Viết cho ngày 21/6

Phóng viên Hoài Nam

Khi đam mê bị chặn ngang đường

Hôm nay kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, với tôi năm nay là cũng là năm thứ 21 tôi bước vào nghề báo  một nghề với tôi là đam mê và tôi luôn dành tất cả tâm huyết cho nghề, cũng là để góp thêm cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Nhưng niềm đam mê ấy đã bị chặn, chặn ngang đường.

Trở lại những năm 2005 đến 2012, hàng loạt phóng sự điều tra về an toàn vệ sinh thực phẩm chấn động xã hội đã làm nên tên tuổi của tôi như Đậu hũ thạch cao, Cà phê hóa chất, Rau bẩn, Heo siêu nạc, Hành phi… Tôi luôn lấy những đề tài thành công đó là “kim chỉ nam” để tiếp tục cống hiến.

Năm 2014, khi điều tra đề tài tham nhũng ngân sách, vượt được qua cám dỗ thì bị cản trở bởi chính lãnh đạo của mình “không dừng điều tra thì ông Thông sẽ cho ông nghỉ việc” – Đặng Việt Hoa đe dọa. Suy nghĩ rất nhiều, nếu dừng thì tiền t của nhà nước sẽ vào túi cá nhân, đổi lại tôi sẽ bình an ở lại báo Thanh Niên. Nhưng nếu cương quyết “đánh tham nhũng” thì đồng nghĩa tôi sẽ mất nghề. Cách khng chế về kinh tế này đã khiến nhiền nhà báo trong làng báo dù rất đam mê, nhưng phải ngoan ngoãn để bảo toàn cuộc sống gia đình. 

May mắn, kinh tế nuôi sống gia đình không phụ thuộc việc tôi nghỉ hay tiếp tục làm ở báo Thanh Niên, nên tôi quyết định “chiến” bằng cách xin nghỉ phép để tiếp tục điều tra. Năm 2016, 8 bị cáo vụ án tham nhũng ngân sách được tòa án TP. Hà Nội đưa ra xét xử, thì tôi không còn là phóng viên báo Thanh Niên nữa. 

Những tưởng sẽ không được làm nghề, nhưng tôi được giám đốc VTV24 mời về và tại đây tôi tiếp tục phát huy “tố chất đã có” bằng báo hình. Vệt phóng sự đầu tiên khi tôi chuyển từ báo in sang báo hình là vệt điều tra 3 kỳ “Rau muống bào tẩm hóa chất công nghiệp”. Ngoài nhuận bút, do vệt bài điều tra công phu và thời sự cũng như hiệu ứng xã hội nên được lãnh đạo VTV24 thưởng 10 triệu đồng, đã làm động lực lớn cho tôi. 

Từ thông tin của bạn đọc, tôi phát hiện hàng chục tài xế xe bồn trộm dầu máy bay như chốn không người ở TP.HCM. Bắt tay điều tra phát hiện cả một mạng lưới khoảng 150 đối tượng, thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, riêng đối tượng trộm đều là lái xe bồn của 5 đơn vị vận chuyển dầu máy bay đi các sân bay ở phía Nam, cấu kết với khoảng 70 đối tượng ngoài xã hội để trộm cắp mỗi ngày khoảng 10.000 lít dầu máy bay, trước khi vận chuyển dầu máy bay từ kho xăng dầu ở các quận 27 và Nhà Bè về các sân bay Tân Sơn Nhất, Buôn Mê Thuột, Liên Khương và Cần Thơ. 

Đeo bám hơn 5 tháng ghi hình cận cảnh tài xế trộm cắp bán cho băng nhóm tiêu thụ vận chuyển về kho và đi bán cũng như pha trộn vào xe bồn trước khi đi giao cho cây xăng khắp các quận huyện ở TP.HCM. Có đủ chứng cứ, tôi vẽ sơ đồ rất rõ đường đi của 10.000 lít dầu máy bay và lập hẳn một kế hoạch triệt phá rất cụ thể, in 120 tấm hình, mang đến bàn giao cho Cục CSHS Bộ Công an đang thường trực phía Nam. Trước khi bàn giao, tôi ra Hà Nội đến Đài THVN gặp lãnh đạo VTV24 báo cáo, lãnh đạo VTV24 đồng ý sẽ làm kỹ và tận dụng các kênh để phát sóng, đồng thời sẽ chuẩn bị vệt phóng sự này dự thi liên hoan truyền hình.

Nhận được thông tin và chứng cứ rõ ràng của tôi bàn giao, Bộ Công an đã xác lập chuyên án cấp Bộ, huy động thêm hai Cục A69 và 71 thuộc Tổng cục An ninh vào cuộc. Ngày 9/3/2017, 160 CSHS, CSCĐ đồng loạt bắt giữ 32 đối tượng, niêm phong hơn 40.000 lít xăng dầu các loại. 

Sau khi Bộ Công an triệt phá thành công, tôi biên tập 5 phóng sự phát trên sóng VTV1 Đài THVNVTV1 phát sóng đến phóng sự thứ 3 thì anh Võ Văn Thưởng có bút phê vào công văn của DN yêu cầu Đài THVN dừng phát sóng. Và sau đó từ một chuyên án “con voi” đã biến thành đuôi “con chuột”, cả 5 đơn vị có cùng hành vi phạm tội như nhau nhưng có 4 đơn vị mạnh về kinh tế được bỏ ra ngoài chuyên án. Tôi cũng rời VTV24 từ đó, mà không có một đồng nhuận bút nào, tiền của vợ đi thực hiện phóng sự bị âm.

Năm 2018 tôi được báo Pháp Luật TP.HCM mời về, trước khi ký hợp đồng, TBT gặp tôi động viên hứa sẽ ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi, nhất là điều tra tham nhũng. Tôi thầm nhủ có lẽ mái nhà mới này sẽ là sân chơi cho tôi hết mình cống hiện cho sự nghiệp báo chí cách mạng. 

Nhưng cũng như những cơ quan trước, sau khi loạt bài “Quỹ đen” ở Cục Đường thủy làm rung chuyển làng báo bởi nghiệp vụ điều tra. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc. Tôi ra Hà Nội cung cấp toàn bộ chứng cứ và dữ liệu điện tử cho C01, chắc mẩm 18 bị can lần lượt bị khởi tố. Nhưng không, đến bị can thứ 3 thì cơ quan CSĐT Bộ Công an “đóng lại” với lý do người đưa hối lộ là “nạn nhân của tệ nạn tham nhũng nên không khởi tố”, kết luận điều tra do Trung tướng Trần Văn Vệ ký. Riêng Cục trưởng Cục Đường thủy ký bút phê rút 35 triệu đồng tiền quỹ đen cũng như chỉ đạo cấp dưới thu quỹ đen thì được kết luận “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Tôi báo cáo Ban Biên tập về việc Cơ quan tố tụng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nhưng nhận được chỉ đạo “chỉ đưa tin theo cơ quan tố tụng”. Tôi bắt đầu thất vọng. 

Năm 2019 tôi báo cáo Ban Biên tập về sai phạm ở Cảng Phú Định, 64 ha đất cảng của nhà nước có nguy cơ biến thành đất tư nhân để triển khai Dự án khu đô thị Cảng Phú Định. Nhà nước có nguy cơ mất 20 ngàn t đồng nếu để 64 ha đất cảng Phú Định về tay tư nhân. Ban Biên tập đồng ý để tôi đi thu thập chứng cứ. 

Sau một năm nhập cuộc, có đủ chứng cứ xác định hàng loạt cán bộ thuộc sở, ban ngành cũng như Tổng Công ty Samco và một số nguyên là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có dấu hiệu thiếu trách nhiệm khiến vốn nhà nước bị “đánh bật” từ 83% xuống còn hơn 16% và gần như chắc chắn 64 ha đất cảng chuẩn bị về tay tư nhân, vì tháng 7/2020 Bộ TNMT đã có quyết định ĐTM từ đất cảng sang đất đô thị. Tôi chắp bút viết 3 bài chỉ rõ sai phạm từng điều khoản của Pháp luật Thủ tướng bị qua mặt như thế nào, nhưng báo không sử dụng. Tôi đã hiểu tất cả. Đầu năm 2020 Báo chấm dứt hợp đồng với tôi… 

Mặc dù báo chấm dứt Hợp đồng với tôi, tôi vẫn miệt mài đeo bám vụ Cảng Phú Định, hồ sơ đã đến Văn phòng Trung ương đảng và Bí thư Nguyễn Văn Nên và Ban Nội chính Thành ủy. Hiện nay Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đang điều tra. Theo nguồn tin riêng, Cơ quan An ninh Điều tra đang chờ giám định thiệt hại để xử lý theo pháp luật…

Dù đam mê, mải miết cống hiến cho lý tưởng của mình, mong muốn góp một phần nhỏ cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước nhà. Nhưng đi đâu, cơ quan nào cũng đều bị chặn ngang đường. Phải chăng làm nhà báo tử tế, người tử tế cũng như làm đúng pháp luật ở xã hội này khó thế ư?

H.N.

Nguồn: FB Phóng viên Hoài Nam   

  

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.