Nguyễn Đình Cống
GIÁ, LƯƠNG, TIỀN là ba từ được đề cập nhiều vào thời cố Phó thủ tướng thường trực Tố Hữu phụ trách, trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20.
Đã một thời giá hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tăng hàng ngày, có khi hàng giờ, mà lương thì thấp, không đủ ăn nên chính phủ đã có quyết định “Bù giá vào lương”.
Tôi tạm gọi công chức là những người nhận lương từ ngân sách nhà nước, dù họ đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu.
Để biết giá, lương, tiền biến động như thế nào, nên điểm qua một chút lịch sử tài chính của Việt Nam.
Từ năm 1945 đến năm 1951, gọi đồng tiền là Tiền Tài chính (đồng TC).
Năm 1951 phát hành đồng tiền mới, gọi là Đồng Ngân hàng (NH) và giữ tên gọi ấy cho đến ngày nay, trải qua một số lần đổi tiền.
Gọi NH1 là đồng tiền NH đầu tiên từ năm 1951. Có sự đổi tiền lần đầu tiên. Một NH1 = 10 đồng TC.
Năm 1953, phát hành đồng NH2 = 10 đồng NH1 (đổi tiền lần hai).
Năm 1959 phát hành đồng NH3 = 1.000 đồng NH2. Lần đổi tiền này nhằm đánh vào những nhà giàu vì trước mắt chỉ cho đổi tối đa 2000 NH3.
Năm 1985 phát hành đồng NH4 = 10 đồng NH3. Vụ đổi tiền chớp nhoáng năm 1985 cũng chỉ cho đổi ngay tối đa 2000 đồng NH4. Vụ đó đã làm náo loạn thị trường.
Thử tính xem từ năm 1959 đến nay đồng NH mất giá mấy lần?
Lấy bữa ăn làm chuẩn. Hồi năm 1959, chúng tôi ăn mỗi ngày hai bữa ở nhà ăn tập thể phải trả 0,5 đồng NH3 (tiền ăn mỗi tháng 15 đồng), ăn sáng chỉ khoảng một hào.
Bây giờ ăn hai bữa phải trả khoảng 50.000 NH4 bằng 500.000 NH3.
Tính ra tỷ lệ mất giá của đồng tiền NH3, bây giờ so với năm 1959 (sau 66 năm) là 500.000/0,5 = 1 triệu lần.
Vừa qua nhà nước tăng lương đồng loạt, người nhận lương hưu được tăng 15%. Mục tiêu của tăng lương là để cải thiện đời sống cho công chức. Nhưng việc tăng lương như vậy xem ra chẳng cải thiện đời sống của họ được bao nhiêu vì đã để cho một số mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, thịt, cá đều tăng giá.
Tăng lương mà không ổn định được giá thì tác dụng nâng cao đời sống là rất ít. Tuyên truyền rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN là có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của nhà nước XHCN. Để cho tiểu thương tự do tăng giá thì thử hỏi lãnh đạo được ai, quản lý như thế nào? Vì vậy nếu muốn nâng cao đời sống công chức thì phải làm cách khác. Làm như thế nào, đó là trách nhiệm của các nhà tài chính. Tuy vậy, với tư cách người nghiên cứu tôi cũng đã suy nghĩ và tìm ra một số biện pháp (tôi tạm không viết ra vì hơi dài, chỉ đề phòng khi được hỏi đến thì có thể trình bày).
Để đánh giá lương cao hoặc thấp tôi đề nghị dùng tỷ số TS: TS = 12L/G, với: L là bình quân lương tháng của công chức, G là thu nhập quốc dân tính cho mỗi đầu người hàng năm.
Tôi không có số liệu thống kê của Việt Nam và các nước qua các thời kỳ, mà chỉ có nhận xét trên đại thể. Tôi chỉ nêu một gợi ý để bạn nào có điều kiện thì tiến hành nghiên cứu.
Ở Việt nam trước năm 1945 và ở Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, tỷ số TS không dưới 3 vì một công chức có thể nuôi sống một gia đình trung bình với vợ và hai con, trong lúc tỷ số TS của Việt Nam trong giai đoạn 1945-1951 chỉ xấp xỉ 1 và có lúc còn tụt xuống dưới 1. Hồi ấy một gia đình nông dân có con làm công chức, thỉnh thoảng còn phải trợ cấp thêm để con đủ sức làm việc cho nhà nước.
Trong xây dựng hòa bình, cả L và G đều tăng. Có lúc ngay sau khi tăng lương thì tỷ số TS có thể đạt đến trên 2 nhưng trong quá trình dài, G tăng nhanh, còn L tăng chậm hơn, nên cùng với việc tăng lương thì tỷ số TS giảm.
Vì sao lương công chức Việt Nam thấp? Để trả lời câu hỏi này phải lui về năm 1945, ngay sau Cách mạng Tháng Tám:
Để tuyên truyền, một trong những lời lên án thực dân Pháp là sưu cao thuế nặng, và chính quyền cách mạng sẽ giảm thuế cho dân. Trong lúc ngân khố trống rỗng, lại phải kiếm nhiều vàng đút lót cho quân Tưởng Giới Thạch để chúng nhường quyền giải giáp quân Nhật cho Pháp (Việc này hay dở ra sao, có dịp sẽ xin bàn sau), thì lấy tiền đâu để trả lương cao. Buộc phải dùng biện pháp động viên tinh thần chịu đựng gian khổ để phục vụ lý tưởng tươi đẹp (!).
Ở Singapore, ngay từ ngày đầu lập quốc, Lý Quang Diệu đã chủ trương trả lương cao cho công chức. Có như thế mới yêu cầu họ giữ được liêm chính và làm việc với năng suất và chất lượng cao.
Ban đầu lương công chức Việt Nam thấp, một nguyên do là vì nhà nước lúc đó quá nghèo, lại lo dồn sức cho kháng chiến, nhưng cơ bản là do nhầm trong chủ trương đường lối. Nhầm thứ nhất là chủ trương mị dân, cho rằng công chức là phải phục vụ nhân dân, càng chịu đựng gian khổ càng vẻ vang (?!). Thứ nữa là chủ tịch nước gương mẫu nhận lương tương đối thấp, thế thì cấp dười, từ thủ tướng trở xuống không thể nhận lương cao.
Để bù đắp cho chủ tịch, thủ tướng, bộ trưởng và nhiều công chức cấp cao khác, nhà nước tổ chức ra hệ thống phân phối theo bao cấp, mà quyền lợi này nhiều khi vượt rất xa tiền lương chính thức. Đó là chưa kể những thu nhập chân chính khác. Còn những người lợi dụng quyền lực để tham nhũng thì kiếm tiền nhiều không kể xiết.
Ở chỗ tôi, một ông phó hiệu trưởng trường đại học được hóa giá đất ở, ông ta bán đi, thu lời hơn 20 tỷ, bằng hơn bốn lần tiền lương cả đời. Với công chức cấp cao hơn thì sự cung cấp còn gấp nhiều lần hơn nữa, trong lúc nhiều giáo sư, được cung cấp không đáng kể. Như thế có phải là không công bằng (?).
Lương thấp làm cho nhiều công chức làm việc với năng suất kém. Để làm hết việc phải tăng biên chế, làm phình to tổ chức. Từ những năm trong kháng chiến chống Pháp, chính phủ đã nhiều lần kêu gọi giảm biên chế, nhưng rồi nếu có giảm được chỗ này lại làm phình chỗ khác. Nguyên nhân chính của việc này là một số sơ hở trong điều lệ tổ chức mà thủ trưởng cơ quan có thể dễ dàng lợi dụng. Đó là tổ chức có càng nhiều người thì quyền và lợi của thủ trưởng càng cao. Vì thế những thủ trưởng kém năng lực thường tìm đủ trăm phương ngàn kế để tăng biên chế.
Lương thấp còn góp phần làm suy đồi đạo đức của công chức. Chuyện xảy ra như sau: Giả thử A là công chức chịu trách nhiệm dịch vụ công và B là người cần dịch vụ ấy. Để được A làm nhanh, B nghĩ ra cách bôi trơn bằng một chút quà vui vẻ. Nhưng rồi chút quà ấy biến thành hạt giống để tạo nên nhiều rừng cây tham nhũng. Một giọt dầu bôi trơn phát triển thành suối dầu bất tận. Đến lúc này, thay cho việc làm dịch vụ thì A chỉ lo nghĩ ra những cách để làm khó cho B, buộc hắn phải “nôn ra” thứ A cần. Nạn tham nhũng tràn lan bắt đầu. A nguyên là một công chức bình thường biến thành kẻ tội đồ lúc nào không hay.
Nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã thành bệnh dịch lây lan kinh khủng mà chưa có thuốc chữa trị. Việc đốt lò chỉ trừng phạt được một số tên mà không có cách gì phòng chống.
Tìm hiểu việc phòng chống tham nhũng trên thế giới tôi tham khảo được cách làm của Hoàng đế Ung Chính đời Nhà Thanh bên Tàu. Sau đời Khang Hy, chính quyền nhà Thanh đầy tràn tham nhũng ở mọi cấp. Ung Chính đã nghiên cứu, tìm được đúng nguyên nhân cơ bản và đã có biện pháp liên hoàn, đồng bộ để diệt trừ. Ở Việt Nam hiện nay, tuy cũng có nghiên cứu, tìm nguyên nhân cơ bản của tham nhũng, nhưng theo tôi, những người chịu trách nhiệm chính tìm chưa đúng. Muốn tìm được đúng nguyên nhân cơ bản của nạn tham nhũng cần mở rộng tự do ngôn luận và đối thoại với những người phản biện.
Nhưng tiếc rằng lãnh đạo nhà nước đang cấm làm việc ấy.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN