Thứ Sáu, 17-5-2024
Vì yêu mến Phật pháp, tôi đã quy y làm một Phật tử, cách đây 10 năm. Cũng đã nhiều lúc khát khao đi tu một cách mãnh liệt, cháy bỏng. Có những thời điểm đã tự cạo tóc, lên chùa ở. Thầy tôi nói tôi ở lại, dù thầy chưa từng thế phát xuất gia cho bất kỳ ai. Năm 2020 quyết một chuyến đi bộ từ Nam ra Bắc, nhưng rồi cuối cùng cũng không làm được. Căn tánh chậm lụt, phước mỏng huệ cạn, mình lại bị cuốn vào cuộc sống thế gian với tất cả những ràng buộc chằng chịt của nó. Suốt mươi năm qua, cái tâm luôn khắc khoải, như một món nợ với chính cuộc đời mình, vừa muốn trả một lần cho dứt, vừa xàng xê lần lữa.
Từ khi bắt đầu viết Facebook, hai chủ đề mà tôi tập trung nhiều nhất chính là giáo dục và đạo Phật ở Việt Nam. Bức tranh giáo dục thì chắc không phải nói nhiều nữa, còn Phật giáo thì bởi sự xuống cấp nhiều mặt, đặc biệt là tình trạng hư hỏng của nhiều nhà sư và sự u mê của đông đảo quần chúng. Với tôi, tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo có một ý nghĩa quan trọng đối với xã hội Việt Nam. Sự yếu kém do giáo dục gây nên thì có thể sửa chữa rất nhanh, chỉ cần có những thay đổi hợp lý về chính sách; nhưng sự băng hoại về mặt tâm linh thì khó hơn vạn lần. Người đã rơi vào mê tín rồi thì như rớt xuống vực sâu của chính mình, bị “đánh cắp linh hồn”, không còn có nhu cầu thoát ra nữa. Đó là mối nguy cho tương lai xã hội, và vì thế tôi nhận thấy việc “giải mê” đối với hàng triệu người đang sì sụp trước những lời giảng đầy chất mê tín và sự thao túng tâm lý kia là điều quan trọng bậc nhất.
Khi mà câu chuyện của Phật giáo ngày càng khiến nhiều người ngao ngán, gây ra lắm thị phi không ngớt, nhất là trong thời gian gần đây, thì đột ngột, sự xuất hiện của sư Minh Tuệ như một lời giải và một dẫn chứng hùng hồn cho hình ảnh chân chính của một nhà tu hành. Nó làm bừng tỉnh xã hội, khiến không ít người giật mình, tạo ra một không khí văn hóa đặc biệt trong vài tháng qua. Không thuyết pháp, không rao giảng đạo lý, vô sản tuyệt đối, nhưng những bước chân của sư Minh Tuệ đã làm sống lại con đường của Đức Phật trên mảnh đất Việt Nam, tức là nhen nhóm hồi sinh các giá trị văn hóa, tinh thần. Đó là một sự kiện văn hóa mà tôi nghĩ trong nhiều năm tới sẽ vẫn được nhắc lại như một dấu mốc quan trọng trong đời sống xã hội nước ta nửa đầu thế kỷ 21 này.
Là một Phật tử, yêu mến tư tưởng của đạo Phật một cách sâu nặng nhưng tôi cũng biết rằng, chưa nói đến sư Minh Tuệ, mà ngay cả nếu bây giờ có Phật xuất hiện trước mặt và mình lẽo đẽo đi theo suốt đời nhưng không tư duy quán xét, không đào luyện thân tâm, không miên mật hành trì thì cũng chỉ vô ích mà thôi. Rốt cuộc cũng chỉ làm cái bóng hoặc làm nô lệ cho những ảo ảnh mà chính mình tạo ra để tự huyễn hoặc mình.
Mỗi người có thể đều có mục đích sống và con đường riêng, tất cả đều đáng tôn trọng. Nhưng cá nhân tôi đặc biệt kính trọng những người dám đối mặt và chiến thắng chính bản thân họ, vượt qua tất cả những cạm bẫy của tư duy và sự tinh quái của bản ngã để đạt đến sự tự do về tinh thần.
Ngày Phật đản và hình ảnh sư Minh Tuệ hôm nay đã gây nên trong lòng nhiều cảm xúc. Cuộc sống nào cũng tốt đẹp, nhưng làm sao để thành tựu lý tưởng cá nhân lẫn mong muốn về một xã hội tốt đẹp, đó vẫn là một hóc búa của nhân sinh…
T.H.
Tác giả gửi BVN