Trọng Thành
Vụ tàu công vụ Trung Quốc tấn công ngư dân tàu cá Việt Nam hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 29/09/2024 là một nấc mới trong hành xử bạo lực của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tại sao Trung Quốc gia tăng mức độ bạo lực nhắm vào ngư dân Việt Nam vào thời điểm này? |
Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 19/08/2024. AP – Zhai Jianlan
Ngày 29/09, khoảng 40 người từ hai tàu công vụ của Trung Quốc đã xông lên một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, dùng gậy sắt đánh đập khiến 4 người bị thương nặng. Nhân viên Trung Quốc đã cướp đi toàn bộ hải sản đánh bắt, cùng trang thiết bị trên tàu, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Năm ngày sau vụ tấn công, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng: “Kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”. Về phần mình, Trung Quốc cho rằng “lực lượng Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp bắt giữ theo quy định của pháp luật, được thực hiện một cách có kiềm chế”, và không thừa nhận có người bị thương.
‘‘Phần nổi của tảng băng chìm’’
Theo một số nhà quan sát, vụ việc mới nhất xảy ra có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Collin Koh, một chuyên gia cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát và Việt Nam đòi chủ quyền. Ông Koh cho biết thêm là có thể có nhiều trường hợp tương tự đã không được báo cáo hoặc “bị ỉm đi”.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, báo chí chính thức ở Việt Nam đã ghi nhận một số vụ tàu công vụ Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Chẳng hạn như vụ một tàu cá, cũng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động gần đảo Phú Lâm hồi cuối tháng 08/2024, đã bị tàu Hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công gây hư hại nặng, có người trên tàu bị thương. Tuy nhiên, vụ khoảng 40 nhân viên xông lên tàu đánh đập, cướp phá, đe dọa tính mạng của ngư dân ngày 29/9 rõ ràng là một nấc thang bạo lực mới của Trung Quốc nhắm vào ngư dân Việt Nam. Viên thuyền trưởng của tàu cá bị tấn công kể lại: Đây là hành động tàn bạo nhất mà anh từng biết đến trong 15 năm hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa.
Về lý do của việc Trung Quốc gia tăng bạo lực, ông Benjamin Blandin, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Hội đồng Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương Yokosuka, Nhật Bản, được SCMP trích dẫn, đã so sánh hành xử tàn bạo gia tăng của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam trong vụ mới nhất với mức độ gây hấn tăng cao của Bắc Kinh đối với tàu thuyền Philippines, bao gồm tàu công vụ, tại nhiều địa điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila trên Biển Đông, đặc biệt với việc triển khai với số lượng lớn tàu Hải quân, Hải cảnh và dân quân biển. Đỉnh điểm là vụ nhân viên Trung Quốc xông lên tàu công vụ Philippines đánh bị thương người, tước đi nhiều vũ khí hồi giữa tháng 06/2024.
Trung Quốc không hài lòng với tân lãnh đạo Việt Nam?
Tuy nhiên, hành động bạo lực gia tăng của Trung Quốc nhắm vào ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa xảy ra vào một thời điểm đặc biệt, chỉ ít ngày sau chuyến đi Mỹ đầu tiên của tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, kế nhiệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời hồi tháng 07/2024. Theo nhiều nhà quan sát, chuyến đi này cũng được coi là một hoạt động ngoại giao quan trọng của tân lãnh đạo Việt Nam nhằm siết chặt quan hệ hợp tác với Mỹ.
Nhà báo Sebastian Strangio, chuyên về Đông Nam Á, trong một bài viết trên trang mạng Nhật Bản The Diplomat, trích nhận định của nhà nghiên cứu Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hawaii, Mỹ), lưu ý là vụ tấn công nhắm vào tàu cá Việt Nam xảy ra sau chuyến thăm của ông Tô Lâm tới Trung Quốc và Mỹ, cho thấy “Trung Quốc không hài lòng với nhà lãnh đạo mới của Việt Nam”. Theo nhà nghiên cứu Alexander Vuving, tân lãnh đạo Việt Nam cũng tỏ ra “ít dễ dãi hơn với Trung Quốc”.
Dàn xếp nội bộ với Trung Quốc hay mạnh mẽ khẳng định chủ quyền?
Vụ tấn công “bạo lực” gây thiệt hại nặng cho ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa phải chăng là một hành động trắc nghiệm của Trung Quốc đối với tân lãnh đạo chế độ Hà Nội? Việt Nam sẽ hành xử ra sao sau cuộc tấn công hiếm có này?
Theo chuyên gia Abdul Rahman Yaacob, nghiên cứu viên của chương trình Đông Nam Á, thuộc Viện Lowy, trụ sở tại Úc, Việt Nam có thể chọn cách gia tăng “lực lượng tuần duyên hoặc hải quân để bảo vệ ngư dân”. Việt Nam cũng có thể có nhiều hành động khác mạnh mẽ hơn về pháp lý và hợp tác quốc tế, để khẳng định chủ quyền.
Nhưng cũng theo chuyên gia Viện Lowy, Hà Nội cũng có thể tiếp tục cách hành xử lâu nay, tức là tìm cách dàn xếp tranh chấp với Trung Quốc thông qua các đàm phán song phương. Một quan chức Việt Nam cho chuyên gia Viện Lowy biết “tranh chấp Biển Đông chỉ chiếm 1% trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, 99% còn lại là tốt, ta không nên để 1% đó ảnh hưởng đến 99% còn lại”. Liệu các dàn xếp nội bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để giảm nhẹ căng thẳng có sẽ giúp ngư dân Việt Nam hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa tránh bị tấn công trong tương lai?
T.T.
Đọc thêm:
Philippines lên án Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa
Nguồn: RFI