Đằng sau tuyên bố ủng hộ Iran của Trung Quốc

James Palmer “China Says It Backs Iran. Does It, Foreign Policy, 01/10/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông, sự ủng hộ tinh thần của Bắc Kinh dành cho Tehran dường như không có mấy ý nghĩa. 

Trung Quốc nắm ảnh hưởng trong mối quan hệ với Iran

Quân đội Israel đã tiến vào Lebanon hôm thứ Ba, trong khi đó Iran phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa khác nhắm vào Israel. Giữa lúc căng thẳng leo thang vào tuần trước, Bắc Kinh đã cam kết sẽ ủng hộ Tehran. Trên thực tế, động thái này dường như không có mấy ý nghĩa: Mặc dù hai nước có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng Trung Quốc vẫn là bên nắm hầu hết quyền lực – trong khi Iran khó có thể lôi kéo được Bắc Kinh vào một cuộc xung đột xa rời với các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Đại sứ Phó Công (Fu Cong), đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Trung Đông tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 31 tháng 7. Michael M. Santiago/Getty Images

Năng lượng tiếp tục là yếu tố then chốt trong mối quan hệ Trung Quốc – Iran. Hiện nay, hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran được chuyển đến Trung Quốc, chủ yếu được thu mua bởi các nhà máy lọc dầu tư nhân hoạt động trên thị trường chợ đen; tuy nhiên, vào năm 2019, Iran chỉ xếp thứ sáu trong danh sách các nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. (Dữ liệu gần đây khó xác định do dầu Iran bị sửa đổi xuất xứ để tránh các lệnh trừng phạt).

Vào năm 2021, hai nước đã ký một thoả thuận 25 năm, trong đó Trung Quốc cam kết các khoản đầu tư đáng kể vào Iran, đảm bảo nguồn cung dầu, đổi lấy sự đồng ý ngầm của Tehran trong việc không phản đối các cuộc đàn áp Hồi giáo ở Trung Quốc cũng như không hỗ trợ cộng đồng người Ngô Duy Nhĩ đang bị ngược đãi.

Liệu xung đột leo thang giữa Israel và Iran có mang lại bài học quý giá nào cho Trung Quốc? Có thể có. Hoạt động mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Iran không còn có nhiều tiến triển, nhưng các công ty vẫn duy trì hợp tác trong các thoả thuận phát triển thiết bị bay không người lái (drone). Do đó, Bắc Kinh có thể đã có những hoài nghi riêng khi chứng kiến sự thất bại của cuộc tấn công hồi tháng Tư của Iran, khi mà cuộc tấn công này có sử dụng loại drone Shahed mà các công ty Trung Quốc có thể đang lấy làm mẫu phát triển.

Cuộc tấn công của Iran hôm thứ Ba chỉ sử dụng tên lửa đạn đạo, nhưng Trung Quốc dường như vẫn theo dõi sát sao những nỗ lực đánh chặn tên lửa (có vẻ là thành công) của Israel, cho tên lửa của Trung Quốc hầu hết vận hành bằng công nghệ vốn đã tiên tiến hơn so với công nghệ của Iran – trong đó chính bản thân công nghệ của Iran một phần được phát triển nhờ thiết kế ngược các thiết bị mà Iran nhận được từ các thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc vào những năm 1990.

Mặc dù Tehran không có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đối với Bắc Kinh, nhưng vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể trong các tầng lớp tinh hoa của Trung Quốc. Những chuyến thăm chính thức giữa Trung Quốc và Iran diễn ra thường xuyên đến mức đáng ngạc nhiên, cùng với các các cuộc gặp quốc phòng song phương – trong các cuộc diễn tập chính thức, các chuyến thăm tới Trung Quốc, và thông qua các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức mà Iran đã gia nhập vào năm ngoái.

Vì vậy, đối với Trung Quốc, tác động chính của cuộc xung đột Trung Đông có thể là về mặt tâm lý. Sự hoài nghi của các quan chức Trung Quốc về năng lực tình báo của Mỹ – bất kể những hoài nghi này cũng phần nào hợp lý hoặc đơn thuần chỉ là tưởng tượng – được thổi phồng thêm bằng các cuộc đối thoại với những người bạn Iran. Chẳng hạn như, một số tuyên bố của Iran rằng cuộc Cách mạng Xanh năm 2009 là một âm mưu của CIA, ý tưởng này đã được hoan nghênh đón nhận tại Trung Quốc, nơi mà mỗi cuộc “cách mạng màu” đều bị xem là một âm mưu.

Thông tin về việc các quan chức Mỹ ngầm “bật đèn xanh” cho Israel tiến hành các cuộc đột kích vào Lebanon dường như càng củng cố niềm tin của Trung Quốc rằng đằng sau mọi rắc rối diễn ra trên toàn cầu đều có bàn tay của Mỹ nhúng vào. Hơn nữa, thuyết âm mưu bài Do Thái đã trở thành một phần của tư tưởng chủ đạo tại Trung Quốc, gắn liền với cách Bắc Kinh mô tả Washington như một “bậc thầy giật dây” thao túng các sự kiện toàn cầu.

Cái thiếu trong giới lãnh đạo Trung Quốc là không nắm được mức độ không được lòng dân của chế độ Iran ngay trong chính nước này; tuy nhiên, những học giả Trung Quốc am hiểu hơn – những người đã cố gắng lên tiếng về vấn đề này – lại phải đối mặt với những rắc rối chính trị, theo lời một chuyên gia phương Tây và đồng nghiệp của người này.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có các hành động để cân bằng trong mối quan hệ với Israel. Trong suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc và Israel có mối quan hệ hợp tác rất thành công trong lĩnh vực công nghệ, nhiều dấu ấn nhất là thời kỳ bùng nổ của Israel vào những năm 2000. Các quan chức Mỹ đã lặng lẽ tỏ ra không hài lòng về sự hợp tác này và tìm cách tác động để Israel rời xa Bắc Kinh.

Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với phong trào Palestine, đi kèm với thất bại khi không thể kiềm chế được chủ nghĩa bài Do Thái sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 đã gây tổn hại đến mối quan hệ của Trung Quốc với Israel – dù vậy, mối quan hệ hai nước vẫn chưa hẳn là đổ vỡ. Các dự án do Trung Quốc tài trợ vẫn tiếp tục được khuyến khích và hiện diện khắp nơi ở Israel.

Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục ủng hộ Iran về mặt ngoại giao – và tận dụng mọi cơ hội để chỉ trích các chính sách của Mỹ, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với “chủ quyền” của Iran. Tuy nhiên, Trung Quốc không mấy mặn mà với việc đảm nhận một vai trò an ninh ở Trung Đông. Mặc dù các quan chức Mỹ có thể lo ngại về cái gọi là “Trục Giận dữ” (Axis of Anger), nhưng việc Trung Quốc “chống lưng” cho Iran – cũng như việc Trung Quốc thực chất ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine – đều chỉ vì lợi ích thực dụng và có mức độ giới hạn.

J.P.

Nguồn bản dịchNghiencuuquocte.org

This entry was posted in Iran, Trung Đông, Trung Quốc. Bookmark the permalink.