VOA Tiếng Việt
Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái hôm 20/5 thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng và cho biết chính phủ sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, theo Reuters.
Theo ông Lê Minh Khái, lạm phát tại Việt Nam đang gia tăng trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu. Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó bao gồm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây sức ép lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.
Ông Khái cho biết tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam đạt 5,66%, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6% – 6,5% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 5,05% vào năm ngoái.
“Đây là một thách thức lớn để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm nay”, Reuters dẫn lời ông Khái nói khi thay mặt chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2024 hôm 20/2.
Việt Nam, một trung tâm sản xuất được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung, đang phải gánh chịu gánh nặng lãi suất tăng cao trên toàn cầu khi chúng làm giảm nhu cầu về hàng hóa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất ở châu Á nhưng vẫn thấp hơn mức 7% trước đại dịch.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn.
“Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm”, tờ Lao Động dẫn lời ông Lê Minh Khái nói.
Trước tình trạng khó khăn trên, chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giữa bối cảnh còn nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu, Bloomberg dẫn lời ông Khái cho biết thêm.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm tìm cách cắt giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và thúc đẩy đầu tư công. Vẫn theo lời ông, Việt Nam sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng thừa nhận quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với nguy cơ áp lực lạm phát cao trong năm nay.
Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát từ 4% – 4,5%. Trong quý I/2024, lạm phát tại Việt Nam ở mức tăng bình quân 3,77% so với bình quân cùng kỳ, theo Tổng cục Thống kê.
Nguồn: VOA Tiếng Việt