyền từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024.

“Trong thời gian báo cáo, các tổ chức xã hội dân sự đã hạn chế tham gia công khai với các cơ quan và cơ chế nhân quyền của LHQ, đồng thời yêu cầu giấu tên và bảo mật trong những đóng góp và cam kết của họ với tổ chức do sợ bị trả thù”, báo cáo cho biết.

Báo cáo của OHCHR trích dẫn Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc (CERD) nói rằng những người hoạt động vì quyền của các dân tộc thiểu số và tôn giáo, người bản địa đã bị nhắm tới một cách có hệ thống bằng bạo lực, đe dọa, giám sát và trả thù do hậu quả của công việc của họ.

Blogger, nhà báo Đường Văn Thái hồi tháng 10/2024 bị một phiên tòa xử kín ở Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông Thái, người bị cho là bị bắt cóc khi đang tị nạn chính trị ở Thái Lan, là nhà báo tự do bị chính quyền Việt Nam tuyên án tù nặng nhất trong năm 2024.

Trước đó, cũng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị phạt 7 năm tù, blogger Nguyễn Chí Tuyến bị phạt 5 năm tù, blogger Hoàng Việt Khánh 8 năm tù.

Cũng trong năm qua, chính quyền sử dụng điều luật “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự để bắt hàng loạt các blogger, nhà tranh đấu như blogger Trương Huy San, Luật sư Trần Đình Triển, Facebooker Nguyễn Thanh Huy, hay các nhà sư Khmer Thạch Chanh Đa Ra, Dương Khải, Thạch Quí Lầy.

Giới hoạt động nhận định rằng việc Hà Nội phạt nặng những người tranh đấu, blogger và tiếp tục bắt bớ những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền trong năm qua cho thấy lập trường hà khắc của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với bất đồng chính kiến và xu hướng này tiếp tục khiến không gian của xã hội dân sự bị siết chặt.

“Bây giờ tôi cảm thấy không gian hoạt động báo chí, không gian tự do ngôn luận của người dân rất ngột ngạt và người ta cảm thấy rất sợ hãi khi lên tiếng trong hoàn cảnh hiện tại”, ông Trần Anh Quân, một nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam nêu nhận định cá nhân với VOA.

“Ai cũng lo là nói cái gì cũng sợ bị bắt, bị đe dọa, mời lên đồn để làm việc. Những người dám lên tiếng bây giờ hoàn toàn giảm đi rất nhiều. Những người bất đồng chính kiến bây giờ không dám viết rõ quan điểm của họ ra, không còn dám phân tích sâu những vấn đề xã hội như ngày xưa nữa”, ông Quân nhận xét thêm.

Trong năm qua, chính quyền Việt Nam cũng phóng thích trước hạn tù đối với một số ít các nhà hoạt động như Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Thị Minh Hồng trước chuyến công du đến Mỹ của Tổng Bí thư Tô Lâm trong một động thái mà giới hoạt động xem là “món quà trao đổi” giữa Hà Nội với các nước dân chủ.

Bà Anh Thu Võ, trưởng phòng nghiên cứu và vận động chính sách của Trung tâm Tự do Sáng tác PEN/Barbey thuộc Văn Bút Mỹ (PEN America), chia sẻ quan điểm với VOA rằng quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị đàn áp mạnh mẽ trong năm qua.

“Việt Nam bị xếp hạng là quốc gia tồi tệ thứ ba trên thế giới về việc giam giữ các nhà văn/ký giả, chỉ sau Trung Quốc và Iran, với 19 nhà văn/ký giả đang bị giam giữ và con số này có khả năng sẽ tăng lên”.

“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nhà văn/ký giả bị bắt, bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa của họ. Sự gia tăng phản ảnh sự đàn áp liên tục của chính quyền đối với bất đồng chính kiến… theo các điều luật ‘chống nhà nước’ rất mơ hồ”.

“Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục thông qua nghị định gây ra tác động đáng sợ đối với quyền tự do ngôn luận. Văn Bút Mỹ rất quan ngại về nghị định mới của việc yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội phải xác minh danh tính người dùng và chia sẻ dữ liệu với chính quyền, một động thái đe dọa quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của hàng triệu người”, bà Anh Thu Võ bày tỏ.

Vị đại diện của PEN America nói thêm rằng các “báo cáo đáng báo động” cho thấy ngày càng nhiều nhà văn/ký giả, nhà báo, luật sư và nhà hoạt động ở Việt Nam đang buộc phải chạy trốn khỏi đất nước “do bị đe dọa, quấy rối và nguy cơ đàn áp xuyên quốc gia gia tăng”.

Tương tự, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) xếp Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về việc giam cầm các nhà báo.

Theo Chỉ số Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam đứng thứ 174/180 trong bảng xếp hạng, xem như không có tự do báo chí.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và yêu cầu họ đưa ra bình luận về các phát biểu trên liên quan đến tình hình nhân quyền Việt Nam, nhưng chưa được phản hồi.

Sau phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam, Hà Nội tuyên bố chấp nhận 271 khuyến nghị trong tổng số 320 khuyến nghị từ các nước. Việt Nam chấp nhận “thực hiện các bước để bảo đảm tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do tôn giáo”, nhưng không chấp nhận “cải cách Điều 117 và Điều 331 của Bộ luật Hình sự.”

Ngoài khuyến nghị Việt Nam “sửa đổi Điều 117 và 331 để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa, và tự do tôn giáo hay niềm tin”, Chính phủ Hoa Kỳ còn khuyến nghị “ngay lập tức chấm dứt cưỡng ép thành viên các nhóm tôn giáo không đăng ký phải bỏ đạo, và sửa đổi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo để tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam”, tuy nhiên, Hà Nội không chấp nhận.

Trong hai năm liền 2022 và 2023, Việt Nam bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vì Chính phủ Việt Nam tham gia hoặc dung túng cho “những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo”.

Chính quyền Việt Nam lâu nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền. Quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo này khăng khăng rằng các quyền tự do căn bản của con người luôn được tôn trọng và đảm bảo.

Ngày 12/12, chính quyền Việt Nam tuyên bố sẽ tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Hà Nội tự khen rằng họ đã làm tốt trách nhiệm thành viên trong cơ quan này trong các nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025, trong khi đó các tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng thành tích về nhân quyền của Việt Nam là “thảm khốc trong hầu hết mọi lĩnh vực”.

“Các quyền cơ bản bị hạn chế nghiêm trọng, bao gồm quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa, lập hội và tôn giáo. Các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger phải đối mặt với việc bị công an đe dọa, quấy rối, hạn chế đi lại, bắt giữ và giam giữ tùy tiện”, HRW nhận định về tình hình Việt Nam.

Kể từ khi trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023, Việt Nam liên tục bị liệt vào danh sách các quốc gia có thành tích kém nhất trong bảng xếp hạng nhân quyền quốc tế.

Tổ chức Freedom House có trụ sở ở Washington, Mỹ, xếp Việt Nam vào nhóm “không có tự do”, chỉ đạt 22/100 về chỉ số tự do internet trong 5 năm qua.

Liên minh CIVICUS có trụ sở ở Nam Mỹ đánh giá không gian dân sự của Việt Nam đã “đóng kín” với việc đàn áp không ngừng các nhà hoạt động xã hội.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.