Trọng Thanh
Tại Pháp, hơn ba tháng vừa qua, công luận đặc biệt chú ý đến vụ án xét xử hơn 50 nghi phạm, tham gia cưỡng hiếp một người phụ nữ. Tội ác diễn ra rải rác trong 10 năm. Thủ phạm chính là người chồng. Nạn nhân không hay biết do bị chồng chuốc thuốc mê.
Tội ác kinh hoàng tưởng như đánh gục nạn nhân cả về thể xác và tinh thần. Vừa là nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp, vừa là nạn nhân của sự tủi hổ. Nhưng người phụ nữ hơn 70 tuổi ấy đã vươn dậy.
Theo yêu cầu của nạn nhân, toàn bộ vụ án được xét xử công khai.
Mục tiêu của Gisèle Pélicot là khiến cho những kẻ làm ác phải hổ thẹn.
Đông đảo người Pháp đã ủng hộ bà trong cuộc chiến này. Và không chỉ tại Pháp.
Cuộc chiến “để cho sự hổ thẹn phải đổi bên” (nguyên văn tiếng Pháp: “Pour que la honte change de camp”) của Gisèle Pélicot có thể mang lại thêm động lực cho những nỗ lực của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đòi công lý.
Vụ Gisèle Pélicot không khỏi vang vọng với những diễn biến ở Việt Nam những ngày gần đây, khi nhiều tiếng nói cất lên trong vụ nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo Lương Ngọc An, người vừa được bổ nhiệm làm lãnh đạo một cơ quan xuất bản Hội Nhà văn, xâm hại tình dục, và yêu cầu làm minh bạch.
Trong xã hội Việt Nam, vụ việc dường như gặp phải nhiều rào cản do một tâm lý phổ biến: Cho dù có thực sự là nạn nhân, điều hay hơn cả với những người bị xâm hại tình dục là im lặng, để bảo vệ danh dự cho bản thân, hạnh phúc gia đình…
Ở Pháp, trước vụ Gisèle Pélicot, dường như phổ biến một tâm lý mà tuần báo thiên tả Le Nouvel Obs định danh là “culture du viol” (tạm dịch là quan điểm biện minh và thậm chí cổ vũ cho việc xâm hại tình dục hay “văn hóa xâm hại tình dục”. Chữ “văn hóa” (culture) ở đây được hiểu như là một mô tả trung tính chứ hoàn toàn không hàm nghĩa là tốt đẹp theo cách hiểu thông thường).
Mời quý vị, quý bạn coi bài
10 năm trời bị cưỡng hiếp: Từ nạn nhân trở thành một biểu tượng cho một ”thay đỏi lớn”
(RFI – https://rfi.my/BExB – phần cuối bài)
Phần bào chữa cho các thủ phạm vụ cưỡng hiếp bà Gisèle Pélicot khép lại hôm qua, 13/12/2024. Trong hơn 3 tháng trời, báo chí Pháp và châu Âu theo dõi sát vụ án. Thái độ không khoan nhượng và sẵn sàng đưa các thủ phạm ra ánh sáng của nạn nhân đã biến một vụ án cưỡng hiếp thông thường thành một cột mốc trong cuộc chiến nữ quyền, không chỉ với riêng nước Pháp.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin nhấn mạnh đến các nỗ lực của nhật báo Anh The Guardian, đã chọn cách làm rất khác nhiều báo Anh:
(TỪNG CÂU, TỪNG CHỮ TRONG BÀI TƯỜNG TRÌNH CỦA NGƯỜI PHÓNG VIÊN NÀY ĐỀU CÓ THỂ KHIẾN CHÚNG TA SUY NGẪM)
“The Guardian, nhật báo lớn của Anh, thuộc cánh tả, trên trang nhà đã dành một mục riêng cho vụ ‘‘Gisèle Pélicot’’, điểm lại diễn biến từng ngày của các phiên tòa tại thành phố Avignon. Các thông tín viên của The Guardian tại Pháp, Angélique Chrisafis và Kim Willsher, thuật lại vụ án sử dụng hóa chất để thao túng con người, và tâm lý dung dưỡng nạn cưỡng hiếp, phổ biến trong một bộ phận xã hội Pháp.
Trong lúc nhiều báo Anh tập trung vào cá nhân thủ phạm Dominique Pélicot, được đặt biệt danh là ‘‘quái vật Avignon’’, và nhấn mạnh vào tính chất ghê tởm của các hành động, thì hai phóng viên của The Guardian lại tập trung vào tính chất bình thường của các bị cáo, hàng chục người đàn ông giống như đông đảo những người khác.
Làm như vậy, hai nữ phóng viên muốn ngụ ý cho thấy mức độ trầm trọng của loại bạo lực này trong xã hội Pháp. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt là ‘‘nhân phẩm’’ của Gisèle Pélicot. Trong mỗi bài báo, người phụ nữ hơn 70 tuổi này được mô tả như là một biểu tượng của lòng dũng cảm, từ chối phiên tòa ‘‘xử kín’’, để cho ‘‘sự hổ thẹn phải đổi bên’’, có nghĩa là chính thủ phạm chứ không phải nạn nhân là bên phải hổ thẹn.
Các phát biểu của Gisèle Pélicot được The Guardian dẫn lại một cách đầy đủ và trân trọng. Coi vụ án này như một sự kiện lịch sử quan trọng, các phóng viên của The Guardian có mặt tại tất cả các cuộc biểu tình ủng hộ ‘‘bà Pélicot’’. Đây là một chuyện hiếm gặp với báo chí Anh Quốc, thường dành rất ít chỗ cho kiểu tin tức thời sự như thế này ở nước ngoài. Đối với The Guardian, vụ Pélicot đánh dấu một thay đổi lớn: ‘‘Sự dũng cảm của một người phụ nữ đã đặt nước Pháp trước một bước ngoặt’’.
***
Ảnh trên
Tranh tường với hình bà Gisèle Pélicot và câu “Pour que la honte change de camp” (Để cho sự hổ thẹn phải đổi bên), Gentilly, tỉnh Val-de-Marne, giáp Paris, tháng 9/2024. Tác phẩm của nữ họa sĩ Maca. AFP – GEOFFROY VAN DER HASSELT
https://actu.fr/…/cette-histoire-m-a-pris-aux-tripes-a…
Ba ảnh dưới
Trên: Trang bìa của báo Libération đăng ảnh bà Gisèle Pélicot với dòng chữ “Une pour tous” (Mình vì mọi người)
Giữa: Công chúng hoan nghênh Gisèle Pélicot, khi bà rời khỏi tòa án ở Avignon, hôm 9/12/2024 AP – Lewis Joly
Dưới: Biểu tình tại quảng trường La République, Paris, để ủng hộ Gisèle Pélicot và các nạn nhân cưỡng hiếp
T.T.
Nguồn: FB Trong Thanh