BBC
14 tháng 10 2024
Báo cáo thường niên Chỉ số Quyền lực châu Á 2024 do Viện Lowy, viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Úc, vừa công bố vào tháng 9/2024 cho thấy Việt Nam đứng thứ 12 trong tổng số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Nguồn hình ảnh: Getty Images/ BBC
Theo đó, sức mạnh tổng thể của Việt Nam đã tăng 1,2 điểm so với năm 2023, tạo ra ảnh hưởng trong khu vực nhiều hơn so với dự kiến.
Trong số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ, Nga, Úc, New Zealand, thì Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia hạng trung.
Thước đo chỉ số quyền lực này dựa trên tám tiêu chí: năng lực kinh tế, năng lực quân sự, khả năng phục hồi, nguồn lực tương lai, quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa.
Sự cải thiện lớn nhất của Việt Nam vào năm 2024 là ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa, song thước đo về mạng lưới quốc phòng sụt giảm.
So với quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp dưới Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, và đứng trên Philippines, Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Đông Timor.
- Hộ chiếu Việt Nam thuộc hàng ‘tủi thân’ trên thế giới, chính phủ làm được gì? 29 tháng 7 năm 2022
- Việt Nam có nên theo mô hình phát triển của Nhật Bản? 24 tháng 9 năm 2024
- CEBR: Kinh tế Việt Nam ‘sẽ đứng thứ 21 thế giới’ vào năm 2038 29 tháng 12 năm 2023
Từ Sydney, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy, trưởng dự án Chỉ số quyền lực châu Á Susannah Patton nói với BBC News Tiếng Việt bảng xếp hạng này nhằm so sánh sức mạnh toàn diện của các quốc gia dựa trên một loạt yếu tố, như mức độ tự cường và sự ảnh hưởng, xem các nước sử dụng sức mạnh, tài nguyên mà họ có ra sao…
Nhắc đến Việt Nam, bà Patton cho rằng vì là một trong những nước hoạt động ngoại giao tích cực nhất ở khu vực trong năm qua, khía cạnh mà Việt Nam đạt kết quả tốt nhất là ảnh hưởng ngoại giao.
“Tôi nghĩ điều này phản ánh chiến lược ngoại giao với nhiều đối tác của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực đón cả hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc”, bà nói.
Tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội theo lời mời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dịp này, Mỹ và Việt Nam đã ký kết xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Ba tháng sau, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, Việt Nam đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 8/2024, khi ngành ngoại giao Việt Nam kỷ niệm 79 năm thành lập, chính phủ Việt Nam cho biết đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới.
Bên cạnh ngoại giao, nhà nghiên cứu Susannah Patton cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đã cải thiện điểm số về quan hệ kinh tế, đang trở thành một quốc gia có nền kinh tế kết nối, có thể liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng bà cũng lưu ý rằng có một khía cạnh mà Việt Nam bị thụt lùi là mạng lưới quốc phòng, tiêu chí được đánh giá dựa trên các loại hình tập trận quân sự chung, cũng như các cuộc đối thoại quốc phòng giữa các quốc gia.
“Điều này không có nghĩa là Việt Nam tham gia tập trận hay đối thoại ít hơn, mà lý do là vì các nước trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia trong mạng lưới đồng minh với Mỹ đang thực hiện nhiều hoạt động chung hơn so với trước đây”, chuyên gia này phân tích.
“Và tình trạng không liên minh của Việt Nam cùng với việc nước này khá thận trọng trong hợp tác quân sự đối với các quốc gia khác có nghĩa là Việt Nam vẫn nằm ngoài mạng lưới đó”.
Trong bối cảnh các tranh chấp trên Biển Đông leo thang trong thời gian gần đây, bà Patton nêu dẫn chứng một quốc gia trong khu vực là Philippines đã nâng cao mạng lưới quốc phòng và ảnh hưởng ngoại giao.
Nhà nghiên cứu này cho biết chiến lược minh bạch cùng với cách tiếp cận mạnh mẽ của Philippines trong việc bảo vệ các yêu sách chống lại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến vị thế của Philippines trong khu vực, vì họ đang hợp tác với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc và đặc biệt là Mỹ.
Còn Việt Nam chọn cách tiếp cận im lặng, nhưng chuyên gia từ Viện Lowy cho rằng Hà Nội cũng nỗ lực để xây dựng khả năng răn đe quân sự và có tham vọng chiến lược thể hiện thông qua chiến dịch âm thầm bồi đắp đảo được ghi nhận trong năm qua.
Chính phủ Việt Nam cũng kiên trì với chính sách quốc phòng “bốn không”, gồm: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam ảnh hưởng từ Mỹ hay Trung Quốc nhiều hơn?
Báo cáo Chỉ số quyền lực châu Á của Viện Lowy cũng thể hiện mạng lưới các đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Susannah Patton cho biết xét về tổng quát, Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường đang cạnh tranh khá sát sao và cũng là hai nước có ảnh hưởng nhiều nhất đến Việt Nam.
“So với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam có phần khác biệt ở chỗ mức độ tham gia kinh tế với Mỹ và Trung Quốc cân bằng hơn”, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy nhận định.
“Riêng đối với Trung Quốc, Việt Nam thiết lập một mức độ đối thoại an ninh mà nhiều nước khác trong khu vực không có. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam khá cân bằng với hai đối tác này”.
Nga cũng là một nước có ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam trước đây, song nước này đang bị phân tán bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Còn về phía những nước mà Việt Nam tạo có ảnh hưởng, nhiều dữ liệu của Lowy cho thấy mức độ tham gia của Việt Nam với Lào và Campuchia, liên quan đến cả ngoại giao và quốc phòng.
“Tôi nghĩ nhiều người sẽ ngạc nhiên, đặc biệt là những người bên ngoài khu vực có thể không hoàn toàn hiểu hết những nỗ lực mà Việt Nam đã dành cho việc tương tác với các nước láng giềng Lào và Campuchia, trong quan hệ song phương với từng nước và đôi khi trong khuôn khổ tam giác ba nước”, bà nói.
Xét đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Patton nhận định Việt Nam còn cách khá xa Singapore và Indonesia, song khá gần với Thái Lan và Malaysia.
Bà Patton cho rằng trong tương lai không xa, Việt Nam có thể vượt qua Malaysia và cả Thái Lan.
“Điều này sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam, cũng như loại hình đối tác mà nước này thiết lập với các các quốc gia khác, hay mức độ hoạt động ngoại giao của Hà Nội…”.
Bên cạnh đó, thứ hạng cũng phụ thuộc vào cách tiếp cận của Thái Lan và Malaysia, vì tính chất của một chỉ số tương đối có thể thay đổi khi một quốc gia gặp khó khăn hoặc mắc sai lầm, lúc đó các nước khác sẽ vươn lên”, bà lý giải.
Mỹ-Trung so kè, Ấn Độ trỗi dậy
Trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á năm nay, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất, theo sau là Trung Quốc.
Washington dẫn trước Bắc Kinh về sáu trong tám chỉ số, trong đó năng lực quốc phòng, ảnh hưởng văn hóa và khả năng kinh tế. Ngược lại, Trung Quốc có mối quan hệ ngoại giao và thương mại mạnh hơn trên khắp châu Á.
“Theo các chỉ số của chúng tôi, Mỹ vẫn có quyền lực hơn Trung Quốc khoảng 10%. Và sau đó có một khoảng cách rất lớn giữa hai nước này so với Nhật Bản và Ấn Độ, những cường quốc tiếp theo,” nhà nghiên cứu Susannah Paton nói với BBC.
Tuy vậy, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách về năng lực quân sự so với Mỹ, khi họ đổ tiền vào việc mở rộng lực lượng vũ trang.
Báo cáo năm nay cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc đang ở vị thế cao hơn Mỹ xét về khả năng nhanh chóng triển khai quân đội ở châu Á trong một thời gian dài trong trường hợp xảy ra xung đột.
Nhưng sức mạnh tổng thể của Bắc Kinh trong khu vực đang bắt đầu chững lại trong bối cảnh dân số cả nước giảm.
Trong khi đó, Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản một cách sát sao để trở thành quốc gia mạnh thứ ba trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á năm 2024.
“Ðiểm mạnh lớn nhất của Ấn Ðộ ở châu Á là các nguồn lực sẵn có của nước này như dân số, diện tích và nền kinh tế khổng lồ. Hiện Ấn Ðộ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới về sức mua tương đương”, báo cáo nêu.
Về phía Nhật Bản, dù giữ được nhiều thế mạnh, vị thế kinh tế của nước này trong khu vực đã giảm, với một trong những nguyên nhân là lợi thế công nghệ của họ đã “sụt giảm mạnh do sự cạnh tranh từ các trung tâm sản xuất tiên tiến khác ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan”.
Tuy nhiên, Viện Lowy đánh giá cao xu hướng chuyển đổi của Nhật Bản từ một cường quốc kinh tế và văn hóa thành một cường quốc năng nổ tham gia vào các hoạt động về quốc phòng và an ninh với các nước khác.
Chụp lại hình ảnh: Mỹ và Trung Quốc là hai nước đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á 2024. Nguồn hình ảnh: Getty Images/ BBC
Năm 2024 cũng chứng kiến việc Úc vượt qua Nga để trở thành nước đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng. Úc được đánh giá tốt nhất về năng lực quốc phòng nhưng không đạt điểm cao về các nguồn lực trong tương lai.
Ở vị trí thứ 6, Nga tăng điểm về quân sự nhưng giảm thứ bậc về năng lực kinh tế, khả năng phục hồi, mối quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng và ảnh hưởng văn hóa.
Theo báo cáo này, Nga đã suy giảm mạnh về ảnh hưởng khi cuộc chiến ở Ukraine làm suy yếu sự tập trung và nguồn lực ở khu vực.
“Nga là một đối tác quan trọng đối với Việt Nam trong quá khứ, nhưng ảnh hưởng của Nga ở châu Á thực sự đã giảm trong năm nay khi sức mạnh tổng thể của họ bị phân tán bởi cuộc xâm lược Ukraine và không thể dành sự chú ý ngoại giao cho châu Á như trước, mặc dù Tổng thống Putin đã đến thăm ba quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, trong năm nay”, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy lý giải.
Tháng 6/2024, Việt Nam là quốc gia xa xôi nhất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công du sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. Ngay trước chuyến thăm Việt Nam, ông Putin đã đến Triều Tiên và trước đó một tháng là Trung Quốc.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia được xếp hạng cao nhất. Tuy diện tích không lớn nhưng đảo quốc này giàu có và có mạng lưới kết nối chặt chẽ với thế giới.
Vì vậy, mặc dù không bằng Indonesia về khả năng phục hồi quốc gia, song Singapore có thể dành nhiều nguồn lực hơn cho năng lực quân sự và hội nhập sâu hơn với khu vực thông qua các mạng lưới quốc phòng, các dự án văn hóa và các liên kết thương mại-đầu tư.
Nguồn: BBC Tiếng Việt