Giấc mơ dân chủ: giấc mơ vĩnh cửu và cuộc chiến đấu hàng ngày (Bài 2) [*]

André Menras

André Menras

Sau khi phân tích tổng quát tình hình thực tế của VN ngày nay đúng như những gì tai nghe mắt thấy, tôi muốn nhắn gửi đôi điều với một trong số các bạn VN của tôi đang tuyệt vọng, lo âu, bị phản bội, bị mất phương hướng, hiện đang mơ giống như tôi về một xã hội dân chủ hơn và đi tìm ở châu Âu hoặc ở nơi khác một phương cách cứu nguy có thể giải quyết mọi vấn đề, giống như phép màu của chiếc đũa thần vậy. Cũng giống như các chàng nông dân, từ cánh đồng của mình nhìn về ánh sáng thành phố và nghĩ rằng ở đó cái gì cũng đẹp, cái gì cũng có, giống như con chim chiền chiện bị thu hút bởi ánh mặt trời, một số người cứ nhìn về phía tấm gương phản chiếu ánh sáng của «người thợ săn» đang chờ họ đến gần để nhắm bắn.

Tôi sẽ nói đến một ví dụ ở nước Pháp. Hơn 40 năm sống và đấu tranh trên đất Pháp đã dạy cho tôi hiểu về ách thống trị ngày càng lớn của tư bản trong một nền dân chủ tư sản và sự phát triễn của tình hình chính trị, kinh tế và xã hội qua những cuộc khủng hoảng liên tục đã chứng minh rõ ràng rằng sự phân tích mac xít về sự tích lũy tư bản thông qua bóc lột lao động hơn lúc nào hết là một thực tế trong các xã hội ngày nay.

Một chế độ đại nghị đa đảng không làm nên mùa xuân của nền dân chủ. Không phải vì có một đại hội toàn quốc mà những điều luật được thông qua và những quyết định được chấp thuận tự động mang tính dân chủ và quốc gia. Xin nhớ rằng, chính Quốc hội nước Pháp đã biểu quyết việc giao toàn quyền cho tướng Pétain để ông ta hợp tác với phát-xít Đức và trói tay trói chân nước Pháp đem nộp luôn cho chúng.

Cũng chính thông qua Quốc hội mà Đảng của Sarcozy đã áp đặt các điều luật nằm hủy bỏ cứu trợ xã hội cho những người nghèo khổ nhất, những người yếu thế, những người lao động, đồng thời củng cố sức mạnh của những ngân hàng côn đồ, và các tỉ phú không quốc tịch… Các vụ tham nhũng ở cấp cao nhất luôn làm vấy bẩn giới chính trị Pháp, những người thân cận với Tổng thống và ngay cả bản thân Tổng thống. Các thể chế của De Gaulle, Pompidou, Mitterrand, Giscard, Chirac và Sarcozy là các bằng chứng cho điều đó. Tất cả, không loại trừ một ai, ở nhiều cấp độ, đều đã bị vấy bẩn bởi những sự kiện nhơ nhớp kể cả những tội ác hay những vụ “ tự sát” chính trị … Hiện nay, Sarkozy đang chìm ngập trong một vụ mà người thủ quỹ của đảng của họ hiện là Bộ trưởng Bộ Lao động đang bị xem như là tội phạm đồng lõa trong việc trốn thuế của một nhà tư bản lớn nhất nước Pháp để đổi lấy một khoản trợ cấp cho đảng của Tổng thống. Trong lúc mà nước Pháp có số người thất nghiệp cao chưa từng có, những bi kịch xã hội nặng nề, những người vô gia cư chết lạnh ngoài đường vào mùa đông, khi mà những tổ chức cứu tế xã hội phải phát những bữa ăn cứu trợ nhiều chưa từng có để giúp cho những người nghèo sống đói lay lắt, khi mà những trường học, nhà thương, bưu điện  bị đóng cửa vì thiếu tiền, khi mà những cuộc tự sát tại sở làm ngày càng nhiều thì ông vua Sarkozy tự thưởng cho mình một đồ chơi mới; một chiếc Airbus giá 176 triệu euro được sửa thành một khách sạn bay 6 sao cho ông ấy, cho bà vợ nổi tiếng trong giới truyền thông đại chúng và cho cả triều đình của mình. Sau khi cho biểu quyết tăng gấp đôi lương của Tổng thống, Sarkozy kêu  gọi những người lao động thắt lưng buộc bụng, quyết định kéo dài thời gian làm việc của người lao động trước khi có biểu quyết chính thức, trong khi hàng triệu người trẻ tuổi đang không có việc làm. Trong khi nói đến nhân quyền, ông ta lại dùng những từ của bọn lưu manh trước ống kính của Đài truyền hình quốc gia để chửi những người dân bức xúc công khai biểu lộ thái độ bất mãn trước mặt ông ta ở giữa đường. Đâu là dân chủ trong một chế độ mà Tổng thống chuyên quyền đến cực độ, đến mức tự chỉ định các Giám đốc Đài phát thanh và Đài truyền hình quốc gia, trong một chế độ mà các phóng viên bị cách chức hoặc bị chuyển công tác khi dám «phạm thượng khi quân», dám đụng tới bệ hạ hay người thân của ông? Có thể nào nói đến dân chủ khi phần lớn những cơ quan thông tin tư nhân nằm trong tay những nhà tài phiệt, ngân hàng lớn hoặc doanh nhân thân cận của Sarkozy? Nước Pháp cũng đang trải qua tình trạng hoại tử rộng rãi của chế độ gia đình trị. Chúng ta cũng có những «con ông cháu cha» và không phải là đứa con trai của ông vua sẽ phản đối lại điều đó vì chính cha của cậu đã định giao cho cậu đứng đầu một trong những công ty quy hoạch quốc gia lớn nhất, trung tâm doanh nghiệp lớn nhất châu Âu khi cậu chỉ mới 23 tuổi và chưa có được tấm bằng luật! Phải chăng mưu toan ấy đã bị thất bại trước dư luận la ó phản đối trong nước? Không thành vấn đề : Cậu bé Jean sẽ có chân trong Ban lãnh đạo Liên minh để vận động phong trào quần chúng cho cha mình.

Theo những thăm dò mới nhất, có 64% người Pháp có ý kiến xấu về Sarkozy, 60% cho rằng giới chính trị Pháp bị băng hoại toàn là tham nhũng. Tôi nghĩ rằng, những con số này còn rất xa thực tế. Đại đa số người Pháp cảm thấy xấu hổ trước hình ảnh của một Nguyên thủ quốc gia lại giống như một diễn viên hài sôi động, luôn khoa tay múa chân hơn là một nhà chính trị khôn ngoan và đáng tin cậy. Họ cảm thấy tính chất cảnh sát ngày càng gia tăng trong một chế độ đã mất uy tín, trong một bầu không khí xã hội và kinh tế ngày càng xuống cấp và bùng nổ.

Không, nước Pháp ngày nay không còn là nước Pháp của năm 1789. Đừng mơ mộng nữa, các bạn ơi!

Không còn “nước Pháp dịu hiền», “nước Pháp, đất lành» nữa. Kể từ đây, nó toát lên hơi hướng của một nền cộng hòa theo kiểu độc tài (CHTC= Cộng Hòa Trái Chuối, République bananière). Không còn có thể đón tiếp những người nước ngoài và những đứa trẻ ngoại quốc sinh ngay trên đất Pháp cũng bị cảnh sát áp tải lên máy bay ra khỏi biên giới vì chế độ Sarkosy từ chối cho chúng các giấy tờ công dân hợp pháp.

Cũng giống như ở VN, nhưng theo một cách khác, các cuộc đấu tranh của nhân dân đã bị tước đoạt… Các thành quả xã hội trong thời kỳ kháng chiến đã bị gặm nhắm. Xã hội đoàn kết và nền văn hóa cách mạng xuất phát từ những cuộc đấu tranh này đã bị phá vỡ bởi các triều đại liên tục phục vụ cho vua Tiền – Chúa Tể và đã bị đem nộp cho những con cá mập tài chánh. Nước Pháp chói ngời xưa kia nay trở nên khó thở. Nước Pháp ngày nay cần có những cuộc chiến đấu mới để làm lại lớp da mới cho những vết thương và những vết ố bẫn để tìm lại sự trong sạch của dân chủ, tươi mát và niềm vui sống .

Nhưng, cũng giống như ở VN, nước Pháp vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm: chưa thấy được viễn cảnh tươi sáng, chưa có những chương trình vững chắc, chưa có một năng lực chính trị đáng tin cậy có khả năng làm thay đổi thật sự và đúng đắn .Như các bạn thấy đó, nếu nền dân chủ ở Pháp cũng giống như sông Seine: người câu cá không dám ăn nó vì bị ô nhiễm, thì dân chủ ở VN cũng giống như sông Thị Vải: người câu cá ở đó không thể ăn được cá vì  không có con nào còn sống được. Sự khác biệt không lớn lắm! Tôi nói lên điều này với tất cả tình bạn đối với mọi người ở VN, nam cũng như nữ, mà họ bất chấp mọi gian nguy thử thách, đang lén lút trốn sang châu Âu để tìm một cuộc sống tốt đẹp, sung túc và dân chủ hơn: hãy coi chừng, giấc mơ của các bạn rất có nguy cơ trở thành cơn ác mộng.

Không có một hình mẫu

Mỗi một đất nước là duy nhất, mỗi một dân tộc có lịch sử riêng, nền văn hóa, ký ức tập thể, thiên tài của mình. Nước Pháp đã có một truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc rất lâu đời và gần đây hơn, đã có những kinh nghiệm xâm chiếm thực dân đã mang đến sự hủy hoại và tang tóc kể cả rất xa biên giới của nước, những kinh nghiệm cho phép nhắc nhở cả dân tộc một bài học lớn của cuộc cách mạng 1789 đã bị rơi vào quên lãng một cách nhanh chóng. Đó là: bất kỳ một dân tộc nào dù ở  bất cứ nơi nào, dù người áp bức là bất  kỳ ai  thì cuối cùng rồi thì chính dân tộc ấy là người quyết định vận mệnh của chính mình. Dân tộc Pháp đã được thấm nhuần bởi những cuộc đấu tranh xã hội đã tạo nên nền văn hóa và tính cách của mình. Người Pháp còn giữ được những truyền thống ấy thông qua những yêu cầu gắt gao, mạnh mẽ về mặt công lý, về bình đẳng, về sự trong sáng. Và mặc cho tất cả những hy sinh và những vinh quang đã giành được ấy, nước Pháp đang sống trong một nền dân chủ ngày càng thụt lùi.

Nước Việt Nam cũng đã có một lịch sử xâm lược thực dân trong quá trình Nam tiến. Và đồng thời, Việt Nam lại có một lịch sử kháng chiến kỳ diệu chống lại xâm lược nước ngoài làm nên nền tảng hào hùng của dân tộc và văn hóa đất nước. Ngược lại, Việt Nam lại rất ít biết đến những cuộc đấu tranh xã hội và sức nặng của nền văn hóa truyền thống đương nhiên là không thúc đẩy người dân Việt Nam phản đối hoặc đặt lại vấn đề về trật tự xã hội hay quyền lực. Nhưng chính việc trao đổi, phản biện, lật ngược vấn đề… sẽ giải phóng và làm phát triển thiên tài và sáng tạo một cách xây dựng và chắc chắn. Hiện đại có nghĩa là đề nghị nhưng cũng có nghĩa là biết phản đối khi cần thiết.

Từ những đặc tính riêng biệt của mình, tùy theo trình độ phát triển của mình, tùy theo tiềm năng thiên nhiên và con người của mình mà mỗi dân tộc tìm thấy con đường đi của chính mình hướng tới sự tiến bộ trên cơ sở tôn trọng các dân tộc khác đồng thời yêu cầu các dân tộc khác phải tôn trọng mình. Từ đó, mỗi dân tộc hướng nhìn ra thế giới mà không phục tùng bất kỳ một hình mẫu nào. Mỗi nước, mỗi dân tộc có một nhịp độ riêng bởi lẽ, con tàu đi càng nhanh trên những đường ray còn chưa chắc chắn thì tai nạn trật đường ray sẽ càng tai hại chết chóc hơn. Và những nạn nhân vẫn cứ là những người sử dụng con tàu đó, dù chỉ số IQ của người Trưởng tàu có cao đến đâu chăng nữa.

HCQ/AM

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

[*] Xem từ Bài 1 : «Con người cần có ô-xy, ánh sáng và không gian», ngày 04-8-2010

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.