Hạo Nhiên
29-8-2024
Khoảng hai tuần qua, những người quan tâm đến thời cuộc đều tỏ ra hết sức kinh ngạc và bất bình khi thấy có cuộc tấn công cấp tập của các “dư luận viên” vào Đại học Fullbright, một một cơ sở giáo dục phi lợi nhuận do Hoa Kỳ tài trợ, nhằm mục đích đào tạo nhân tài chủ yếu về quản lý kinh tế công cho Việt Nam.
Ngạc nhiên là vì giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang có mối quan hệ ngoại giao ngày càng tốt đẹp, thậm chí đã nâng lên tầm quan hệ “chiến lược toàn diện” là cấp cao nhất trong các cấp ngoại giao của Việt Nam, những kẻ tấn công làm như vậy thì có khác gì chửi thẳng vào mặt quốc gia đã giúp đỡ cho mình?
Các nhóm “dư luận viên” kể trên đã thực hiện cuộc tấn công nhằm bẻ lái dư luận một cách rất hăng hái, bằng những lời lẽ quy chụp nặng nề, vô căn cứ đối với Đại học Fullbright. Do họ thấy ở Bangladesh và Campuchia xảy ra những cuộc cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng chống chính phủ, nên nhóm dư luận viên này nhanh nhảu đoảng theo kiểu “bảo hoàng hơn vua”, lên tiếng cho rằng Fullbright là “lò đào tạo phản động” của Mỹ lập ra, “ổ dạy làm cách mạng màu”, để lật đổ chính quyền Cộng sản Việt Nam.
Điều kinh ngạc tiếp theo các sự kiện nêu trên là, theo báo điện tử Chính phủ số mới nhất, chiều 26-8-2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của trường Đại học Fulbright, người phát ngôn Bộ Ngoại Việt Nam giao nêu rõ:
“Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.
Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Vậy nghĩa là thế nào? Cuộc tấn công vừa rồi vào Đại học Fulbright là do sự tự phát của một số dư luận viên “bảo hoàng hơn vua” hay do chủ trương của Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan đứng ra xây dựng lực lượng dư luận viên này?
Nếu tự phát mà trái ngược với đường lối chính thống của quốc gia thì tại sao Ban Tuyên giáo Trung ương không ngăn cản?
Hay là có sự mâu thuẫn về chủ trương chính trị giữa các cơ quan lãnh đạo trung ương (ở đây là giữa Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên giáo Trung ương), hoặc nói cách khác, giữa những người trong nội bộ Đảng CSVN vẫn chưa có sự thống nhất về đường lối, chủ trương căn bản liên quan đến đại sự quốc gia?
Qua vụ việc đáng tiếc này, có lẽ cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời cũng xem xét lại luôn sự tồn tại của lực lượng đông đảo dư luận viên, về những điều tai hại mà họ có thể đã gây ra bấy lâu nay cho đất nước, cũng như lần này họ đã dám “đâm sau lưng chiến sĩ”!
Theo Từ điển bách khoa Wikipedia, dư luận viên, tức tuyên truyền viên trên mạng, “là các cá nhân, nhóm người được chính phủ thuê, hướng dẫn và đào tạo để thực hiện tuyên truyền, tranh luận và hướng dẫn dư luận về mặt nội dung trên mạng Internet… Dư luận viên chú trọng vào việc tuyên truyền các tư tưởng thân chính phủ trên mạng. Việc hình thành những nhóm này là do chính phủ nhận thức rằng việc áp dụng tường lửa để ngăn chặn những thông tin gây bất lợi cho chính thể đã không còn mang lại hiệu quả cao”.
Ở Việt Nam, người ta lập hàng chục trang báo mạng đặt tên nghe rất kêu như “Nhân Văn Đất Việt”, “Nhân Quyền”… nhưng trên thực tế là để tiêu diệt nhân văn, trấn áp nhân quyền, trù dập những tiếng nói dân chủ đòi cải cách xã hội.
Dư luận viên chỉ có ở những nước theo chế độ độc tài toàn trị như Trung Quốc, Việt Nam… để ngăn chặn các loại “ý kiến khác”. Ở Việt Nam hiện nay, lực lượng dư luận viên thường quen bị gọi với cái tên rất xấu là “bò đỏ”. Thật ra, dư luận viên Việt Nam cũng chỉ bắt chước cách làm tuyên truyền giả dối thành tật của Cộng sản Trung Quốc mà thôi, với cái mà Trung Quốc gọi là “võng quân” (đội quân mạng), hay “dư luận dẫn đạo quân” (người hướng dẫn dư luận).
Thủ phạm lập ra lực lượng dư luận viên đông đảo, như những lời đồn đãi, rõ ràng là Ban tuyên giáo Trung ương, chứ còn ai trồng khoai đất này?
Trong một buổi gặp mặt sinh hoạt chính trị đầu xuân với các cộng tác viên dư luận xã hội cấp trung ương, tổ chức sáng ngày 4-3-2021 tại Hà Nội, một nhân vật lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương đảng CSVN đã từng phát biểu: “Mỗi cộng tác viên dư luận xã hội phải trở thành ‘nhiệt kế’ để đo được ‘nhiệt độ’ xã hội, trở thành ‘các cột ăng ten’ để nắm bắt tập hợp, phản ánh và cung cấp thông tin chính thống, góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực”.
Cũng theo ông này, rằng dư luận viên phải “nâng cao năng lực định hướng dư luận xã hội, bám sát ‘hơi thở’ của thực tiễn cuộc sống, phòng ngừa sự phá hoại, thâm nhập của các thông tin xấu độc và làm lớn mạnh dư luận tư tưởng chính thống”; rằng với số lượng cộng tác viên dư luận xã hội các cấp như hiện nay “cần thâm nhập sâu rộng vào môi trường mạng xã hội; cần chủ động xây dựng các đề tài, kịch bản cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội”…
Ý nghĩa nêu ra trông có vẻ tốt đẹp, nhưng thực tế thì thế nào?
Trong khi “bút chiến”, đám dư luận viên luôn có thái độ hằn học, lời lẽ trịch thượng sỗ sàng, bao nhiêu chữ nghĩa cha mẹ cho ăn học họ đều tuôn hết ra để chuyển tải những lý luận giáo điều cũ rích, nhằm mạt sát, chống lại những tiếng nói phản biện xã hội nghiêm chỉnh, có tính xây dựng. Do vậy, kết quả thường là hiệu ứng ngược, bảo vệ vua mà chẳng khác nào hại vua.
Tuy nhiên, sở dĩ một số trang mạng xã hội của giới dư luận viên vẫn tồn tại là vì nó vẫn còn được một số người tin theo, đó là những kẻ ngây thơ hồn nhiên trong chốn thường dân hoặc trong đám cán bộ công nhân viên đã bị ru ngủ lâu bằng những lời lẽ tuyên truyền giả dối, không còn thích hợp thời đại mới.
Điều đáng buồn cười ở xứ ta là, dư luận viên càng công kích ai thì người bị công kích càng được dư luận quan tâm theo dõi. Tương tự, hễ cuốn sách nào bị cấm và/ hoặc bị nhà nước thu hồi thì độc giả càng cố tìm mua cho kỳ được, hoặc nhân bản “đọc chui”, dưới hình thức những bản photo truyền tay nhau…
Ngày nay, trong thời đại Internet, thế giới đã phẳng ra. Dân Việt Nam có đến 90% biết sử dụng điện thoại thông minh (giá rất rẻ), mọi sự thật dần dần được phơi bày đầy đủ, nên tác dụng của dư luận viên đã và đang bị suy giảm nhanh chóng. Muốn ngăn chặn dư luận “trái chiều”cũng không ngăn chặn được đâu, vì một người vượt đèn đỏ thì viên cảnh sát giao thông có thể thổi còi chặn lại được, chứ đến hàng trăm người cùng vượt thì cảnh sát cũng đành phải bó tay! Tình trạng thất nghiệp cho giới dư luận viên vì vậy cũng đang xảy ra, còn gọi là “thất nghiệp công nghệ thông tin”, do sự phát triển vũ bão của những tiến bộ khoa học-kỹ thuật.
Qua sự vụ tấn công “hớ” đối với Đại học Fullbright vừa rồi, cũng như qua các tác động ngược trong việc sử dụng lực lượng dư luận viên, có lẽ đã đến lúc Ban Tuyên giáo Trung ương cần dẹp bỏ đội ngũ này. Các dư luận viên cũng cần tỉnh tuồng, xem lại nghề nghiệp kiếm sống của mình. Có người cho rằng, đã là người có hiểu biết/ tử tế thì chẳng ai đi “đầu quân” làm dư luận viên cả.
Để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai gần, giới dư luận viên nên bắt đầu chuyển hướng: Thay vì tiếp tục những việc làm như cũ, phá hoại hướng tiến lớn của quốc gia dân tộc, quý vị hãy dùng “tài năng” về miệng lưỡi/ kỹ năng ngôn luận của mình đả thẳng vào bọn sâu dân mọt nước…
H.N.
Nguồn : https://baotiengdan.com/2024/08/29/du-luan-vien-pha-hoai-dat-nuoc-nhu-the-nao/