Nghĩ vụn về nghề báo

Nhi Dũ Lưu

Làm báo bây giờ dễ hay khó? Trả lời câu hỏi này, cứ nhìn vào thời tiết chính trị thì biết. 

1. Tiếp tục quy hoạch báo chí

Cú quy hoạch lần đầu tiên tiến hành thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng, chủ trì và là tác giả là ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng 4T lúc ấy. Trưởng Ban Tuyên giáo lúc đó là Đinh Thế Huynh. Cú quy hoạch này gần như thất bại, không phải vì ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn ăn hối lộ vào tù, ông Đinh Thế Huynh đột nhiên “biến mất”, mà quy hoạch máy móc, làm một số tờ báo uy tín bị hạ cấp, phải nháo nhác đi tìm cơ quan chủ quản mới. Số lượng báo chí không giảm mà còn tăng thêm; ngân sách vẫn oằn mình gánh nhiều cơ quan báo chí.

2. Ngày 19-6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về dự thảo Quy hoạch phát triển báo chí thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch ngành quốc gia do Bộ TT-TT tạo lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Dù không nói gì đến thất bại của lần quy hoạch trước, nhưng ông Quang nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm, yêu cầu quy hoạch phải làm rõ ba vấn đề: Tầm quan trọng của đối tượng được quy hoạch; mục tiêu, định hướng phát triển trong tương lai; giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

Cả nước hiện có 820 cơ quan báo chí, một số lượng rất lớn nhưng tồn tại nhiều bất cập. Hơn ai hết Bộ TT-TT biết rõ nhiều tạp chí nhảy sang làm báo thời sự (newspaper) vô tư, vì thực ra làm tạp chí rất khó và khó có độc giả. Báo chí tư nhân là điều cấm kỵ nhưng chắc Bộ TT-TT biết rất rõ báo VNExpress, Kinh Tế Việt Nam, Dân Trí… và nhiều trang thông tin điện tử khác là của ai, thậm chí tổng biên tập cũng chơi kiểu “cha truyền con nối”!

Vì vậy cho nên phải quy hoạch lại, bởi quy hoạch thời Nguyễn Bắc Son cũng cùng số phận của tác giả của nó…

3. Làm báo bây giờ dễ hay khó?

Dễ mà khó. Thời 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) rất thuận lợi cho báo chí tác nghiệp. Báo chí hiện đại là vậy, với nhiều thể loại báo điện tử, đa phương tiện. Nhà báo không học thì sẽ lạc hậu ngay và luôn. Báo nào không cập nhật công nghệ sẽ bị đào thải ngay…

Dễ bởi báo chí cùng tiếng nói nên khó tìm cho được nét riêng, đặc trưng riêng của mình để thu hút độc giả.

Báo chính thống đang bị báo chí công dân (mạng xã hội) lấn át dữ dội. Hãy nhìn lại những biến động chính trị, xã hội vừa qua thì biết. Báo chí chính thống luôn đi sau thì làm sao đóng vai trò dẫn dắt dư luận xã hội?

Một số thể loại cổ điển như thể loại điều tra gần như đang chìm khuất. Đây là thể loại mà nhiều tác giả quốc tế đoạt giải Pulitzer. Vì sao thể loại này dần biến mất ở báo chí trong nước? Vẫn có, nhưng đó là những bài điều tra về dân sinh, đời sống, còn những bài điều tra về tham nhũng chẳng hạn, cũng biến mất. Ví dụ vụ án rất lớn, chấn động như Việt Á, cơ quan chức năng cung cấp thông tin gì, báo chí chỉ đăng lại thông tin đó mà thôi. Chi tiết ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt hai cổ đông của ông chỉ nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn, vậy còn 80% cổ phần còn lại là của ai? Chi tiết này cho đến nay, khi vụ án đã xử xong, vẫn chưa có câu trả lời. Nếu cách đây hơn 10 năm, trả lời câu hỏi này dễ ẹc, để chỉ mặt “trùm cuối” trong đại án này.

Khó là ở chỗ đó và còn nhiều cái khó nữa, nhưng vẫn hy vọng vào lần quy hoạch báo chí 4.0 này để nghề báo, báo chí làm tròn chức năng của mình, đặc biệt thể hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình “là tiếng nói của nhân dân” như Luật báo chí quy định.

*Cuối cùng, mừng ngày báo chí, ở tuổi này, tôi vẫn viết và viết nhiều đến nỗi phải đóng thuế thu nhập. Không biết nên buồn hay vui! Dẫu sao hãy nâng ly mừng ngày của một nghề khó mà dễ nhất hiện nay!

N.D.L.

Nguồn: FB Nhi Dũ Lưu 

This entry was posted in Báo chí Việt Nam. Bookmark the permalink.