Trần Nhung
Quốc hội ta có ba nhiệm vụ cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.
Đánh giá thật nghiêm túc thì Quốc hội đã không thực hiện tốt cả ba nhiệm vụ này.
Về luật pháp thì chất lượng làm luật của ta là rất yếu bởi rất nhiều luật vừa ban hành vài ba năm thậm chí chưa đưa vào cuộc sống đã thấy bất cập và phải bổ sung sửa chữa gây lãng phí rất lớn về ngân sách và gây khó khăn trong thực thi pháp luật.
Về giám sát tối cao thì rất nhiều vụ việc tầm cỡ quốc gia quan trọng nhất có sai phạm nghiêm trọng nhưng Quốc hội cũng không giám sát để chỉ ra sai phạm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì Quốc hội chỉ đóng vai trò tán thành, bởi mọi quyết định đã được đưa ra từ Bộ Chính trị đến nỗi có những việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội không dám quyết định mà lại chờ quyết định từ phía Đảng. Điểm rõ nhất là trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khóa trước: -Vấn đề này Bộ Chính trị đã quyết, Quốc hội chúng ta chỉ có việc thảo luận thông qua.
Nếu Quốc hội thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình và thể hiện đúng nhất là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và nền dân chủ của Việt Nam là nền dân chủ đại diện tức là mỗi đại biểu Quốc hội là thay mặt cho một bộ phận dân cư phát biểu chính kiến của mình tại diễn đàn Quốc hội thì quốc hội phải có ý kiến quyết định về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Hơn nữa thể chế chính trị của Việt Nam là một đảng duy nhất lãnh đạo vì thế rất cần có sự phản biện lại đường lối chính sách của Đảng để bảo đảm đường lối chính sách ấy đúng đắn hợp lòng dân và vì lợi ích của đất nước. Khác hẳn thể chế chính trị đa nguyên và đa đảng đối lập là chính các đảng đối lập là sự phản biện gay gắt quyết liệt thậm chí là chống đối với Đảng cầm quyền. Vì thế Quốc hội của ta là cơ quan quan trọng nhất đóng vai trò cho phản biện đường lối chính sách của Đảng để bảo đảm hiệu quả của đường lối chính sách ấy là đúng đắn phù hợp thực tiễn và đáp ứng lợi ích của đất nước.
Chỉ xin nhận xét vài điểm về cuộc họp Quốc hội đang diễn ra. Qua theo dõi các phát biểu của các đại biểu Quốc hội về các dự án luật cũng như thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của đất nước và nhiều vấn đề khác thì có thể thấy chất lượng đại biểu Quốc hội của ta là thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Một là rất nhiều phát biểu theo cảm tính, phản ánh là chính, không có thông tin thể hiện tư duy trí tuệ.
Hai là rất nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu nhằm ca ngợi Đảng, Nhà nước và Chính phủ,mà nói đúng hơn là ca ngợi Tổng Bí thư và Thủ tướng, mà điều này thì không cần thiết.
Ba là một số phát biểu có tính chất kiến nghị và đề xuất thì tỏ ra lạc lõng với suy nghĩ chung của nhân dân, thậm chí là đi ngược lại nguyện vọng và ý chí của nhân dân.
Chỉ xin dẫn chứng một vài ví dụ. Bất kể người dân thường nào cũng nhận thấy sự điều hành quản lý về phát triển kinh tế xã hội còn bất cập, thể hiện trong việc nền tài chính tiền tệ yếu kém, lạm phát tăng cao giá vàng tăng không kiểm soát được… nhưng nhiều đại biểu không nêu ra được nguyên nhân và biện pháp khắc phục, lại ca ngợi là kinh tế xã hội đang phát triển rất tốt đẹp và sự điều hành quản lý của Chính phủ là rất tuyệt vời. Trong phát biểu về xây dựng luật thì một điều đơn giản nhất là bộ luật do Bộ Công an đề xuất về quản lý vũ khí và vật liệu nổ thì nêu việc con dao là vũ khí sát thương thì chưa thấy ý kiến nào phản biện phải bỏ điều này. Bởi nếu coi con dao là vũ khí sát thương thì sẽ vô số các vận dụng khác rất thông thường trong đời sống như cái kéo, cái búa đinh, thậm chí là que củi… cũng có thể coi là vũ khí sát thương, bởi kẻ côn đồ có thể dùng bất cứ vật gì để gây thương tích thậm chí là gây chết người. Nếu coi con dao là vũ khí sát thương thì rất dễ bị công an lợi dụng,bởi bất cứ người dân thường nào ra đường mang con dao cũng có thể bị công an hạch sách gây khó dễ.
Như một đại biểu khác nêu việc cho vào lò toàn là gỗ quý gỗ hiếm và đề xuất việc dùng đạo đức để chống tham nhũng thì thật nực cười. Bởi vì tất cả những cán bộ từ thấp đến cấp rất cao bị cho vào lò thì đó là những thanh củi mục chứ không thể coi là gỗ quý gỗ tốt được. Hai là chống tham nhũng thì phải bằng cơ chế chính sách, bằng luật pháp và các công cụ răn đe, chứ việc dùng đạo đức là chỉ cho các cuộc sinh hoạt chính trị tư tưởng trong chi bộ hoặc là tổ dân cư mà thôi. Còn có thể kể ra vô và ví dụ khác nữa.
Gần 500 đại biểu Quốc hội khóa này thì nhân dân ta phải chấp nhận cho đến khi các vị hết nhiệm kỳ. Hy vọng là trong bầu cử Quốc hội 16 thì việc chọn lựa ứng cử viên Quốc hội phải dân chủ và thực chất hơn thì mới mong có Đại biểu Quốc hội có chất lượng. Nhưng đây cũng chỉ là mơ ước thôi, bởi với cơ chế chọn lựa ứng cử viên và cách bầu cử như hiện nay thì còn lâu lắm mới có một Quốc hội thật sự chuyên nghiệp và có chất lượng cao.
T.N.
Nguồn: FB Trần Nhung